Triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm thu hồi thuế nợ đọng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế để góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2018.
Công ty CP Công nghiệp tầu thủy Hải Dương còn nợ ngân sách 3,4 tỷ đồng
Nhiều giải pháp thu hồi
Hết năm 2017, tổng số thuế nợ trong toàn tỉnh chuyển sang năm 2018 là 815,6 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng thu là 338,5tỷ đồng, bằng 3,1%. Thu nợ cũ năm 2016 chuyển sang trong cả năm 2017 cũng đạt gần 99% kế hoạch. Tính chung cả năm 2017, số thu nợ phát sinh toàn ngành đạt 2.724 tỷ đồng, trong đó riêng số thu tiền chậm nộp trên 144 tỷ đồng. Kết quả thu hồi thuế nợ đọng góp phần rất lớn vào việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn năm2017.
Theo ông Lê Thanh Thủy, Trưởng Phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế tỉnh), để đạt được kết quả này, ngay từ đầu năm 2017, Cục Thuế tỉnh đã giao chỉ tiêu thu nợ cho các phòng chức năng của văn phòng cục và Chi cục Thuế các huyện, thành phố, thị xã. Thực hiện đánh giá, giao nhiệm vụ đôn đốc thu nợ gắn với việc xếp loại thi đua đến các đơn vị liên quan. Cục Thuế tỉnh cũng thường xuyên báo cáo, tham mưu với Ban Chỉ đạo Chống thất thu và thu hồi nợ đọng của tỉnh về tình hình nợ đọng tiền thuế, số đối tượng nợ để ra thông báo đôn đốc nợ gửi đến các đối tượng có số thuế nợ lớn, kéo dài... Chủ động, tích cực xử lý các sai sót về tiền thuế nợ, tiền chậm nộp theo phản ánh của người nộp thuế. Đặc biệt, Cục Thuế tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp còn nợ thuế trong trường hợp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được ngân sách nhà nước thanh toán. Đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế như cưỡng chế tài khoản tại ngân hàng, cưỡng chế hóa đơn. Với những đối tượng nợ chây ỳ kéo dài, cơ quan thuế đã áp dụng đến biện pháp cuối là đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh, giấy phép hoạt động.
Quyết liệt hơn
Theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh, năm 2018 các doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp chưa được khách hàng, đối tác thanh toán các khoản nợ nên việc nộp ngân sách chưa thể thực hiện được. Một số doanh nghiệp chuyển đổi hình thức nộp tiền thuê đất hằng năm sang nộp một lần, trúng đấu giá tiền sử dụng đất với số tiền phát sinh rất lớn nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ tài chính kịp thời cũng làm cho việc quản lý nợ đọng thuế gặp khó khăn. Trong 338,5 tỷ đồng tiền thuế nợ có khả năng thu của năm 2017 chuyển sang có trên 113 tỷ đồng là tiền chậm nộp. Đây là khoản tiền rất khó đôn đốc thu nộp. Ngoài ra, còn có trên 400 tỷ đồng tiền thuế nợ khó thu, trong đó trên 160 tỷ đồng là tiền phạt và tiền chậm nộp. Số tiền thuế này lại tiếp tục sinh ra tiền chậm nộp.
Trong danh sách của Cục Thuế tỉnh, nhiều doanh nghiệp nợ thuế kéo dài với số nợ lớn như Công ty CP Dịch vụ công nghiệp MIS (3,7 tỷ đồng), Công ty CP Du lịch và thương mại Hải Dương (1,7 tỷ đồng), Chi nhánh Công ty CP Nguyên liệu Viglacera - Xí nghiệp Khai thác sét Trúc Thôn (15,1 tỷ đồng), Công ty CP Công nghiệp tầu thủy Hải Dương (3,4tỷ đồng), Công ty TNHH Huy Phong (5,1 tỷ đồng), Công ty CP Vụ Hát Tường (12,2tỷ đồng), Công ty TNHH Thành Long (11,3tỷ đồng)… cũng gây nhiều khó khăn cho việc thu hồi thuế nợ đọng.
Theo lãnh đạo Phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp nợ thuế kéo dài là do còn vướng mắc về hồ sơ xác nhận của các chủ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, các công ty con nhận chia thầu lại công trình thuộc vốn ngân sách không được gia hạn, chưa được thanh toán theo khối lượng công việc hoàn thành bàn giao. Ngoài ra, việc thực hiện xóa nợ thuế cũng chưa được xử lý kịp thời, thủ tục còn bất cập. Trong danh sách nợ thuế của Cục Thuế tỉnh, nhiều khoản nợ từ cách đây 10 năm, người nộp thuế đã bỏ trốn khỏi địa bàn, chủ doanh nghiệp đã chết, mất tích nhưng do đi thuê địa điểm kinh doanh nên không xác nhận được hồ sơ của người nộp thuế. Vì vậy, một số doanh nghiệp lỗ có nợ đọng thuế trước thời điểm thực hiện cổ phần hóa, nhưng chưa được xóa nợ như: Nhà máy Gạch ốp lát Viglacera Hà Nội - Hải Dương, Công ty CP Khách sạn du lịch Hải Dương... Công tác cưỡng chế nợ thuế không đơn giản do việc thu thập thông tin về tài khoản, tài sản còn gặp nhiều khó khăn, chưa kịp thời. Thủ tục để thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế theo trình tự như biện pháp cưỡng chế tài sản, thu qua bên thứ ba... theo quy định của Luật Quản lý thuế cần phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành, qua nhiều bước rất phức tạp, khó thực hiện.
Xác định được những khó khăn, phức tạp trong công tác cưỡng chế, thu hồi thuế nợ đọng, căn cứ vào số liệu tiền thuế nợ tại thời điểm ngày31.12.2017 chuyển sang năm 2018, Cục Thuế tỉnh tăng cường rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản nợ khó thu, rà soát hồ sơ, nguồn gốc nợ, bản chất các khoản nợ để phân loại tính chất, áp dụng các biện pháp đôn đốc phù hợp. Quản lý chặt chẽ khoản nợ được gia hạn, không tính tiền chậm nộp. Chấp thuận gia hạn, không tính tiền chậm nộp đối với khoản tiền thuế nợ do ngân sách chậm thanh toán nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Rà soát, quản lý các khoản nợ được cơ quan thuế chấp thuận gia hạn, không tính tiền chậm nộp đã được chủ đầu tư là đơn vị sử dụng vốn ngân sách thanh toán nhưng doanh nghiệp chưa kịp thời nộp vào ngân sách nhà nước. Việc quản lý chặt khoản nợ này góp phần tăng thu cho ngân sách, trong đó có cả khoản tiền phạt chậm nộp trên số tiền thuế này.
VỊ THỦY