Chủ tàu mòn mỏi chờ đăng kiểm

06/08/2023 06:00

Nhiều chủ tàu đang gặp khó khăn vì đã chờ đợi nhiều ngày mà vẫn không thể đăng kiểm phương tiện vận tải thủy, gây nhiều thiệt hại về kinh tế.


Đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm Hải Hưng kiểm tra thiết bị trên tàu (ảnh tư liệu)

Nhiều chủ tàu thủy đang như... ngồi trên đống lửa vì phương tiện đến thời hạn đăng kiểm nhưng chờ đợi nhiều ngày mà vẫn phải nằm im trong khi khoản nợ ngân hàng vẫn phải trả lãi hằng tháng.

Chủ tàu gặp khó

Ngày 28.6, tại bến đò Lạng ở xã Bình Lãng (Tứ Kỳ), ông N.Đ.T. bị xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng vì phương tiện thủy HD-1941 của ông hết hạn kiểm định. Ông T. chấp nhận ký vào biên bản vi phạm nhưng cũng phân bua là từ tháng 4 ông đã làm hồ sơ đề nghị đăng kiểm lại phương tiện nhưng đợi mãi mà chưa được đăng kiểm. “Trước đây, cứ gần hết đăng kiểm, tôi làm thủ tục xong là có đăng kiểm viên về đăng kiểm phương tiện. Chưa bao giờ đăng kiểm phương tiện thủy lại khó khăn như bây giờ. Tôi rất sốt ruột nhưng cũng không biết làm cách nào”, ông T. nói.

Tại bãi của Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Cơ khí Việt Hùng ở xã Minh Hòa (Kinh Môn) có hàng chục tàu sông đang đỗ. Nhiều tàu đã lên đà để chờ đăng kiểm. Đại diện công ty này cho biết trước đây, sau khi lên đà đa số các tàu chỉ đợi 2-3 ngày là có đăng kiểm viên xuống làm việc nhưng bây giờ thời gian lâu hơn 5-7 ngày mới có người xuống. Có tàu đã lên đà cả tháng mà vẫn chưa đăng kiểm xong. Có tàu nộp hồ sơ đến 2 lần nhưng chưa được đăng kiểm nên đã nhổ neo đi nơi khác, sang Hải Phòng, Quảng Ninh... để đăng kiểm. Một năm trung bình tàu chạy vài chục chuyến hàng, nếu nằm ở bến lâu thì ảnh hưởng lớn đến vận chuyển, không làm ra tiền trong khi vẫn còn nhiều khoản phí phải chi trả. 

Ông T.V.T. ở huyện Trực Ninh (Nam Định) có 2 tàu sông, mỗi tàu tải trọng khoảng 580 tấn. Một trong hai chiếc tàu của ông đã đến thời gian đăng kiểm, ông T. đã làm hồ sơ, cho tàu lên đà tại bãi ở xã Minh Hòa nhưng đã 2 tuần trôi qua, việc đăng kiểm vẫn chưa xong. Ông T. cũng không biết đến bao giờ việc đăng kiểm tàu của ông mới có thể hoàn thành. Ông T. cho biết: “Nhà tôi sắm tàu vẫn nợ ngân hàng, mỗi tháng phải trả lãi, cộng với khoản tiền trả công cho thuyền viên, thợ máy, tổng số tiền phải chi trả lên tới gần 100 triệu đồng. Tàu đỗ càng lâu thì thiệt hại kinh tế càng lớn”. 


Những chiếc tàu không thể hạ thủy vì vẫn phải chờ đợi đăng kiểm, kéo theo nhiều hệ lụy cho chủ tàu. Trong ảnh: Tàu chờ đăng kiểm tại bãi sông xã Minh Hòa (Kinh Môn)

Anh Vũ Văn Quang, kỹ thuật viên Công ty TNHH một thành viên Thủy Quân HD ở xã Minh Hòa chuyên sửa chữa, đóng mới các phương tiện thủy nội địa cho biết tình hình đăng kiểm kéo dài khiến không chỉ các chủ tàu bị thiệt hại kinh tế, cả những chủ cơ sở sửa chữa, đóng tàu cũng bị ảnh hưởng. Tại bãi của công ty anh Quang có tàu đã đỗ 3 tháng mà vẫn chưa đăng kiểm xong. Mỗi con tàu vào chủ bãi thu tiền 1 lần. Tàu này đi thì tàu khác mới vào được, nếu tàu đỗ lâu thì bãi không còn diện tích để đón tàu khác.

Thống kê đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Hải Dương có 1.966 phương tiện thủy nội địa. 1.297 phương tiện có trọng tải từ 200 tấn trở lên. 

Thiếu đăng kiểm viên

Hoạt động kiểm định phương tiện thủy nội địa gặp khó khăn, công việc ngưng trệ, ì ạch là do thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ đăng kiểm viên.

Các phương tiện thủy nội địa của Hải Dương do Chi cục Đăng kiểm Hải Hưng (phường Thanh Bình, TP Hải Dương) phụ trách khâu đăng kiểm. Chi cục này cũng phụ trách đăng kiểm phương tiện thủy nội địa của tỉnh Hưng Yên. Chi cục có tổng số 11 đăng kiểm viên, trung bình mỗi tháng thực hiện đăng kiểm cho khoảng 100 lượt phương tiện. Liên quan đến sai phạm trong quá trình đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, tại trung tâm đã có một số đăng kiểm viên bị khởi tố. Do vậy, chi cục đang thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ đăng kiểm viên. Đến giữa tháng 7, chi cục chỉ còn 3 đăng kiểm viên gồm 2 đăng kiểm viên chuyên ngành vỏ tàu và 1 đăng kiểm viên chuyên ngành máy tàu, không có đăng kiểm viên hạng 1. Hiện nay, những phương tiện tàu lớn, yêu cầu phải có đăng kiểm viên hạng 1.

Đại diện Chi cục Đăng kiểm Hải Hưng cho biết đơn vị đã báo cáo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, bổ sung nhân lực cho chi cục để bảo đảm hoạt động. Đến cuối tháng 7, Cục Đăng kiểm điều động 2 đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa hạng 1 từ Hải Phòng để tăng cường cho Chi cục Đăng kiểm Hải Hưng gồm 1 đăng kiểm viên chuyên ngành vỏ tàu và 1 đăng kiểm viên chuyên ngành máy tàu.  Việc đăng kiểm phương tiện thủy nội địa khá đặc thù, đăng kiểm viên phải đi xuống tận nơi neo đậu của tàu để kiểm tra. Những khu vực này thường nằm ở những vị trí không thuận tiện. Ngoài việc phải di chuyển một quãng đường dài, việc đăng kiểm còn phụ thuộc nhiều vào sự chuẩn bị của chủ tàu. Nếu chủ phương tiện có sự chuẩn bị chu đáo thì việc đăng kiểm diễn ra thuận lợi. Song cũng không ít lần, chủ phương tiện mời đăng kiểm viên nhưng lại chưa chuẩn bị đủ hồ sơ, chưa chuẩn bị sẵn sàng về dầu, máy để có thể vận hành nên đăng kiểm viên không thể hoàn thành công việc.

Các tàu lớn yêu cầu đăng kiểm viên hạng 1 thực hiện đăng kiểm gồm: các tàu hàng có trọng tải toàn phần từ 2.000 tấn trở lên; tàu dầu có nhiệt độ chớp cháy lớn hơn 60 độ C, có trọng tải toàn phần từ 1.000 tấn trở lên; tàu dầu có nhiệt độ chớp cháy nhỏ hơn hoặc bằng 60 độ C, có trọng tải toàn phần từ 500 tấn trở lên; tàu hàng cấp VR-SB có trọng tải toàn phần từ 500 tấn trở lên hoặc tàu khách cấp VR-SB có sức chở từ 50 người trở lên; tàu đệm khí; tàu chở xô hóa chất nguy hiểm; tàu chở khí hóa lỏng.

NINH THÀNH

(0) Bình luận
Chủ tàu mòn mỏi chờ đăng kiểm
ss