Tình trạng nợ đọng tiền xây dựng cơ bản của một số đơn vị cấp xã sau sáp nhập hiện khá lớn và chưa có phương án xử lý như xã Vĩnh Hưng nợ 25 tỷ đồng, thị trấn Kẻ Sặt (cùng ở huyện Bình Giang) nợ 14 tỷ đồng...
>>> [Truyền hình trực tuyến ] Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII thảo luận và chất vấn tại hội trường
>>> Dự kiến giám sát chuyên đề về nợ công của các cấp chính quyền
>>> Gần 80% số cơ sở sản xuất làng nghề không đủ vốn đầu tư đổi mới kỹ thuật, mở rộng sản xuất
>>>Số lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng
>>>Xây dựng nội lực cho Hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu phát triển mạnh mẽ
Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát tình hình hoạt động sau sáp nhập ở xã Đại Sơn, huyện Tứ Kỳ (ảnh: Ninh Tuân)
Thông tin nêu trên từ Báo cáo tình hình hoạt động của các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12.3.2019 và Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 29.8.2019 của HĐND tỉnh được Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hải Dương trình tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát, khảo sát 5 UBND cấp huyện, 12 UBND cấp xã, Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các đơn vị sự nghiệp, công trình văn hoá - xã hội do xã quản lý.
Qua giám sát, Ban Pháp chế đánh giá với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm thực hiện, tỉnh Hải Dương đã hoàn thành tốt việc sắp xếp, sáp nhập đối với 55 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập mới 25 đơn vị, sau sáp nhập giảm 30 đơn vị. Tổng số đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh hiện nay là 235 đơn vị (giảm 12,7%) với 178 xã, 47 phường và 10 thị trấn.
Hiện nay, toàn tỉnh đã tinh giản được 60 đầu mối cơ quan khối hành chính (gồm HĐND và UBND) và 180 đầu mối cơ quan khối Đảng, MTTQ và đoàn thể cơ sở. Chính quyền cấp xã cơ bản hoạt động ổn định, hiệu quả; việc bàn giao, tiếp nhận tài sản, phương tiện, trang thiết bị làm việc, hồ sơ, tài liệu liên quan được thực hiện đúng quy định.
Sau sáp nhập, các địa phương đã sắp xếp, giải quyết chế độ cho 315/437 cán bộ, công chức và 410/410 người hoạt động không chuyên trách dôi dư.
Theo báo cáo của các đơn vị, sau sáp nhập còn 31 trụ sở UBND cấp xã dôi dư tại các địa phương. Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh sắp xếp, điều chuyển, xử lý các trụ sở này theo hướng giữ lại 8 trụ sở để bố trí nơi làm việc cho các đoàn thể, xây dựng cảnh quan; thu hồi 2 trụ sở để quy hoạch mở rộng chùa; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 9 trụ sở; điều chuyển cho các đơn vị khác sử dụng 12 trụ sở.
Việc sáp nhập đã giảm chi hàng năm cho ngân sách nhà nước, tạo nguồn kinh phí bổ sung cho cải cách chế độ tiền lương và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn các xã sáp nhập cơ bản ổn định.
Tuy nhiên, hiện nay còn dôi dư 122 cán bộ, công chức cấp xã chưa được giải quyết sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 3/25 xã có số lượng dôi dư nhiều. Một bộ phận cán bộ, công chức, trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội sau khi sắp xếp lại vị trí, nhiệm vụ còn có tâm lý, tư tưởng chưa ổn định; một số vị trí công tác có lúc, có đơn vị chưa bố trí đủ. Nhiều trụ sở làm việc bỏ trống nhưng địa phương chưa đề xuất, xây dựng được phương án sắp xếp phù hợp. Cơ sở vật chất, công trình hạ tầng của một số trụ sở đang sử dụng chật hẹp, không đạt tiêu chuẩn. Hạ tầng giao thông ở một số đơn vị cấp xã sáp nhập đã xuống cấp, gây khó khăn cho việc di chuyển của người dân, nhất là các tuyến đường giao thông các xã trước sáp nhập đến nay chưa được đầu tư, nâng cấp.
Để giải quyết tình trạng nêu trên, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề xuất 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đối với từng sở, ngành, địa phương liên quan.
PHONG TUYẾT