Vấn đề an toàn giao thông (ATGT) đối với học sinh cần đặt lên hàng đầu, song không phải nơi nào cũng quan tâm đúng mức.
Học sinh Trường THCS Chu Văn An (Chí Linh) được nhắc nhở bảo đảm an toàn giao thông ngay từ khi ra, vào trường
Đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở
Là địa bàn trọng điểm về trật tự, ATGT nhưng nhiều năm nay ở thị xã Chí Linh không có học sinh bị tai nạn giao thông (TNGT). Nguyên nhân do các trường và cơ quan chức năng của thị xã rất quan tâm hướng dẫn học sinh tham gia giao thông an toàn; giáo dục, quán triệt về phòng chống tai nạn thương tích, trong đó có TNGT.
Trường THCS Chu Văn An trước đây ở đường Thái Học 2 (phường Sao Đỏ) nay chuyển về khu dân cư Lôi Động (phường Cộng Hòa). Năm học này, trường có 723 học sinh thuộc 17 trong tổng số 20 phường, xã theo học. Để đến trường, rất nhiều học sinh phải đi qua ngã ba quốc lộ 18 và 37, đường sắt Phả Lại - Hạ Long, là những điểm đen giao thông từ nhiều năm nay. Từ các hướng khác vào trường, học sinh đều phải đi qua các điểm giao cắt phức tạp. Do vậy, Ban Giám hiệu nhà trường đã giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, giáo viên hướng dẫn, bảo đảm ATGT cho học sinh. "Trước khi bước vào năm học mới, trường đã phối hợp với cảnh sát giao thông Công an thị xã tuyên truyền học sinh đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đi đúng phần đường, làn đường... Vào giờ chào cờ đầu tuần, việc hướng dẫn học sinh bảo đảm ATGT được thực hiện thường xuyên. Đội cờ đỏ tăng cường nhắc nhở các bạn khi ra, vào cổng trường", thầy giáo Nguyễn Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An cho biết. Do phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh, lực lượng công an nên trường không còn xe tự chế đưa đón học sinh. Hiện hơn 300 em đã có 14 ô tô 35 chỗ và các xe 4, 5, 7 chỗ đưa đón. Số còn lại tự đi hoặc có cha mẹ đưa đón bằng xe riêng. Tất cả lái xe đưa đón học sinh đều ở trong nhóm Zalo để thường xuyên cập nhật thông tin về đăng kiểm, chất lượng phương tiện, thông tin lái xe, thời khóa biểu. Ngoài ra, lái xe được yêu cầu khi đưa đón học sinh phải có trang phục, giao tiếp phù hợp với các em.
Tại huyện Thanh Miện, nhiều năm nay cũng không xảy ra TNGT đối với học sinh ở tất cả các bậc học. Kết quả đó là nhờ sự quan tâm sát sao của các trường và cơ quan chức năng. "Năm học 2017 - 2018, mặc dù đơn vị không thực hiện riêng kế hoạch xử lý học sinh vi phạm giao thông nhưng việc kiểm tra học sinh được lồng ghép vào các ca tuần tra, kiểm soát hằng tuần. Lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên phối hợp với các nhà trường ở những khu vực phức tạp về giao thông để tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, giáo viên và học sinh", thiếu tá Vũ Văn Thu, Đội trưởng Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động (Công an huyện Thanh Miện) cho biết.
Ở nhiều nơi, xe tự chế thiếu an toàn vẫn được dùng để đưa đón học sinh
Chưa xử lý dứt điểm
Bên cạnh những địa phương, nhà trường thực hiện tốt thì việc bảo đảm ATGT cho học sinh ở nhiều nơi vẫn chưa được coi trọng. Qua các cuộc kiểm tra đột xuất của Văn phòng Ban ATGT tỉnh và các cơ quan chức năng, một số trường học trong tỉnh đã bị dỡ biển "Cổng trường ATGT". Nhiều trường bị nhắc nhở do vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong trước cổng trường, cha mẹ đưa đón con gây ùn tắc giao thông, có cha mẹ và học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông...
Tại nhiều cổng trường ở TPHải Dương, tình trạng mất trật tự, ATGT diễn ra từ năm này sang năm khác nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Mặc dù đã bị cấm lưu hành do thiếu an toàn, song xe tự chế 3 bánh, 4 bánh đưa đón học sinh vẫn được cha mẹ học sinh ở nhiều trường tin dùng. Ở nhiều cổng trường, cha mẹ học sinh dừng, đỗ đưa đón con gây ùn tắc giao thông cả một tuyến phố nhưng thiếu lực lượng nhắc nhở. Học sinh đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang vẫn diễn ra thường xuyên. Tình trạng trên cũng diễn ra tại một số địa phương trong tỉnh. Nếu không được chấn chỉnh kịp thời, ngoài tiềm ẩn nguy cơ TNGT, về lâu dài sẽ hình thành tâm lý không coi trọng các quy định của pháp luật về giao thông cho học sinh.
Theo Trung tá Trần Quang Tuấn, Đội trưởng Cảnh sát giao thông Công an thị xã Chí Linh, việc tuyên truyền, nhắc nhở học sinh tự bảo đảm an toàn cho mình và những người tham gia giao thông khác không chỉ mang lại tác dụng trước mắt. Về lâu dài, sẽ tạo ra một thế hệ những người trẻ chấp hành tốt các quy định của pháp luật, trong đó có pháp luật về giao thông. "Việc quan tâm, làm gương của người lớn, công tác giáo dục tại các nhà trường cần được đặc biệt coi trọng. Việc xử lý vi phạm đối với học sinh cũng cần thực hiện thường xuyên để tạo tính răn đe", Trung tá Trần Quang Tuấn khẳng định.
TIẾN HUY