Học sinh lớp 1 học theo sách tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục nhanh biết đọc, biết viết hơn so với cách học cũ.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tô Hiệu hào hứng khi được học cách đánh vần chữ bằng tay
Gần đây, dư luận có những phản ứng trái chiều xung quanh việc giảng dạy sách tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Nhưng trên thực tế, việc giảng dạy và học tập theo tài liệu này đã mang lại những hiệu quả khá rõ nét ở Hải Dương.
Học sinh, giáo viên đều thuận lợi
Năm học 2012-2013, Hải Dương bắt đầu thí điểm dạy tài liệu TV1-CNGD tại hơn 30 trường trong TP Hải Dương, các huyện Thanh Hà, Thanh Miện và Cẩm Giàng. Tại Trường Tiểu học Tô Hiệu (TP Hải Dương), học sinh thường tỏ ra khá hào hứng khi học cách đánh vần theo hướng dẫn của tài liệu. Chị Vũ Thị Luyện ở phường Quang Trung có con đang học lớp 2 ở trường cho biết: “Năm lớp 1 tôi thấy cháu tiếp thu bài học tốt, không có vấn đề gì. Không hiểu sao năm nay thông tin về tài liệu này lại ồn ào, gây hoang mang cho nhiều phụ huynh đến vậy”.
TV1-CNGD có nhiều ưu điểm so với sách tiếng Việt hiện hành. Chỉ sau khoảng 3 tháng, học sinh biết đọc và hết học kỳ 1 học sinh biết đọc, viết thành thạo trong khi học sách tiếng Việt hiện hành thì phải tới tận giữa kỳ 2 học sinh mới bắt đầu tập đọc. Với tài liệu TV1-CNGD này, học sinh sẽ nghe giáo viên đọc chính tả và viết luôn chứ không như sách tiếng Việt hiện hành là phải nhìn rồi mới chép. Với TV1-CNGD, giáo viên hướng dẫn học sinh cách phân tích ngữ âm bằng tay nên tạo sự hứng khởi, không cảm thấy tiết học nặng nề. Ngoài ra, thông qua các tiết lập mẫu và dùng mẫu, học sinh tự mình tạo ra vần mới, tiếng mới nên nhớ rất lâu. Nét đặc biệt của tài liệu TV1-CNGD là học sinh được tiếp cận các quy tắc chính tả nhẹ nhàng, hạn chế viết sai chính tả.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy dạy lớp 1 Trường Tiểu học Tô Hiệu cho biết: “Dạy tài liệu TV1-CNGD, giáo viên nhàn hơn trước nhiều vì không phải soạn giáo án, có nhiều thời gian nghiên cứu bài học, nâng cao trình độ chuyên môn. Khi lên lớp, giáo viên cần tuân thủ đúng quy trình là có thể dạy tốt. Sau hơn 6 năm dạy tài liệu này, tôi thấy học sinh hiểu được bản chất của việc ghép vần và có thể ghép vần nhanh, phát âm chuẩn hơn hẳn cách học cũ, bảo đảm được mục tiêu đọc thông, viết thạo ở lớp 1”.
Thanh Hà là một trong những địa phương đầu tiên trong tỉnh đưa tài liệu TV1-CNGD vào dạy đại trà. Bắt đầu từ năm học 2013-2014, huyện tự nguyện triển khai dạy tài liệu này ở tất cả các trường tiểu học. Sau nhiều năm dạy học sinh tài liệu TV1-CNGD, Trường Tiểu học Tiền Tiến chưa thấy phụ huynh nào có ý kiến thắc mắc. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ khi học tài liệu TV1-CNGD, học sinh phát âm sai ít hơn. Những vần khó các em cũng đọc và viết được”.
Sử dụng tài liệu tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục, giáo viên tuân thủ đúng quy trình là có thể dạy tốt
Cần hiểu đúng
Trước những thông tin hiểu sai về TV1-CNGD lan truyền trên mạng xã hội thời gian gần đây, bà Hoàng Thị Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) giải thích: “Trong hơn một tuần đầu của lớp 1, học sinh được học cách tách lời nói thành các tiếng rời. Giáo viên dạy trẻ dùng các hình vuông, tròn, tam giác, chữ nhật để giúp học sinh nắm khái niệm cơ bản nhất về âm tiết. Điều quan trọng cần hiểu là những hình vẽ này chỉ đóng vai trò thay thế cho âm tiết, hoàn toàn không mang ý nghĩa của từ và cũng không thể thay thế từ trong giao tiếp. Học sinh chưa phải học cách đánh vần hay học chữ. Trong quá trình dạy, giáo viên cũng có thể thay thế các hình đó bằng những vật thực dễ hiểu hơn để giảng dạy cho học sinh”.
Bộ tài liệu công nghệ giáo dục có từ lớp 1 đến lớp 5, nhưng cuốn TV1-CNGD được đánh giá là phù hợp nhất với tâm lý, lứa tuổi học sinh. Ngoài tiếng Việt, các môn học khác cũng có tài liệu CNGD song khó giảng dạy và học tập. Vì thế, Hải Dương chỉ lựa chọn sử dụng TV1-CNGD một cách đại trà. Trước khi triển khai, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn về dạy tài liệu cho các bộ phận liên quan.
Bên cạnh những ưu điểm, việc sử dụng tài liệu TV1-CNGD còn một số hạn chế như đến lớp 2 học sinh phải học theo sách giáo khoa hiện hành trong khi cách đọc bảng chữ cái theo TV1-CNGD khác lớp 2. TV1-CNGD còn một số từ mang tính chất vùng miền, địa phương nên học sinh khó hiểu. Tuy nhiên, những hạn chế này giáo viên đều có thể khắc phục trong quá trình giảng dạy.
MINH NGUYÊN