5 di tích độc đáo thờ tướng lĩnh của Lê Lợi ở Hải Dương

08/06/2020 11:15

Tại Hải Dương, có không ít tướng lĩnh tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và được Lê Lợi tin dùng, sát cánh cùng ông chiến đấu đánh tan quân giặc, thống nhất đất nước.

Ghi nhớ công ơn, sau khi mất, nhiều tướng lĩnh được nhân dân xây dựng đình, miếu thờ tự. 

Đầu thế kỷ XV, nhà Minh đem quân xâm lược nước ta. Năm Mậu Tuất (1418), tự xưng là Bình Định vương, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn, truyền hịch đi khắp nơi tìm người tài giỏi đánh giặc, cứu nước. Tại Hải Dương, có không ít tướng lĩnh tham gia vào cuộc khởi nghĩa này và được Lê Lợi tin dùng, sát cánh cùng ông chiến đấu đánh tan quân giặc, thống nhất đất nước. Ghi nhớ công ơn, sau khi mất, các tướng lĩnh được nhân dân xây dựng đình, miếu thờ tự. Hải Dương có hàng chục di tích thờ hoặc phối thờ các tướng lĩnh của Lê Lợi. Dưới đây là 5 di tích tiêu biểu.

Đình Đỗ Xá

Đình Đỗ Xá, xã Ứng Hòe (Ninh Giang) thờ ba anh em ruột tướng quân Nguyễn Tôn, Nguyễn Lâu và Nguyễn Lãng. Năm 15 tuổi, các ông đã sớm phát lộ tài năng văn, võ. Năm 1418, Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn, chọn người giúp nước, biết ba ông có tài, Lê Lợi đã phong tướng và giao chỉ huy 5.000 quân. Sau một đêm, nghĩa quân tiến binh về trang Đỗ Xá, phủ Hạ Hồng, đạo Hải Dương (nay là thôn Đỗ Xá, xã Ứng Hòe, Ninh Giang) lập đồn trú để tuyển quân. Trận đánh diễn ra ác liệt, quân giặc đại bại. Khởi nghĩa thắng lợi, ba ông khao thưởng quân sĩ. Vào ngày 10.3 năm đó, ba ông qua đời. Lê Lợi sai sứ về cắt ruộng xây miếu thờ và phong là Thượng đẳng thần. Đình Đỗ Xá xây dựng vào thời Hậu Lê với quy mô khá lớn. Năm Thành Thái 10 (1898), đình được trùng tu, năm Bảo Đại 14 (1939) tiếp tục tu sửa. Toàn bộ ngôi đình chia làm ba phần chính là đình ngoài, đình giữa và hậu cung, chất liệu gỗ lim. Năm 1965, đình giữa bị hạ giải lấy vật liệu xây điếm canh đê sông Luộc, đến năm 1997 khôi phục lại. Tòa đình ngoài kết cấu chồng diêm, hai tầng tám mái, khung vì kiểu chồng rường, giá chiêng. Tất cả các mảng cốn trên vì kèo, xà nách, con rường, đầu bảy phía trước, sau đều chạm khắc tỉ mỉ đề tài long, ly, quy, phượng, tùng, trúc, cúc, mai… Tòa hậu cung xây tường hồi bít đốc, chính giữa đặt ngai và bài vị thờ ba tướng quân. Mỗi năm, đình Đỗ Xá diễn ra hai kỳ lễ hội vào ngày 11.11 âm lịch (lễ kỷ niệm ngày sinh) và 10.3 âm lịch (lễ tưởng niệm ngày mất) của ba vị Thành hoàng. Trong lễ hội, ngoài các hình thức tế, lễ còn diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian khác như hát chèo, rối nước, thi pháo đất thu hút đông đảo nhân dân trong vùng tham gia và du khách thập phương về trẩy hội.

Đền Thiên Kỳ

Đền Thiên Kỳ ở xã Hoành Sơn (Kinh Môn) tọa lạc trên sườn núi Kệ Sơn, là nơi sinh Nguyễn Đình Húc - người con quê hương lập đại bản doanh khởi nghĩa, được Lê Lợi phong làm phó tướng, chỉ huy một cánh quân. Chiến thắng quân giặc, do có công lao lớn, ông được triều đình phong thưởng, sau đó làm Trấn thủ Bắc Ninh. Đền Thiên Kỳ xây dựng sau khi Nguyễn Đình Húc mất. Kháng chiến chống Pháp, ngôi đền bị tàn phá nghiêm trọng. Năm 1991, nhân dân xây dựng lại đền, kiến trúc chữ Đinh gồm 5 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Trước đây, đền có nhiều cổ vật quý, do chiến tranh và thiên tai đã thất lạc một phần, hiện còn đôi sấu đá thời Hậu Lê, cây trúc đài và bát hương đá. Lễ hội hằng năm tổ chức từ ngày 16-18 tháng giêng. Trong lễ hội, phần lễ có dâng hương, tế Thánh, phần hội có nhiều trò chơi dân gian cờ người, bóng chuyền, giao lưu văn nghệ với các địa phương lân cận, tạo cho di tích có sức hút lớn.

Đình Phạm Xá

Đình Phạm Xá ở xã Ngọc Sơn (TP Hải Dương) thờ Đức Thánh Cả, hiệu là Chiêu Huân Ngũ Thông, có công tham gia đánh giặc Minh. Trong cuộc kháng chiến, ông là một võ tướng, trấn giữ cả vùng Đông Bắc rộng lớn, xây dựng căn cứ ở Đoàn Bái (nay thuộc xã Toàn Thắng, Gia Lộc). Trong một trận đánh diễn ra rất ác liệt trên sông Đò Leo tại vùng Liêu Xá (nay thuộc xã Chí Minh, Tứ Kỳ), Đức Thánh Cả đã anh dũng hy sinh. Nhân dân cùng nghĩa quân đã mang di hài ông mai táng trên gò đất cao nhất của làng Phạm Xá, lập đình thờ và tôn là Thành hoàng làng, qua các triều đại đều được phong sắc (năm Thành Thái nguyên niên 1889, Gia Long 9 năm 1810 và Khải Định 9 năm 1924). Đình khởi dựng vào thời Hậu Lê, trùng tu vào thời Nguyễn, chất liệu gỗ tứ thiết, xây đao tàu déo góc, kết cấu vì kèo kiểu chồng rường. Tại di tích có nhiều bức chạm khắc mang phong cách nghệ thuật thời Lê như độc long, lá hoa hong, hổ phù, ngư long hý thủy… Trong tòa hậu cung có ngai thờ Đức Thánh Cả sơn son thếp vàng. Lễ hội truyền thống của đình vào ngày 15 tháng giêng, có tục cúng tam sinh và thi lợn thờ. Tại đây còn tổ chức trò chơi đánh chạ, nghĩa là hợp tế mở hội với người dân thôn Đoàn Bái (Gia Lộc). Phong tục này xuất phát từ sự tích Đoàn Bái là nơi đóng quân của Đức Thánh Cả.

Đình An Thủy

Tượng thờ tướng Phạm Tụng và Phạm Luận tại tòa hậu cung đình An Thủy

Đình An Thủy ở xã Hiến Thành (Kinh Môn) thờ Phạm Tụng và Phạm Luận, có công giúp Lê Lợi đánh giặc Minh. An Thủy xưa là vùng đất lau sậy ngút ngàn, sông nước mênh mông. Vào đầu thời Trần (thế kỷ XIII), Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng đã về đây đặt kho lương, phục vụ kháng chiến chống Nguyên Mông. Dấu tích còn lại là miếu thờ Trần Quốc Tảng cạnh bến Nống của xã. Di tích khởi dựng từ thời Hậu Lê, đã qua nhiều lần tu sửa, lần gần đây nhất vào năm Khải Định nguyên niên (1916). Công trình hiện khá vững chãi, kiến trúc chữ Đinh, trên mái đắp lưỡng long chầu nhật, khung vì kiểu chồng rường, giá chiêng, có nhiều bức phù điêu đạt trình độ nghệ thuật. Chính giữa hậu cung đặt tượng thờ Phạm Luận và Phạm Tụng. Ngoài ra, còn có hệ thống cửa võng, long đình, bát bửu, mâm triện, đòn bát cống… đều là những cổ vật có giá trị vào thời Nguyễn. Lễ hội truyền thống được tổ chức từ ngày 10-13 tháng 3 âm lịch. Vào ngày trọng hội, nhân dân rước bát hương thờ Trần Quốc Tảng ở bến Nống về đình, kết thúc lễ hội mới rước trở lại làm lễ an vị.      

Đình Khoai

Đình Khoai ở xã Tứ Cường (Thanh Miện), thờ bốn vị Thành hoàng, trong đó có Đào Đại Hùng, một võ tướng của Lê Lợi, giữ chức “Thống lĩnh binh mã”, chỉ huy 5 đạo cánh quân. Thắng trận trở về, ông được vua khen ngợi là tiết nghĩa và phong Thượng thư Bộ lễ trong triều. Ông mất ngày 21. 3, nhà vua rất thương tiếc, sai đình thần về làm lễ và cho dân lập miếu phụng thờ. Trải qua các triều đại phong kiến, Đào Đại Hùng được ban nhiều sắc phong, hiện tại di tích còn lưu giữ ba đạo sắc vào các năm: Tự Đức 33 (1880), Duy Tân 3 (1909) và Khải Định 9 (1924). Đình Khoai khởi dựng vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX), kiến trúc chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Tòa đại bái quy mô lớn kiểu thu hồi bít đốc, chất liệu gỗ lim, tại các vì kèo có nhiều mảng chạm đạt trình độ nghệ thuật cao như trúc hóa long, cúc hóa long, lá hóa chim phượng… Trong tòa hậu cung có ngai và bài vị thờ Đào Đại Hùng cùng nhiều đồ thờ tự quý. Ngoài công trình chính, trước đây khu di tích còn có hai dãy giải vũ phía bắc và phía nam, mỗi dãy 3 gian song song với tòa hậu cung. Lễ hội truyền thống hằng năm diễn ra vào hai kỳ 20.3 âm lịch và 12.8 âm lịch kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của Đào Đại Hùng. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lễ hội đình Khoai là lễ hội lớn nhất trong vùng, diễn ra rất trọng thể và có tục rước giao hiếu, hợp tế với đình làng An Nghiệp, thu hút đông đảo người dân trong thôn, ngoài xã tham gia.

Quy mô mỗi di tích thờ các tướng lĩnh của Lê Lợi ở Hải Dương dù khác nhau nhưng đều có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật và được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia. Để bảo tồn, phát huy giá trị cần có sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nơi có di tích.

ĐẶNG THU THƠM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    5 di tích độc đáo thờ tướng lĩnh của Lê Lợi ở Hải Dương