Dai dẳng vi phạm hành lang đê ở xã Hà Thanh

17/11/2017 04:20

Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) phát sinh nhiều vi phạm xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ đê tả sông Luộc.


Gia đình ông Phạm Như Hiệu đã xây nhà trong hành lang bảo vệ đê tả sông Luộc

Mặc dù được chính quyền và cơ quan chuyên môn phát hiện sớm nhưng đến nay vi phạm vẫn tồn tại, gây khó khăn cho việc quản lý, bảo đảm an toàn tuyến đê.

Được chính quyền giao đất cách chân đê phía đồng theo quy định là 25 m song gia đình bà Nguyễn Thị Phiên ở thôn Hà Cách đã tự ý xây dựng nhà lán trong hành lang đê với diện tích 55 m2, tường gạch cao 1,8m, điểm gần nhất cách chân đê 12,5 m. Việc làm này không chỉ đe dọa an toàn công trình đê điều trong khu vực mà còn cản trở các hoạt động phòng chống thiên tai.

Tuy biết việc lấn chiếm hành lang đê điều là vi phạm pháp luật nhưng gia đình ông Phạm Như Hiệu ở thôn Hàm Cách vẫn cố tình xây nhà với diện tích 84 m2, điểm xây gần nhất cách chân đê10,2 m. Ông Hiệu thanh minh: “Tôi thấy các hộ xung quanh làm thế nào thì tôi làm theo thế ấy. Với lại bão lũ hiện nay không đáng lo như trước nên gia đình tôi tận dụng phần đất trong hành lang dựng lán tạm để kinh doanh. Đất cạnh đường lớn mà không sử dụng sẽ rất lãng phí. Hơn nữa, trước kia khu đất này là thùng trũng, xây dựng công trình sẽ làm cho nền đất kiên cố, vững chắc hơn. Nếu xảy ra sự cố, chúng tôi sẵn sàng tháo dỡ công trình, hoàn trả lại mặt bằng”.

Hành lang đê điều là khoảng cách bảo đảm an toàn cho tuyến đê, giúp cho việc quản lý, bảo vệ các công trình đê điều được nhanh chóng, kịp thời. Xã Hà Thanh đang là điểm nóng về vi phạm xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ đê của huyện Tứ Kỳ. Vi phạm cũ chưa xử lý triệt để, vi phạm mới đã phát sinh.

 Dọc tuyến đê tả sông Luộc dài khoảng 2 km qua địa bàn xã Hà Thanh, người dân lấn chiếm phần đất thuộc hành lang bảo vệ đê xây dựng nhà ở, đường đi. Điều này khiến phạm vi bảo vệ đê bị thu hẹp, gây khó khăn cho việc quản lý và xử lý khi công trình đê điều gặp sự cố.

Ngay khi phát hiện vi phạm, Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập biên bản, ra quyết định đình chỉ và kiến nghị địa phương có biện pháp xử lý. Yêu cầu các chủ hộ vi phạm giải tỏa, tháo dỡ công trình trước ngày 10.5.2017. Đồng thời, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra mất an toàn đê điều. Mặc dù vậy, một số hộ không hợp tác với chính quyền, lén lút xây dựng, hoàn thiện công trình. Điều này cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân ở đây rất kém. Không thể nói khi có sự cố thì giải tỏa. Nói như vậy là đùa giỡn với thiên tai, với sự an toàn của cả cộng đồng.

Theo ông Phạm Xuân Ngải, Chủ tịch UBND xã, khi giao đất cho các hộ, xã đã thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm khoảng cách lưu không là 25 m. Tuy nhiên, do đặc thù của xã là đường 391 bám sát chân đê tả sông Luộc nên nhiều hộ cơi nới nhà tạm, lán tạm, phục vụ mục đích kinh doanh, buôn bán. Mặt khác, vì không bố trí được đường đi, các hộ xây móng bê tông trong hành lang đê để ra đường 391. Mặc dù đáp ứng nhu cầu dân sinh nhưng điều này đã vi phạm Luật Đê điều và Luật Phòng chống thiên tai.

Các vi phạm phát sinh từ đầu năm đến nay chủ yếu là đường đi, cổng nhà, mái vẩy... lấn vào hành lang đê từ 7-10 m, trong đó có 4 vi phạm nghiêm trọng đã xây dựng nhà ở. Việc phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng phải song hành với nhiệm vụ phòng chống thiên tai, góp phần bảo đảm bền vững kinh tế - xã hội. Vì vậy, nếu các hộ cố tình vi phạm, chính quyền các cấp cần phối hợp tiến hành cưỡng chế theo quy định.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dai dẳng vi phạm hành lang đê ở xã Hà Thanh