Từ ngày 3.3, Kim Thành, Cẩm Giàng, TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn cơ bản thực hiện theo Chỉ thị 15, các địa phương còn lại theo Chỉ thị 19

01/03/2021 10:53

Từ ngày 3.3, Hải Dương sẽ chuyển sang một trạng thái mới, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.


 Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị lần thứ 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Từ 0 giờ ngày 3.3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất kết thúc 15 ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, gỡ bỏ phong tỏa đối với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng, đồng thời chuyển toàn tỉnh sang một trạng thái mới, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo đó, từ ngày 3.3 áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới như sau: Đối với 4 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Kim Thành, Cẩm Giàng, TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn cơ bản thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương còn lại gồm: Bình Giang, Gia Lộc, Nam Sách, Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện, Tứ Kỳ và TP Chí Linh cơ bản thực hiện theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.

Đó là kết luận của đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại hội nghị lần thứ 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được tổ chức trực tuyến sáng 1.3 đến tất cả các điểm cầu cấp huyện để xem xét nội dung Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo tổng hợp tình hình dịch bệnh Covid-19 kể từ ngày 27.1 đến nay và đề xuất giải pháp chống dịch cùng với việc thực hiện phát triển kinh tế  - xã hội sau ngày 2.3.

Ngay trưa 1.3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ban hành Chỉ thị về lãnh đạo tiếp tục phòng chống dịch bệnh Covid-19  và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái mới.             

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất giao cấp huyện chủ động quyết định các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với mức độ phù hợp đối với từng khu vực, địa điểm cụ thể trên địa bàn.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chuyển trạng thái mới với mục tiêu "kép" vừa chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh.


 Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng khẳng định qua 33 ngày đêm quyết liệt, khẩn trương, toàn tỉnh đã cơ bản kiểm soát tốt dịch Covid-19, chủ động ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Theo đó, tỉnh đã giành thế chủ động, không lo lắng vì đã có đủ kinh nghiệm, công cụ, lực lượng để phòng chống dịch, có "vũ khí lợi hại" là gần 11.000 tổ “Covid cộng đồng” đi từng ngõ, gõ từng nhà, hoạt động hiệu quả để phát hiện người ho, sốt. Hải Dương chủ động trong nâng công suất xét nghiệm lên 40.000 mẫu gộp/ngày; chủ động khoanh vùng, truy vết thần tốc, phản ứng nhanh khi cách ly. Hệ thống phòng chống dịch đã phản ứng nhanh với các tình huống phát sinh. Chủ động làm chủ công tác điều trị, không có bệnh nhân tử vong dù có nhiều bệnh nhân nặng và đưa ra các giải pháp chưa nơi nào làm được nhằm kiểm soát dịch bệnh trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khi quay trở lại hoạt động…

Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh dịch bệnh rất phức tạp, nguy hiểm, có thể bùng phát bất cứ lúc nào, tại bất cứ địa phương nào nếu có tình trạng lơ là, chủ quan, thiếu quyết liệt. Nhắc lại các giải pháp quý báu từ thực tiễn chống dịch của tỉnh, đồng chí yêu cầu toàn tỉnh cần tiếp tục kiên trì thực hiện các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Trung ương, bổ sung với thực tiễn của tỉnh. Phải giám sát ngay tất cả các trường hợp ho, sốt trong cộng đồng. Khoanh vùng rộng, truy vết thần tốc bằng công nghệ. Lấy mẫu xét nghiệm đúng đối tượng, trả kết quả nhanh bất kể ngày đêm. Tổ chức cách lý chặt chẽ, gọn, nghiêm, phong tỏa trong phong tỏa để không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Làm chủ công tác điều trị, không để xảy ra tử vong.

Kinh nghiệm rút ra và cần biến thành phương pháp trong thời gian tới là phải dựa vào nhân dân, huy động mọi người dân tham gia, mỗi người dân là một chiến sĩ, biến phòng chống dịch giống như cuộc chiến tranh nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân chủ động, biết sợ nhưng không hoảng sợ trước dịch bệnh. Mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải là một pháo đài phòng dịch. Phủ sóng tổ “Covid cộng đồng” khắp toàn tỉnh. Phát huy hiệu quả các tổ “Covid cộng đồng”, tổ “An toàn Covid”.


Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu của huyện Nam Sách

UBND tỉnh đã có các quyết định bảo đảm an toàn chống dịch bệnh ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Căn cứ các quyết định trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chấp hành nghiêm, xây dựng kế hoạch triển khai phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu nơi nào thực hiện không tốt thì phê bình, kiểm điểm ngay người đứng đầu. Cốt yếu và quan trọng nhất là phát huy vai trò người đứng đầu ở tất cả các cấp, các địa phương, cơ quan. Cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu phải quyết liệt hơn nữa, nghiêm khắc hơn nữa trong phòng chống dịch. Triệt để thực hiện "5 rõ" trong phòng chống dịch.

Toàn tỉnh tập trung triển khai tốt nhóm giải pháp theo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhưng phải tăng tốc chạy đua để bù thời gian đã chậm lại do dịch bệnh. Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đánh giá, rà soát, hỗ trợ thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án, chủ trương đầu tư, các công trình, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Toàn bộ các sở, ngành, các địa phương bố trí làm việc kể cả thứ 7, chủ nhật, kể cả đêm để bù đắp thời gian đã bị chậm do dịch.

Về các nhiệm vụ quan trọng trước mắt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tập trung tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, nghị quyết chuyên đề, công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Tại cuộc họp này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng đã cảm ơn chân thành, sâu sắc tới các đồng chí trong tổ công tác của Bộ Y tế, các y bác sĩ của các bệnh viện Trung ương, các lực lượng tuyến đầu chống dịch… đã bất chấp vất vả, hiểm nguy, khó khăn để cùng Hải Dương trải qua 33 ngày đêm chống dịch, góp phần cùng tỉnh cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh.

11 đề xuất của PGS.TS Trần Như Dương với Hải Dương


 PGS.TS Trần Như Dương phát biểu tại hội nghị 

Tại hội nghị lần thứ 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Đoàn công tác Bộ Y tế tại Hải Dương đã phát biểu đề xuất 11 giải pháp phòng chống dịch với Hải Dương trong thời gian tới. Đó là:

1. Tiếp tục cập nhật, bổ sung hoàn thiện kế hoạch tổng thể về phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh, trong đó phải chi tiết các kịch bản, các tình huống và đi đôi với đó là việc bảo đảm nguồn lực, cơ sở vật chất, phân công phân nhiệm cụ thể để xử lý từng kịch bản, từng tình huống dựa trên việc tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm từ đợt chống dịch lần này.

2. Thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch theo quy định trên địa bàn toàn tỉnh, thực hiện đúng, đầy đủ 5 chiến lược mà Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã đề ra. Khi xuất hiện ca bệnh mới thì lập tức quây thật chặt, xử lý ổ dịch triệt để không để dịch có cơ hội bùng phát với phương châm “dập tắt dịch ngay từ khi còn là đốm lửa nhỏ, kiên quyết không để lan thành đám cháy”. Trước mắt cần tập trung nguồn lực cao nhất, quyết liệt khoanh vùng để dập tắt ổ dịch tại huyện Kim Thành trong thời gian sớm nhất.

3. Duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục, thực chất có hiệu quả của các tổ “Covid cộng đồng” tại tất cả các khu dân cư. Phải coi đây là một trong những biện pháp chiến lược, căn cơ, lâu dài cho công tác phòng chống dịch của tỉnh Hải Dương.

4. Chú trọng công tác giám sát, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại các cơ quan, công sở, trường học, công ty, khu công nghiệp. Các tổ “An toàn Covid” được thành lập tại các cơ quan, công sở, trường học, công ty, khu công nghiệp cũng phải hoạt động thường xuyên, liên tục, thực chất, hiệu quả.

5. Phải hết sức chú trọng công tác giám sát, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các bệnh viện. Kiên quyết không để lọt bệnh nhân Covid-19 xâm nhập vào các bệnh viện mà không biết. Bảo vệ các nhóm bệnh nhân yếu thế, bệnh nhân nguy cơ cao. Thực hiện việc phân luồng, khám sàng lọc, xét nghiệm một cách nghiêm ngặt.

6. Tiếp tục tăng cường mạnh mẽ hoạt động của hệ thống giám sát bệnh thường quy, cụ thể là:  Giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ cũng như các ổ dịch mới vừa kết thúc. Tỉnh cần chú trọng đầu tư nguồn lực, nhân lực cho hệ thống giám sát ở tất cả các tuyến để có năng lực phát hiện ngay được ca bệnh nghi ngờ để từ đó đáp ứng kịp thời không để dịch có cơ hội bùng phát. Hệ thống giám sát phải phát hiện sớm được ca bệnh nghi ngờ ở bất cứ nơi nào nó xuất hiện thông qua giám sát sốt, ho, đau họng, cảm cúm, viêm đường hô hấp tại cộng đồng, hiệu thuốc cũng như tại các cơ sở khám chữa bệnh. Phải đảm bảo kinh phí thường xuyên, lâu dài cho việc giám sát, lấy mẫu và xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tất cả các trường hợp: sốt-ho-đau họng-hội chứng cảm cúm, viêm đường hô hấp trên địa bàn toàn tỉnh cả ở trong cộng đồng và ở cơ sở điều trị vì đây chính là chỉ số giám sát, theo dõi dịch rất quan trọng bắt buộc phải thực hiện.

7. Nên định kỳ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm chọn mẫu một số nhóm người có nguy cơ cao, cộng đồng có nguy cơ cao, một số công ty, nhà máy để đánh giá nguy cơ và theo dõi tình hình dịch trên địa bàn tỉnh.

8. Bám sát kế hoạch và chỉ đạo của Trung ương để có kế hoạch chuẩn bị cũng như tổ chức triển khai thật tốt việc tiêm vaccine Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian sắp tới.

9. Tuyên truyền thường xuyên liên tục cho nhân dân về các biện pháp phòng chống dịch để nhân dân ủng hộ và thấy được trách nhiệm của mình trong việc phòng bệnh để bảo vệ cho chính gia đình mình và toàn thể cộng đồng. Phải coi công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho nhân dân như là những liều vaccine, như là những liều thuốc thật sự.

10. Duy trì thường xuyên việc kiểm tra, giám sát từ tuyến trên xuống tuyến dưới, xuống tận cộng đồng dân cư để đánh giá việc thực hiện công tác phòng chống dịch tại cơ sở. Trong quá trình kiểm tra nếu nơi nào, người nào làm tốt nên biểu dương, nếu nơi nào, người nào làm không tốt nên có kiểm điểm, truy trách nhiệm cụ thể.

11. Rà soát, củng cố, hoàn thiện các khu cách ly tập trung trên địa bàn toàn tỉnh để đảm bảo đáp ứng trong mọi tình huống tránh quá tải cũng như bảo đảm an toàn khi tổ chức cách ly tập trung sau này.




PV 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ ngày 3.3, Kim Thành, Cẩm Giàng, TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn cơ bản thực hiện theo Chỉ thị 15, các địa phương còn lại theo Chỉ thị 19