Đã lâu lắm rồi ông Thà mới ra thăm ông Bắc. Hai người ngày xưa có nhiều cái cùng. Cùng xã, cùng học trường làng, cùng nhập ngũ một ngày, cùng chung đơn vị...
Từ ngày giải ngũ mấy chục năm rồi ông Bắc hoàn toàn khỏe mạnh, không tốn một viên thuốc, cũng chẳng biết cổng bệnh viện ra sao. Ông lấy vợ sinh con, đứa nào cũng đẹp đẽ xinh tươi. Do chịu khó làm ăn, lại biết cách chi tiêu hợp lý nên vợ chồng ông Bắc cũng xây được căn nhà hai tầng, khỏi phải lo mùa mưa bão. Từ ngày các con lấy vợ lấy chồng, rồi ra ở riêng, căn nhà trở nên trống vắng. Còn hai cái thân già quay ra chạm mặt, quay vào chạm vai. “Thôi cũng là trọn trách nhiệm của người làm cha làm mẹ”, ông Bắc thường động viên vợ như thế mỗi lần nhớ con nhớ cháu.
Ngỡ cuộc đời cứ thế trôi đi trong cái hạnh phúc đơn sơ. Thì ra ông trời ăn ở cũng bất công thật. Đã không giúp gì cho người lính lại còn mang đến dị hình cho ông Bắc. Ngót chục năm nay tự nhiên trên mặt ông xuất hiện những cái mụn thịt. Ban đầu trên cổ, trên mặt chỉ lưa thưa bằng hạt ngô. Sau lan nhanh, mọc chi chít, to bằng quả mận, treo lủng lẳng. Mỗi lần ông Bắc đi lại, cái mụn thịt ấy lúc lắc như quả trên cây gặp gió. Người bảo ông bị nhiễm chất độc da cam. Người lại bảo đấy là khối u độc. Vào cái tuổi ngoài 70, cộng thêm lo lắng về bệnh tật khiến ông Bắc trở nên tiều tụy. Vợ con ông hết lòng chăm sóc. Viện nọ viện kia. Đơn thuốc dầy cả tập. Toàn thuốc đặc trị, đắt kinh khủng. Lần đầu tiên ông Bắc nhận thấy nằm viện là một điều tệ hại, ông muốn ra viện. Bà Bắc an ủi: “Còn nước còn tát”. Ông Bắc thở dài: “Còn nước đâu mà tát”. Ông Bắc nói đúng. Căn nhà hai tầng đẹp đẽ cùng một nửa thửa đất đang ở đã “đội nón ra đi” sau sáu năm chữa bệnh. Ông bà đành xây tạm căn nhà cấp 4 trên mảnh đất còn lại. Chi hội Cựu chiến binh địa phương ngỏ ý tặng ông một chuyến xe đi Thủ đô chữa bệnh. Ông Bắc cảm ơn và lắc đầu từ chối. Làm gì còn tiền mà chữa với chạy. Nhưng bệnh tật và cả cái chết không làm ông Bắc sợ. Cái ông sợ nhất là sự cô đơn. Vợ thương chồng, con thương cha, nhưng vẫn có cái gì đó ngăn cách. Muốn chơi với cháu nội, cháu ngoại thì chúng hét lên chạy tán loạn, vì sợ. Cả ngày ông Bắc không nói một câu. Ông làm căn lều nhỏ, cách xa làng một thôi đường, vui thú cùng con gà, con vịt. Nhớ cái đận lâu rồi, ông Bắc đi ăn cỗ cưới. Chẳng ai dám ngồi cùng mâm. Tủi thân, ông Bắc ra lều vịt úp bát mì tôm. Không khóc mà nước mắt tràn mi. Nhiều đêm không ngủ được, chỉ muốn kết thúc cuộc đời cho vợ con đỡ khổ. Nhưng nghĩ lại ông không thể làm như thế được. Đã không chết thì phải sống. Nhất định phải sống.
Đã lâu lắm rồi ông Thà mới ra thăm ông Bắc. Hai người ngày xưa có nhiều cái cùng. Cùng xã, cùng học trường làng, cùng nhập ngũ một ngày, cùng chung đơn vị cho đến ngày ông Thà bị thương, ra Bắc điều trị, rồi giải ngũ. Chỉ có một điểm khác là trước khi nhập ngũ, ông Bắc đã là đảng viên, Phó Bí thư Đoàn xã. Chính sự khác biệt ấy mà ngay từ đầu ông Bắc đã được đề bạt làm tiểu đội trưởng. Mấy năm sau lên trung đội trưởng, rồi đại đội trưởng. Tuy vậy, họ vẫn là đôi bạn thân. Ông Bắc chỉ không thích Thà thường hay lợi dụng tình thân để làm những điều quá đáng. Rất nhiều lần ông Bắc bị chính trị viên phê bình vì thanh minh cho lỗi lầm của Thà. Thế mà từ ngày ông Bắc ra lều vịt, ông Thà chưa ra thăm lần nào. Ai hỏi, ông Thà đều kêu bận. Phải rồi, đến vợ con ông còn ngại nữa là người dưng. “Ồ, trận gió tốt lành nào đưa ông ra lều vịt thế?”, ông Bắc hỏi. Ông Thà nói nhưng mắt lại nhìn đi nơi khác: “Chủ nhật tuần tới mời ông đến dự buổi họp mặt của trung đoàn vận tải anh hùng của chúng ta. Thời gian 8 giờ, địa điểm hội trường huyện. À, ông còn nhớ tay Đại không? Cái thằng lúc nào cũng oang oang như pháo 130, có điệu cười như xu nịnh ấy. Lần này hắn cũng về dự. Thôi tôi về nhé. Đang trông cháu”.
Ngày họp mặt, ông Bắc không đi dự. Ông đi ra đi vào, băn khoăn ngơ ngác. Chẳng lẽ mang cái bộ mặt như ma này ra nhát người ta sao. Dù ở tư thế nào đôi tai ông Bắc vẫn hướng ra ngoài ngõ. Nửa mong bạn cũ đến thăm, nửa không muốn. Ông không muốn nhìn thấy những ánh mắt thương hại của bất kỳ ai. “Ông Bắc có nhà không? Thủ trưởng Bắc có nhà không? Ra đón khách. Hà… hà...”. Chưa thấy người đã thấy tiếng Đại oang oang. Có lẽ đời hắn chưa biết nói thầm. Dẫu có chết xuống âm phủ ông Bắc cũng không quên được tiếng cười mà một dạo ông không ưa. Ông Bắc bước ra gượng gạo: “Chào người anh em. Cảm ơn đã đến thăm”. Tiếng ông Đại: “Có thế chứ, anh không thể lẩn trốn suốt đời được đâu. Đã không trốn được thì phải dũng cảm đối mặt”. Ông Đại ôm chầm lấy ông Bắc, đẩy ra chút ít như để ngắm nhìn, rồi lại ôm chặt. Hàng mi ngân ngấn, ông Bắc thấy lòng mình ấm lại. Chà, cái anh chàng Đại này đa cảm như đàn bà. Xưa hắn có thế đâu. Người đáng khóc phải là ông chứ. Bà Bắc rót nước vối mời khách, rồi bà le te bước ra sân. Ông Đại gọi giật lại: “Chị Bắc đừng làm gì nhiêu khê nhé. Tuổi già ăn uống được bao nhiêu”. Trong nhà hai người đàn ông nhìn nhau im lặng. Ngoài trời mây đen vần vũ. Loáng cái đã xuất hiện những hạt mưa. Gió thổi mạnh. Mưa tầm tã. Hình như có tiếng sấm ở đâu đùng đoàng. Mấy chục năm xa cách, cuộc đời biết bao đổi thay. Ông Đại dường như cân nhắc trước khi mở lời: “Anh Bắc ạ, tôi biết những ngày ở chiến trường anh chẳng ưa gì tôi. Có thể tôi vô tư quá. Cũng có thể chúng ta chưa thật sự hiểu hết nhau. Chuyện đó giờ như một kỷ niệm đẹp”. Lời nói của ông Đại khiến ông Bắc bồi hồi nhớ lại những ngày lửa khói ngập trời.
Đó là những ngày cuối năm 1968, sau Tết Mậu Thân, quân ta tạm rút lên rừng. Kẻ địch bắt đầu lấy lại được tinh thần. Chúng tổ chức những trận càn khốc liệt. Nhiều cơ sở bị vỡ. Lương thực, thực phẩm từ miền Bắc chuyển vào không kịp. Bộ đội ta đói vàng mắt. Mấy ngày liền ăn toàn cháo môn nước. Trung đoàn vận tải của Bắc cũng nằm chung trong tình trạng ấy. Gọi là đơn vị vận tải cho oai chứ toàn phải dùng sức người mang vác. Một ba lô gạo nhiều khi phải đổi bằng máu của người chiến sĩ vận tải. Kẻ địch đang hoành hành khắp thôn bản. Có lúc bất ngờ địch đổ quân chắn ngang rừng. Không thể nổ súng vì phải bảo đảm bí mật con đường. Lên dốc xuống dốc, năm chục cân gạo đè nặng trên lưng, cắm mặt mà đi. Buồn nhất là lúc gặp địch, lại mở lối khác. Có hai ngàn mét chim bay mà phải đi vòng mất mấy tiếng đồng hồ. Vẫn phải đi. Đơn vị nào cũng cần phải có gạo, cho cả mùa mưa sắp tới. Đại rền rĩ: “Chết thế này không thể nhắm mắt được”. Lần khác Đại đề nghị: “Cho tôi về đơn vị chiến đấu, trực tiếp cầm súng”. Lần xét duyệt giới thiệu quần chúng xuất sắc cho chi bộ, Bắc phát biểu với tư cách đại đội trưởng: “Đồng chí Đại chỉ ở mức độ hoàn thành nhiệm vụ, nhưng lại không thông với nhiệm vụ được giao. Tôi nghĩ lòng dũng cảm của người chiến sĩ đâu cứ phải nổ súng với kẻ thù. Công việc của chúng ta cũng gian nan nguy hiểm không kém gì ngoài mặt trận”. Lần ấy Đại không được đưa vào diện cảm tình Đảng. Cũng từ đó Đại có vẻ né tránh gặp riêng Bắc. Thực tâm Bắc chỉ không thích tiếng cười của Đại. Nó giả giả thế nào ấy. Rất chướng tai. Vừa như xu nịnh, vừa như nâng bổng người nghe lên tận mây xanh. Phải một năm sau, qua nhiều lần thử thách, Đại mới được kết nạp vào Đảng.
Tiếng ông Đại đều đều: “Nhưng tôi lại rất quý trọng anh, anh Bắc ạ. Tôi quý cái đức tính chân thật yêu thương mọi người của anh. Thôi chuyện cũ qua lâu rồi, không nhắc lại nữa”. Ông Bắc vẫn im lặng ngồi nghe. Ngoài trời mưa đã ngớt. Đã nhìn thấy từng dải mây trắng ngang ngang. “Thế này nhé, tôi quyết định ngày mai đưa anh về Hà Nội. Ở đấy có rất nhiều bác sĩ giỏi. Họ sẽ thăm khám và điều trị cho anh. Khoe với anh, tôi có anh bạn đông y cự phách. Đã gặp hắn là mọi thứ bệnh tiêu tán. Nói để anh chị yên lòng, mọi đi lại thuốc men tôi lo hết. Trách nhiệm của anh là yên tâm chữa cho dứt điểm”. Lòng ông Bắc rưng rưng trước sự hào hiệp của người đồng đội một thời chung chiến hào. “Cảm ơn anh nhiều! Nhưng như thế liệu có phiền quá không?”. Ông Đại bảo: “Tôi biết anh đang gặp khó khăn. Và nhiều đồng đội nữa. Tôi giận mình không thể giúp tất cả được. Thôi thì sức mình đến đâu gắng đến đó”. Ông Bắc than thở: “Bệnh tôi hết thuốc chữa rồi”. Ông Đại nhìn ông Bắc như ngạc nhiên: “Lời anh nhắc năm xưa tôi vẫn còn nhớ, gặp khó khăn, mỗi người lính giải phóng phải tự đứng lên, phải sống và chiến đấu”. Ông Bắc chợt hỏi: “Đêm nay, anh ngủ lại đây chứ?”. “Chà, anh hỏi vậy là muốn tống khứ tôi ra đồng ngủ à?”. Mọi người cười xòa. Ông Đại cũng cười. Vẫn tiếng cười như xun xoe xu nịnh. Mà không. Giờ ông Bắc còn gì để người khác nịnh nọt. Thân tàn ma dại rồi. Thói đời người ta chỉ nịnh khi biết chắc sẽ có lợi lộc từ câu nói, tiếng cười ấy. Vừa cưỡng ép, vừa vận động, cả gắt gỏng nữa, cuối cùng vợ chồng ông Bắc đồng ý ra Hà Nội chữa bệnh.
Gần bốn tháng nằm viện, bệnh tật đã khỏi. Những khối u không còn nữa, da thịt trở lại bình thường. Ông Bắc béo trắng chứ không còn đen đủi như hồi ở nhà. Ông Đại còn bắt ông Bắc ở nhà mình thêm thời gian dài nữa. Vợ chồng ông Đại hết lòng chăm sóc. Ngày ngày bà Đại sắc thuốc cho ông Bắc uống. Thỉnh thoảng con cháu ông Đại đến thăm hỏi động viên. Tình thân như ruột thịt. Một hôm ông Bắc hỏi: “Ông bạn đông y của anh cắt thuốc cho tôi à?”. Hỏi vậy nhưng ông Bắc biết chẳng có ông bạn đông y nào hết. Ai đời cắt thuốc mà không bắt mạch. Họa có là thánh. Nhưng ông Đại gật gật: “Chính nó đấy. Hắn tài lắm. Chỉ cần nhìn vào cái đơn thuốc tây là hắn biết cần phải cắt những vị gì. Quan trọng là anh có thấy trong người khỏe lên không? Đừng quan tâm chuyện khác”. Những ngày ở nhà Đại, ông Bắc thấy nhớ nhà quá. Ông nhớ đàn vịt chạy đồng lang thang đây đó. Ông nhớ những đêm nằm nghe lũ vịt lao xao. Nghe mưa rơi gió thổi. Thấy lòng mình cồn cào. Ông Bắc ngỏ ý xin về. Ông Đại gạt đi: “Đâu có được. Anh cứ ở thêm thời gian nữa cho khỏe hẳn. Hay gia đình tôi có điều gì khiến anh phật ý?”. Ông Bắc vội nói: “Không. Không... Tôi cảm ơn anh chị cùng các cháu còn chưa hết nữa là”.
Buổi sáng ấy tiết trời khá lạnh. Nhưng trong lòng ông Bắc thật ấm áp nghĩa tình của những người lính Cụ Hồ. Nó đã nâng đỡ tâm hồn ông có lúc tưởng như tuyệt vọng. Ông Bắc nắm chặt tay người bạn: “Đời tôi chắc không trả hết được ơn sâu nghĩa nặng của vợ chồng anh cùng các đồng chí, đồng đội. Tôi xin ghi lòng tạc dạ và truyền lại cho con cháu mai sau”. Ông Đại cũng xúc động không kém: “Kìa anh Bắc, đừng nói thế. Chỉ mong anh mạnh khỏe. Chúng ta cứ sống chân thành như thời lửa khói đã từng sống”.
Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN