Xã Vĩnh Hưng (Bình Giang) cần có biện pháp giải quyết phù hợp để tránh lãng phí sân vận động cũng như sớm hoàn thiện các hạng mục còn lại của Trạm Y tế ở xã Hưng Thịnh cũ.
Sân vận động xã Hưng Thịnh cũ bỏ hoang
Người dân thôn Thượng Khuông, khu dân cư Quán Gỏi, xã Vĩnh Hưng (sáp nhập từ xã Vĩnh Tuy và Hưng Thịnh cũ) phản ánh nhiều năm nay phải đi thuê nơi đá bóng, vui chơi các hoạt động thể thao ở những sân bóng mini nhân tạo của tư nhân. Trong khi đó, sân vận động xã Hưng Thịnh cũ xây dựng từ lâu lại bỏ hoang.
Sân vận động xã Hưng Thịnh cũ rộng khoảng 7.000 m2 nằm gần cổng làng Thượng Khuông, xung quanh được xây tường bao kiên cố, hàn lưới thép, bên trong cỏ dại mọc um tùm, rác thải ô nhiễm. Ngay lối vào sân vận động người dân trồng rau muống, rau đay.
Theo ông Vũ Đức Hùng ở phố Quán Gỏi, sân vận động xã đã bị bỏ hoang nhiều năm trong khi thanh thiếu niên trên địa bàn thiếu nơi để vui chơi, luyện tập thể dục thể thao. Nếu muốn đá bóng, người dân phải thuê sân cỏ nhân tạo của một đơn vị tư nhân gần đó. Ông Hùng cũng như một số người dân khác mong muốn sân vận động sớm được cải tạo, đưa vào hoạt động đúng mục đích để người dân có sân chơi, rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần.
Ông Phạm Ngọc Sử, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng cho biết trước kia khu vực này được quy hoạch là sân vận động của xã Hưng Thịnh cũ. Do gần khu vực đó có nhiều sân nhân tạo nên thanh thiếu niên chơi thể thao chủ yếu ở những sân này. Có người dân ở gần đó còn tận dụng sân vận động trồng rau, tập kết gỗ. Năm 2018, chính quyền xã Hưng Thịnh đã giải tỏa, xây tường bao, giao cho cơ sở quản lý. Nhưng thực tế là người dân không có nhu cầu sử dụng, để cỏ mọc. Định hướng của xã là khai thác sân vận động trở thành điểm hoạt động thể thao cho người dân địa phương, song chưa có kinh phí để cải tạo. Tới đây, địa phương sẽ dọn dẹp, giao cụ thể cho 1 thôn quản lý sân vận động.
Trạm Y tế cũ ở xã Hưng Thịnh cũ bị xuống cấp
Đó chỉ là cách làm trước mắt, chưa phải giải pháp lâu dài. Thực tế, tình trạng sân vận động bị bỏ hoang, gây lãng phí, ảnh hưởng đến cảnh quan nông thôn không chỉ là câu chuyện của riêng xã Vĩnh Hưng. Một số địa phương trong tỉnh khắc phục tình trạng này bằng việc huy động nguồn xã hội hóa xây dựng sân vận động. Đề nghị chính quyền xã Vĩnh Hưng cân nhắc, có biện pháp giải quyết phù hợp để tránh lãng phí, bảo đảm lợi ích cho người dân
Trạm Y tế xã Hưng Thịnh cũ có địa chỉ ở khu dân cư Quán Gỏi từ lâu đã xuống cấp nghiêm trọng. Để về đích nông thôn mới, đầu năm 2019, xã Hưng Thịnh cũ đã đầu tư xây dựng Trạm Y tế mới, cách vị trí trạm cũ 100m. Công trình được phê duyệt đầu tư 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là nhà chính và công trình phụ trợ. Đến nay, tòa nhà chính 2 tầng gồm 13 phòng với kinh phí 4,9 tỷ đồng đã hoàn thiện, còn sân, hệ thống thoát nước, cổng, tường rào chưa hoàn thành nên Trạm Y tế mới chưa thể đưa vào sử dụng.
Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, xã Vĩnh Hưng đã tiến hành sáp nhập về cơ cấu tổ chức 2 trạm y tế của 2 xã cũ thành một, đặt trụ sở tại thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hưng. Công tác khám chữa bệnh ở Trạm Y tế xã Hưng Thịnh cũ vẫn được duy trì. 8 cán bộ, nhân viên y tế chia thành 2 nơi, mỗi nơi 4 người để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Nhiều người dân thôn Thượng Khuông, khu dân cư Quán Gỏi cho rằng công trình Trạm Y tế được xây dựng từ năm 2019 nhưng đến nay sau 2 năm vẫn chưa hoàn thiện, đưa vào sử dụng, trong khi điểm khám chữa bệnh ở xã Hưng Thịnh cũ (Trạm Y tế cũ) đã xuống cấp nghiêm trọng. Người dân đề nghị nhanh chóng hoàn thiện công trình phụ trợ của Trạm Y tế mới, đồng thời duy trì 2 điểm khám chữa bệnh để thuận lợi cho người dân. Lý do một số người dân đưa ra là khoảng cách từ khu dân cư đến Trạm Y tế xã Vĩnh Hưng (Trạm Y tế xã Vĩnh Tuy cũ) từ 3-4 km nên khá xa. Ngoài ra, Trạm Y tế xã Hưng Thịnh cũ còn là nơi phục vụ sơ cứu ban đầu cho nạn nhân bị tai nạn giao thông ở các quốc lộ 5A và 38.
Ông Sử cho biết công trình Trạm Y tế ở xã Hưng Thịnh cũ bị gián đoạn do địa phương thiếu kinh phí để thực hiện các hạng mục phụ trợ. Trước mắt, xã đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện công trình, địa phương sẽ tiết kiệm nguồn chi thường xuyên bố trí kinh phí để trả dần.
Trạm Y tế xã Vĩnh Hưng hiện nay là Trạm Y tế xã Vĩnh Tuy cũ đã đạt chuẩn quốc gia về y tế, có đủ điều kiện cơ sở vật chất phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân trong xã. Việc sáp nhập sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ. "Vấn đề nhân dân kiến nghị, địa phương tiếp thu. Việc có bố trí 2 cơ sở y tế thì địa phương phải xin ý kiến cấp trên và cơ quan chuyên môn", ông Sử nói.
PV