Cán bộ khuyến nông cơ sở: Thu nhập chưa xứng

29/01/2018 08:39

Được ví như người bạn, người thầy của bà con nông dân, những cán bộ khuyến nông cơ sở không quản khó khăn, vất vả, ngày ngày miệt mài góp sức cho mùa vàng bội thu.


Hơn 8 năm trong nghề nhưng anh Nguyễn Văn Quyết (bên trái), cán bộ khuyến nông xã Lê Lợi (Chí Linh) chỉ nhận được khoản tiền phụ cấp ít ỏi 540.000 đồng/tháng

Bám dân, bám đất

Cách đây 5 năm, gia đình anh Nguyễn Văn Định ở thôn An Mô, xã Lê Lợi (Chí Linh) bỏ vốn trồng cây ăn quả trên 5 mẫu đất. Những ngày đầu, do chưa có kinh nghiệm nên công việc gặp nhiều khó khăn. May sao ngay thời điểm ấy anh nhận được sự giúp đỡ tận tình của anh Nguyễn Văn Quyết, cán bộ khuyến nông xã.

Anh Quyết thường xuyên đến tận nhà hướng dẫn gia đình anh Định kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam, táo đại, ổi và nhãn. Sau 3năm, vườn cây ăn quả của gia đình anh Định đã đơm hoa, kết trái. Đến nay, mỗi năm gia đình anh thu lãi hơn 300 triệu đồng. Anh Định chia sẻ: “Bất kể lúc nào chúng tôi cần là cán bộ khuyến nông xã có mặt để chỉ dẫn từng ly, từng tý. Từ cách trồng cây thế nào cho đúng, đến sử dụng phân bón sao cho đủ liều, đủ lượng hay cách dưỡng đất sao cho tốt để cây phát triển đều và cho quả ổn định”.

Hơn 8 năm gắn bó với nghề, công việc thường ngày của anh Quyết luôn gắn liền với nông dân và đồng đất. Mặc dù địa phương có hơn 1.000 hộ nông dân nhưng anh nhớ rõ tên từng người chăn nuôi con gì hay trồng trọt loại cây nào. Trên chiếc xe máy cà tàng, anh rong ruổi đến từng nhà, vào từng vườn cây, chuồng trại để tư vấn và trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân. Nhiều người dân ở xã Lê Lợi thuộc số điện thoại của anh mà không cần lưu trong danh bạ.

Năm 2014, trên địa bàn xã xảy ra đợt dịch bệnh lớn khiến hầu hết các hộ chăn nuôi gia cầm chịu thiệt hại nặng nề. Anh Quyết đã tới từng hộ hướng dẫn bà con những biện pháp khắc phục, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Sau hơn 1 tháng, dịch bệnh được dập tắt hoàn toàn. Lúc này, nhiều hộ không muốn tái đàn, anh lại kiên trì vận động, thuyết phục bà con tiếp tục chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Anh Quyết chia sẻ: “Nhiệm vụ của chúng tôi là phải gần dân, bám sát tình hình sản xuất của nông dân để kịp thời tư vấn, hướng dẫn họ những kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, phòng trừ dịch bệnh”.

Ông Mai Xuân Cương, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Chí Linh cho biết ngoài 3 cán bộ khuyến nông của thị xã, trên địa bàn hiện có 19 trong tổng số 20 xã, phường có cán bộ khuyến nông (trừ xã Kênh Giang vì số dân ít, diện tích canh tác nhỏ…). Cán bộ khuyến nông đều có trình độ từ trung cấp nông nghiệp trở lên. Họ có đủ điều kiện để "cầm tay chỉ việc" giúp các hộ nông dân phát triển kinh tế.

540.000 đồng/tháng

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, toàn tỉnh hiện có 187 cán bộ khuyến nông cơ sở (KNCS). Hằng năm, hệ thống cán bộ KNCS đã tổ chức được hơn 1.000 lớp tập huấn, xây dựng hàng trăm mô hình nâng cao trình độ và hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân. Cán bộ KNCS tham gia tích cực vào các chương trình phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, tăng cường hoạt động dịch vụ như cung cấp thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, phân bón…

Mỗi cán bộ khuyến nông thường phụ trách một hoặc nhiều xã. Địa bàn rộng, số hộ đông, sản xuất đa dạng nên họ phải thường xuyên di chuyển để nắm rõ tình hình của từng nhà. Qua đó có những hỗ trợ kịp thời và phù hợp. Cán bộ KNCS phải thường xuyên cập nhật những kiến thức mới trong sản xuất để phổ biến cho người dân. Không chỉ học qua tài liệu, họ còn phải tự trau dồi kinh nghiệm thực tiễn ngay từ những người nông dân.

Ngoài ra, cán bộ KNCS thường phải làm rất nhiều công việc khác nhau. Nhiều khi họ vừa phải triển khai kế hoạch phòng chống rét lại quay sang phối hợp với cán bộ thú y tuyên truyền bà con nông dân tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Vừa phổ biến kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, họ vừa tổ chức tập huấn xây dựng các mô hình mới… Công việc vất vả là vậy nhưng cán bộ KNCS chỉ nhận được phụ cấp 540.000 đồng/người/tháng. Số tiền ít ỏi này không đủ chi xăng xe hằng tháng nói gì đến việc chăm lo cho cuộc sống thường ngày.

Ông Lê Sỹ Cương, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Nếu không có tình yêu nghề thì cán bộ KNCS khó có thể gắn bó lâu dài được. Đây cũng là một trong những lý do khiến ngày càng khó thu hút người giỏi, có chuyên môn đến với nghề, nhất là cán bộ trẻ". Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khuyến nông nói riêng cũng như chất lượng và hiệu quả sản xuất của nông dân. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành liên quan cần quan tâm và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ KNCS để họ yên tâm gắn bó và cống hiến với nghề.

ĐỨC TÂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cán bộ khuyến nông cơ sở: Thu nhập chưa xứng