Các phiên giao dịch cuối ngày 8-2 lại chứng kiến một phen lao dốc khác của chứng khoán Mỹ khi chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones mất tiếp 1.000 điểm.
Chỉ số Dow Jones hiển thị trên màn hình trong các phiên giao dịch cuối ngày 8-2 tại Sàn giao dịch chứng khoán New York - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, mức giảm điểm này khiến nhiều nhà đầu tư thêm choáng váng, không hiểu nổi sau cú lao dốc kinh hoàng vừa trải qua tuần này ở một thị trường chỉ mới tăng trưởng cao ổn định trong nhiều tháng trở lại đây.
Theo đó trong ngày 8.2, chỉ số S&P 500 giảm 3,8 điểm %, chỉ số Dow Jones giảm 4,2 điểm % với mức giảm tăng dần trong các phiên giao dịch về cuối ngày.
Với mức giảm điểm ngày 8.2, cả hai chỉ số tiêu chuẩn của chứng khoán Mỹ là S&P 500 và Dow Jones đều đã giảm hơn 10 điểm % so với mốc cao kỷ lục từng đạt ngày 26.1. Cả hai đều khẳng định đây có thể là hệ quả từ việc chứng khoán Mỹ đang bước vào các phiên giao dịch điều chỉnh.
Đài NBC nhận định, sau một thời gian tăng trưởng kỷ lục, thời gian qua thị trường chứng khoán Mỹ đang bước vào giai đoạn bất ổn mới sau báo cáo về tình trạng việc làm tốt hơn nhiều so với kỳ vọng được công bố trong tháng 1.2018.
Một số nhà đầu tư cho rằng tỉ lệ tăng lương ở mức nhanh nhất trong những ngày gần đây là tín hiệu cho thấy Cục dự trữ liên bang Mỹ có thể sẽ đẩy lãi suất cho vay lên mức cao nhất. Do đó để bảo toàn tài sản, nhiều người đã ồ ạt bán tháo cổ phiếu.
Giới quan sát cho rằng những động thái sắp tới của FED có thể là một nguyên nhân gây tâm lý hoang mang, lo lắng của giới đầu tư.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8-2, chỉ số Dow Jones đạt 23.860 điểm (4,15 điểm %). Chỉ 2 tuần trước, chỉ số này đã vươn lên mức 26.616 điểm. Chỉ số S&P mất 100,66 điểm (3,75 điểm %) còn 2.581 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 274,83 điểm (3,9 điểm %) còn 6.777,16 điểm.
Theo chuyên gia phân tích tài chính Greg McBride của trang Bankrate.com, dự kiến trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần tiếp theo, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ còn chứng kiến nhiều biến động tương tự.