Cái tình giữa mùa dịch

13/06/2021 11:01

Bà hiểu rằng tình gia đình, tình láng giềng chính là liều thuốc quý để chữa lành căn bệnh thờ ơ vô cảm, giúp tất cả vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch.


Đang ở chợ làm nhiệm vụ nhắc nhở bà con tiểu thương chấp hành quy định phòng chống dịch thì ông Oánh nghe có tiếng nhốn nháo ở cổng phụ phía Bắc. Ông Oánh vội tới thì thấy ông bà tổ soát phiếu vào chợ đang giằng co với một cô gái đi xe máy, mặc áo chống nắng kín mít, phía sau chở cái thùng xốp to bự đầy ắp thực phẩm. Ông nghe cái giọng quen quen xoe xóe: "Này, các ông cũng vừa vừa phai phải thôi cho dân người ta còn sống nhé, tôi có phiếu đi chợ đàng hoàng, mang gì vào thì kệ tôi...". Bác tổ trưởng vẫn ôn tồn: "Vấn đề là từ sáng đến giờ cô vào chợ 3 lần rồi, mỗi lần một phiếu, chúng tôi cần kiểm tra chỗ phiếu đấy là thế nào...". Cô gái không chịu lùi bước, định rồ ga phóng xe vào chợ. Thấy tình hình có vẻ căng, ông Oánh lao tới giữ xe của cô ta: "Này, cô kia, xuống xe cho người ta kiểm tra phiếu, cô không nghe thông báo trên loa là mỗi nhà chỉ được đi chợ hai ngày một lần thôi à, mà phiếu chỉ có giá trị một lần, cô lấy đâu ra lắm phiếu thế?". Cô gái lùi lại, cái mũ bảo hiểm tuột xuống.

- Ơ bố, con đây mà!

- Ô, cái Toan à? Sao vào đây làm gì?

Lúc này, ông Oánh ước gì có cái lỗ nẻ để chui xuống vì xấu hổ, hóa ra là con dâu cả nhà ông. Thật chả ra làm sao, ai đời bố chồng đang làm nhiệm vụ, con dâu lại tích trữ phiếu đi chợ để vào bán hàng chui.

Về nhà, ông gọi vợ chồng con trai cả định mắng cho một trận. Nhưng vợ ông bảo cậu cả vừa đi trực ở chốt nên ông tạm hoãn lại. Thấy vẻ mặt bà Oánh vẫn thản nhiên, ông giận lắm, người ta thì đồng lòng chấp hành quy định phòng chống dịch bệnh, đằng này thấy con dâu làm việc sai trái, mẹ chồng còn tỏ ý bênh vực. Chẳng khác gì "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", không có tôn ti trật tự gì cả.

Đúng lúc này bà Lụa hàng xóm chạy sang: "Hai bác ơi, chả hiểu sao mấy ngày liền mà em chưa được phát phiếu đi chợ, nhà thì hết sạch thức ăn rồi, hôm nay bác nhận phiếu chưa cho em lấy?". Vợ ông Oánh lúng túng cười trừ: "Ừ thì, phường họ đưa bao nhiêu tôi phát hết rồi, chắc họ đưa thiếu hoặc tôi phát nhầm, để mai tôi hỏi lại". Bà Lụa bức xúc: "Nhầm là nhầm thế nào, lần dịch Covid đầu năm, ông Đông tổ trưởng phát phiếu có thiếu đâu mà sao lần này thiếu be thiếu bét, nhiều người trong phố cũng không có phiếu đâu đấy, có cái họ ngại không hỏi thôi, chứ tôi biết bác toàn bớt phiếu cho con dâu đi bỏ mối hàng kiếm lời ở mấy chợ trong phố".

Nghe vậy, ông Oánh càng điên tiết, đầu nóng bừng như bốc hỏa! Cũng may anh con trai cả về kịp đến nhà can ngăn, chứ không chắc hai ông bà lại xảy ra xô xát.

Cuộc họp gia đình diễn ra ngay sau đó, vợ chồng con trai cả ngồi nghe ông nói, cô con dâu cả đã nhận ra cái sai của mình, chỉ có bà Oánh là chưa thông, bà cằn nhằn: "Ông nói đi thì phải nói lại, tôi với ông tuy già cả nhưng còn có đồng lương hưu. Ông xem, con dâu cả nhà mình nó vất vả quá, vừa mở quán ăn thì lại phải đóng cửa, vốn liếng vay mượn chưa trả hết, chồng làm bộ đội tuy gần nhà nhưng suốt ngày đi trực, nào có giúp vợ được gì, chi tiêu học hành con cái tốn kém là thế, tôi cũng thương nó nên mới vậy, có gì sai đâu". Đang bất lực trước sự ngang ngạnh của vợ thì bà Lụa chạy sang hốt hoảng:

- Bác ơi, bác bảo các cháu giúp em với, ông nhà em lên phố mua đồ, không có phiếu đi chợ, sợ gặp chốt xử phạt nên vòng vèo xe máy đường tắt, nào ngờ ngã xuống cái mương, giờ không có người đưa lên viện.

Bà vợ ông Oánh mặt tái dại, hoảng hốt, ông Oánh quay sang giục con lấy xe máy còn mắng vợ: "Bà đã thấy hậu quả chưa, phen này...".

Sau một tiếng đồng hồ kiểm tra chiếu chụp, cũng may chồng bà Lụa chỉ xây xước, không bị gẫy xương. Nghe tin ông Oánh thở phào, quay sang vợ và con dâu thấy vẻ ân hận lo lắng lộ rõ trên khuôn mặt hai mẹ con. Chẳng cần nói nhiều nữa, bà Oánh đã nhận ra cái sai của bản thân, bà tất bật đóng gói hoa quả, đường sữa sang tạ lỗi với hàng xóm. Ông Oánh bảo: "Bà làm thế là phải, xong việc bà với tôi kiểm tra lại số tiền tiết kiệm mấy năm nay, có lẽ đã đến lúc mình phải hỗ trợ các con để chúng vượt qua đợt dịch này".

Bà Oánh thấy sống mũi cay cay, hơn lúc nào hết bà nhận ra điều sâu xa trong lời nói của chồng, cảm nhận được cái tình gia đình, tình láng giềng. Bà hiểu rằng đó chính là liều thuốc quý để chữa lành căn bệnh thờ ơ vô cảm, giúp tất cả vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch!

BÙI THU HẰNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cái tình giữa mùa dịch