Ngoài phạt tiền, trong nhiều trường hợp người vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến 2 năm.
Vậy người này bỏ giấy phép lái xe đang bị tạm giữ để thi lấy giấy phép lái xe khác được không? Đó là thắc mắc của nhiều người khi nghị định 100 có hiệu lực.
Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra nồng độ cồn đối với các lái xe
Tích hợp thông tin bằng công nghệ, không thể vi phạm rồi bỏ bằng
Bên cạnh hình thức phạt tiền, nghị định 100 còn quy định áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (tức bằng lái) trong thời gian nhất định đối với nhiều lỗi vi phạm. Trong đó, nhiều trường hợp có thể bị tước bằng lái đến 2 năm.
Điển hình là trường hợp sử dụng rượu bia khi lái xe. Người điều khiển xe môtô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng.
Còn người điều khiển xe ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn tương tự sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Theo luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), về nguyên tắc, tước giấy phép lái xe là một dạng chế tài hành chính. Nếu bị tước giấy phép lái xe trong vòng 24 tháng, tức là người này không được quyền lái loại xe tương tự trong vòng 24 tháng. Do vậy, khi chưa hết thời hạn bị phạt thì người này không được học, thi và cấp giấy phép lái xe mới.
Theo một cảnh sát giao thông tại TP Hồ Chí Minh, hiện nay Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đã liên thông dữ liệu, tích hợp thông tin. Khi xử phạt vi phạm giao thông, cơ quan chức năng sẽ cập nhật lên hệ thống, nên 1 người vi phạm ở TP Hồ Chí Minh, bị xử phạt tước giấy phép lái xe sau đó không thể "lách luật" bằng cách đến 1 tỉnh, thành phố khác để thi giấy phép lái xe mới.
Thậm chí, trước đây có nhiều tài xế báo mất giấy phép lái xe để xin cấp lại nhiều lần, dẫn đến 1 người có nhiều giấy phép lái xe, khi bị cơ quan chức năng tạm giữ giấy này thì còn giấy khác.
Tuy nhiên, vị này cũng cho biết sắp tới hạn chế này cũng sẽ được cơ quan chức năng khắc phục.
Nhiều điểm mới trong nghị định 100
Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 được hi vọng sẽ tạo ra thay đổi trong "văn hóa ăn nhậu" của người Việt. Đáng chú ý là mức phạt nghiêm khắc đối với tài xế có nồng độ cồn.
Không chỉ người lái ôtô, xe máy, nghị định 100 còn quy định người xe đạp mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ còn cũng bị phạt từ 80.000 đồng đến 600.000 đồng.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP còn quy định về mức phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại, đeo tai nghe khi lái xe và mức phạt này khá cao so với nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Người lái ôtô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển ôtô chạy trên đường sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng. Người này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng, nếu gây tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Tương tự, người điều khiển xe máy sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) sẽ bị phạt từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng. Ngoài ra hành vi này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Nhiều hành vi vi phạm khác cũng tăng mức phạt so với nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Theo Tuổi trẻ