Bị cấm làm thơ, Anh Thơ vẫn đoạt giải thơ

04/11/2018 08:56

Là con gái một tú tài nho học, có năng khiếu làm thơ, nhưng từ nhỏ Vương Kiều Ân lại bị cha ra mặt cấm, không muốn con đi theo con đường thi ca.

Nữ sĩ Anh Thơ và tập thơ "Bức tranh quê"

Nhưng rồi, thơ cứ vận vào người, thấm vào máu thịt, sau này thành danh phận, thành nhà thơ nữ nổi tiếng của nước nhà.

Vương Kiều Ân (bút danh Anh Thơ) sinh năm 1919 tại thị trấn Ninh Giang trong một gia đình có cha làm công chức, nay đây mai đó. Thuở nhỏ Kiều Ân phải thay đổi chỗ ở và học tập tại các trường ở Hải Dương, Thái Bình, Bắc Giang mà không xong bậc tiểu học. Vì có năng khiếu, lại thích làm thơ, Kiều Ân có thơ in trên các báo của Hà Nội và của nhóm Tự lực Văn đoàn (TLVĐ), một tổ chức văn chương nổi tiếng những năm 30-42 ở nước ta thế kỷ trước. Ban đầu, Kiều Ân lấy bút hiệu là Hồng Anh, về sau đổi thành Anh Thơ.

Mẹ mất sớm, cha cấm làm thơ, Anh Thơ phải lén lút sáng tác vào những khi cha nghỉ trưa. Cô còn dặn nàng hầu của cha và các em canh chừng, nếu thấy cha xuống gác thì ra hiệu báo động… Cứ như thế, Anh Thơ lặng lẽ chia ra mỗi buổi trưa sáng tác một bài. Sau một tháng được hẳn một tập thơ và lặng lẽ gửi dự thi. Đó là tập "Bức tranh quê", gồm những bài thơ tả bốn mùa, có cảnh nắng mưa, lụt lội, hạn hán. Có cả những phiên chợ, đám cưới, đám tang, ngày hội, ngày lễ, Tết. Những bài thơ hồn nhiên, mộc mạc, với tình cảm trong sáng.

“Bức tranh quê" gồm 30 bài, mỗi bài 12 câu thơ, không ngờ lọt vào mắt xanh của Ban giám khảo của TLVĐ. Cùng với tập thơ "Nghẹn ngào" (Tế Hanh), "Bức tranh quê" đã giành giải khuyến khích (không có giải nhất và giải nhì). Để tỏ rõ sự ưu ái tới phái nữ, Ban giám khảo cuộc thi chỉ mời Anh Thơ về tòa báo nhận giải thưởng.

Trong hồi ký “Từ bến sông Thương" của Anh Thơ thì cuộc trao giải vào buổi tối, tại tòa báo số 80 phố Quán Thánh (Hà Nội). Một phòng rộng trên gác có những chiếc bàn kê thành hình chữ TL để dùng tiệc trà. Tiệc trà cũng được chuẩn bị chu đáo, cầu kỳ bởi những tấm bánh kem dành riêng cho khách được giải thưởng, có đề tên bằng đường màu nổi bật trên bánh. Một người đeo kính đen (nhà thơ Thế Lữ) đưa Anh Thơ lên gác rồi dẫn đến ngồi trước lò sưởi, trên bàn có đĩa bánh nổi hàng chữ kem xanh “Nữ sĩ Anh Thơ”.  Sau khi tuyên bố giải thưởng, một người gầy gầy (nhà thơ Tú Mỡ) trao cho Anh Thơ cái phong bì. Hôm ấy thi sĩ Anh Thơ mặc áo lụa tím, cổ đeo kiềng vàng, duyên dáng. Mạnh Phú Tư phát biểu trước. Đến lượt Anh Thơ, trống ngực thi sĩ đập thình thịch, nói ấp úng được mấy câu rồi tự nhiên muốn khóc...

Về chuyện này trong hồi ký, nhà thơ Tú Mỡ cũng kể: "Sau khi tiệc tan, khách ra về hết, chỉ còn người trong nhà, anh Tam (nhà văn Nhất Linh) nói một câu rất tình tứ: Chúng ta chiếu cố chị em phụ nữ mà tặng giải khuyến khích cho cô Anh Thơ, nay mới biết thật là đích đáng. Về thơ cô đẹp và đôi mắt cô cũng đẹp".

Ngoài những người được trao giải bằng tiền, Ban giám khảo còn có giấy khen gửi từng tác giả. Trong giấy lời khen tặng cho tập thơ "Phấn thông rừng" (Mộng Tuyết) của Ban giám khảo văn chương TLVĐ đề ngày 21 tháng giêng năm 1940. Vậy có thể Anh Thơ đã được mời về Hà Nội nhận giải vào thời gian đó. Nhưng mãi tới ngày 25.5.1941, nghĩa là hơn một năm sau, báo Ngày Nay mới có những bài nhận xét của Ban giám khảo về hai tập thơ được giải của TLVĐ. Điều bất ngờ là người nhận xét lại là nhà văn Nhất Linh.

Nhất Linh viết: “Tác giả tả cảnh thôn quê từ đầu năm cho đến Tết mùa nọ sang mùa kia. Tác giả nhất định dùng một thể thơ giống nhau… hình như để tỏ rõ sự tài tình của mình". Nhất Linh khen ngợi Anh Thơ có tài nhận xét cảnh vật trong phiên chợ mùa hè: "Chó lè lưỡi ngồi thừ nhìn cũi đóng/Lợn trói nằm hồng hộc thở căng dây". Và cảnh mùa thu: "Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác/Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ". Anh Thơ tả cảnh mưa rất đúng, đúng đến nỗi làm người ta phải ngạc nhiên: "Tre lả lướt nghiêng đầu cho nước gội/ Cau thẳng mình dang lá đón mưa rơi/ Đồng chìm xuống bông lúa vàng rũ rượi/Ao dềnh lên bè rau muống xanh tươi…". Nhưng vốn là người tâm huyết trong sự nghiệp đổi mới cách tân văn chương, đề cao tinh thần dân tộc, có hoài bão về một nền văn hóa dân tộc, trên cơ sở kết hợp truyền thống và hiện đại, dùng một lối văn giản dị… Nhất Linh nói lên những hạn chế của thi sĩ bằng những hình ảnh gợi mở: “Nhưng cô Anh Thơ thiếu một cái rất cần với thi sĩ. Thơ cô tả cái gì thì chỉ có cái ấy thôi, không gợi được cho người đọc cái mông lung. Một câu thơ không phải chỉ là cái định tả trong thơ, nhưng ở trong thơ còn có cả một thế giới khác không có liên can gì đến câu thơ. Đọc thơ mỗi người lại cảm thấy khác nhau… Cái tiếng vang ở cảnh núi, nó làm ta nghĩ đến cái rộng rãi của không gian, thơ cô Anh Thơ thiếu hẳn tiếng vang đó. Tiếng vang thơ đó một phần tại thơ cô rõ ràng, minh bạch quá. Chữ dùng quá ư mộc mạc… Chung quanh thơ cô không có chút mây mù bao phủ, để giấu giếm một chút huyền bí, người đọc chỉ đoán thấy chứ không nhìn rõ…”.

KHÚC HÀ LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bị cấm làm thơ, Anh Thơ vẫn đoạt giải thơ