Đời sống người dân bị ảnh hưởng tiêu cực vì giá hàng hóa tăng cao

11/07/2022 08:46

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương báo cáo tổng hợp tình hình tâm tư, nguyện vọng và ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân trong tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII.

Kinh tế Hải Dương phục hồi rõ nét

Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đọc báo cáo tình hình tâm tư, nguyện vọng, ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và của tỉnh, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, hăng hái tham gia lao động sản xuất, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Người dân bày tỏ sự vui mừng phấn khởi khi nhiều lĩnh vực đã được chuyển đổi số và bước đầu có hiệu quả. 

Tuy nhiên, dịch Covid-19, tình hình chiến sự Nga - Ukraina và giá cả một số hàng hóa chiến lược, nhất là xăng dầu, vật tư xây dựng tăng cao khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng tiêu cực, nhất là những người có thu nhập thấp. Người dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển quỹ nhà ở xã hội cho người lao động; có giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng chỉ tiêu tuyển sinh THPT ít hơn số thí sinh dự thi...

Theo Ủy ban MTTQ tỉnh, qua nhiều vụ việc lớn được xử lý trong thời gian qua, các tầng lớp nhân dân tin tưởng và đánh giá cao kết quả công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Cử tri và nhân dân mong muốn công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được làm mạnh mẽ hơn nữa ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, làm cho Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cử tri đề nghị tỉnh kiến nghị Chính phủ tăng cường kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu xăng dầu, vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi; nghiên cứu chính sách kích cầu phục hồi sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh; hỗ trợ quảng bá, bảo vệ thương hiệu...

Về chế độ, chính sách xã hội, cử tri đề nghị tỉnh xem xét nâng mức hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên cho các tổ chức chính trị - xã hội; quan tâm nâng cao chế đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở, cán bộ thôn, khu dân cư; giải quyết kịp thời chế độ đối với cán bộ dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã...

Về tài nguyên môi trường, cử tri các huyện, thị xã, thành phố đề nghị tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh chính sách hỗ trợ, bồi thường đất nông nghiệp khi thu hồi để triển khai thực hiện dự án; tăng cường công tác quản lý nhà nước, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về đất đai; hỗ trợ các xã, phường, thị trấn thực hiện chương trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử...

Về y tế, văn hóa, giáo dục, cử tri đề nghị tỉnh sớm ban hành quy định quản lý, sử dụng trụ sở, trang thiết bị, cơ sở vật chất ở các xã sau khi chia tách, sáp nhập và sắp xếp theo Nghị quyết số 653/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hỗ trợ các địa phương đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới nhà văn hóa thôn, khu dân cư.

Liên quan đến lĩnh vực giao thông và xây dựng, nhiều cử tri đề nghị tỉnh có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương rà soát, có phương án di dời các cột điện sau khi mở rộng đường giao thông nông thôn; đề nghị kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công trình tiêu thoát nước khu vực nông thôn, đô thị nhằm hạn chế tình trạng ngập, úng...

PHONG TUYẾT

(0) Bình luận
Đời sống người dân bị ảnh hưởng tiêu cực vì giá hàng hóa tăng cao
ss