Việc xử lý nợ bảo hiểm xã hội đối với các đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... hiện nay vẫn còn khó khăn, vướng mắc.
(Ảnh minh hoạ)
Trong 2 tháng đầu năm, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Toàn ngành đã giải quyết hưởng mới bảo hiểm xã hội cho trên 1,56 triệu người, số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là hơn 24,7 triệu lượt.
Đây là thông tin được được đưa ra tại hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 24/3 tại Hà Nội.
Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết tháng 2, số người hưởng bảo hiểm xã hội hằng tháng là 11.510 người; hưởng bảo hiểm xã hội một lần là 110.525 người; hưởng chế độ ốm đau hơn 1,15 triệu người; hưởng chế độ thai sản là 237.050 người. Số người giải quyết hưởng mới bảo hiểm thất nghiệp là 82.137 người.
Để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục tích cực tham mưu với các bộ, ngành hướng dẫn và tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia bảo hiểm y tế. Theo đó, việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người tham gia vẫn được đảm bảo và không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ước đến ngày 28/2, số lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên cả nước là trên 24,7 triệu.
Về công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động giao chỉ tiêu phấn đấu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 cho bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố; chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành báo cáo, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương về chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2021 trên cơ sở các chỉ tiêu phấn đấu của ngành.
Ước đến hết tháng 2, số người tham gia bảo hiểm xã hội là 16,23 triệu người, đạt 32,58% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó có 14,98 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và 1,05 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Số người tham gia bảo hiểm y tế là 86,5 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,65% dân số.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng tích cực rà soát, đối chiếu dữ liệu được chia sẻ từ Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Tổng cục Thuế để khai thác, phát triển người tham gia; tiếp tục phân loại đối tượng tiềm năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình để phối hợp với các tổ chức đoàn thể, xã hội, đại lý thu tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia mới.
Trong hai tháng tháng đầu năm, tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn khá phổ biến. Theo cơ quan bảo hiểm xã hội, tổng số tiền nợ các loại baỏ hiểm trong cả nước hiện nay là khoảng hơn 46.290 tỷ đồng. Việc xử lý đối với đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn còn khó khăn, vướng mắc.
Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết tỷ lệ nợ đọng bảo hiểm lớn, tăng lên so với thời điểm cuối tháng 12.2020, do đúng vào dịp Tết nguyên đán và đợt dịch COVID-19 lần thứ ba tái bùng phát. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành lắng nghe, tháo gỡ, vận động doanh nghiệp đang sử dụng và trả lương cho người lao động thực hiện theo quy định của pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng.
Đối với doanh nghiệp dừng hoạt động, Bảo hiểm xã hội kiến nghị với cơ quan liên quan kiểm tra, nếu chây ỳ sẽ tiến hành xử phạt hành chính, gửi hồ sơ sang các cơ quan công an, kiểm sát khởi tố. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã gửi hồ sơ của 300 doanh nghiệp cố tình chây ỳ đến cơ quan công an. Nhiều doanh nghiệp trong số này đã tự giác chấp hành đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, cơ quan công an sẽ củng cố hồ sơ, gửi sang Viện Kiểm sát để khởi tố theo quy định của pháp luật.
Theo TTXVN