"Vượt rào" nhưng hiệu quả

18/12/2014 15:57

Mô hình kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) của Hải Dương rất hiệu quả. Đồng loạt 12 địa phương phía Bắc đã lên tiếng đề nghị nghiên cứu, áp dụng trên toàn quốc.



Kiểm tra tải trọng xe tại Trạm KSTTX Hải Dương
Kiểm tra tải trọng xe tại Trạm KSTTX Hải Dương


Kiến nghị nhân rộng


 "Tôi đánh giá cao mô hình của Hải Dương và theo tôi cần nghiên cứu để nhân rộng. Tuy nhiên, KSTTX phải tập trung kiểm soát từ gốc để các phương tiện muốn chở quá tải cũng không chở được”.

Ông Khuất Việt Hùng
Phó Chủ tịch chuyên trách

Ủy ban ATGT Quốc gia

"Chúng tôi đã họp và chờ ý kiến chính thức từ Bộ Công an sẽ trình Chính phủ xem xét kiến nghị để lại tiền xử phạt cho trạm cân. Việc khởi tố đối với tình trạng “cò mồi” đã được một số địa phương thực hiện. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang thống nhất công nghệ, thí điểm trạm cân cố định tốc độ cao để sử dụng phạt nguội. Với nhiều giải pháp đồng bộ, mục tiêu cơ bản kiểm soát được tải trọng trong năm 2015 là khả quan”.

Ông Nguyễn Văn Huyện
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Tại Hội nghị rút kinh nghiệm về tổ chức KSTTX ngày 16-12, mô hình Trạm KSTTX của Hải Dương được đánh giá rất cao. Đến nay, Hải Dương đã phát hiện và xử lý 4.213 phương tiện vi phạm, nộp Kho bạc Nhà nước 33,27 tỷ đồng. Vào ban ngày, có đến 98% lượng xe được kiểm tra tải trọng không vi phạm. Dù ban đêm vẫn còn xe quá tải đi vào các đường nhánh để tránh trạm KSTTX nhưng các lực lượng liên ngành đã chủ động tuần lưu để phát hiện đưa về trạm kiểm tra, xử lý. Xe quá tải hoạt động trên đường bộ, đặc biệt là quốc lộ 5 đã giảm rõ rệt, ý thức chấp hành chở hàng đúng tải của lái xe và chủ doanh nghiệp được cải thiện...


Tuy nhiên, Hải Dương lại là một trong số các địa phương có mô hình thực hiện KSTTX khác với quy chế liên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - Công an. Phó Giám đốc Sở GTVT Hải Dương Lê Quý Tiệp cho biết: ‘‘Trạm KSTTX trực thuộc Sở GTVT, nhưng các lực lượng làm nhiệm vụ tại trạm lại là lực lượng liên ngành. Do đó, UBND tỉnh đã giao cho Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh chủ trì. Bên cạnh đó, lực lượng tại trạm được phân công nhiệm vụ theo nguyên tắc, cảnh sát giao thông (CSGT) chỉ thực hiện việc dừng xe, còn thanh tra giao thông (TTGT) làm tổ trưởng các kíp trực và thực hiện việc lập biên bản vi phạm”.  

Mặc dù vậy, đại diện của cả 12 địa phương phía Bắc đều đồng loạt kiến nghị cho áp dụng mô hình KSTTX của Hải Dương khi cho rằng, Hải Dương rất ‘‘sáng tạo”. Thực tế những tháng vừa qua, đây là một mô hình hiệu quả. 

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hải Phòng, qua kinh nghiệm của Hải Dương cần sửa quy chế phối hợp để Ban ATGT tỉnh làm trạm trưởng, thống nhất các lực lượng liên ngành. 


Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT Bắc Giang tỏ ra rất ấn tượng với cách làm của Hải Dương và cho rằng, việc phân công nhiệm vụ rõ ràng đã phát huy được hiệu quả trong quá trình phối hợp.


Là địa phương tương đối phức tạp về tình trạng xe quá tải, ông Khổng Bình Nguyên, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nam cho biết, dù mô hình của Hải Dương khác với quy chế phối hợp chung nhưng đây là mô hình hiệu quả nên cần xem xét áp dụng trên toàn quốc. “Khi bắt đầu triển khai, chúng tôi đã tính đến mô hình này. Tuy nhiên do “ngại” trái với quy chế liên bộ nên không dám làm”, ông Nguyên nói. 


Đánh giá về mô hình của Hải Dương, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Mục tiêu trong quy chế phối hợp để có sự phối hợp tốt, kiểm soát hiệu quả. Vì thế, trong thời gian tới chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ, đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh Quy chế phối hợp”. 

Đề xuất khởi tố “cò mồi” tiếp tay xe quá tải


Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ đầu năm đến nay số lượng xe vi phạm về tải trọng giảm theo từng tháng. Nếu tháng 1-2014, số xe vi phạm trên tổng số phương tiện bị dừng kiểm tra là 50%, đến tháng 4-2014 chỉ còn 22% và hiện nay còn 12%. 


Kiến nghị giải pháp để nâng cao hơn nữa công tác KSTTX, ông Lê Quý Tiệp, Phó Giám đốc Sở GTVT Hải Dương đề nghị cho phép khởi tố hình sự đối với những đối tượng “cò mồi” lừa đảo chiếm đoạt tài sản của lái xe và xử phạt nặng đối với lái xe, chủ doanh nghiệp câu kết với đối tượng “cò mồi” trốn tránh việc kiểm tra tải trọng. Đối với phương tiện cố tình chây ỳ, chống đối, không xuất trình giấy tờ, khóa cửa xe bỏ đi, đề nghị cho phép lập biên bản phá cửa xe để đưa về bãi tạm giữ theo quy định...


Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt đề nghị: “Cần trang bị hệ thống cân điện tử để CSGT chủ động phát hiện từ xa. Xe nào không quá tải mới được tiếp tục lưu thông, như vậy mới giảm tải cho lực lượng trên đường. Bên cạnh đó phải tính đến khâu hậu kiểm. Hải Phòng, Hải Dương đã làm, nhưng Hưng Yên có thể hậu kiểm để phát hiện việc bỏ qua hành vi vi phạm và kiểm tra cả trách nhiệm của đơn vị thực thi”. 

Tiến Mạnh (GTVT)


(0) Bình luận
"Vượt rào" nhưng hiệu quả