Thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ

27/10/2020 19:10

Báo điện tử Hải Dương đăng toàn văn tham luận của đồng chí Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.


Đồng chí Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương tham luận tại Đại hội

Được Đoàn Chủ tịch Đại hội cho phép phát biểu tham luận, trước tiên tôi nhất trí cao với dự thảo các Văn kiện trình tại Đại hội. Sau đây tôi xin bổ sung, làm rõ thêm giải pháp nêu trong báo cáo Chính trị trình Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh với nội dung “Các giải pháp phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, góp phần đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025”.

Thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, trong đó phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ là yếu tố trọng tâm trong chiến lược phát triển của tỉnh. Ngày 8/3/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 754/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hải Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Qua thời gian thực hiện, tuy bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng lĩnh vực này đã đạt được một số bước tiến cả về chất và lượng, góp phần tích cực đối với kết quả chung phát triển công nghiệp tỉnh nhà trong nhiệm kỳ vừa qua, cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,8%/năm, vượt kế hoạch 2015- 2020 giá trị tăng thêm công nghiệp tăng bình quân 10,6%- 10,9%/năm (giai đoạn 2011- 2015 tăng 13,8%/năm); tỷ trọng công nghiệp- xây dựng, dịch vụ chiếm 90,5% GRDP (đầu nhiệm kỳ chiếm 78%); quy mô ngành công nghiệp tăng gấp 2,1 lần so với năm 2015; cơ cấu tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo tăng từ 92,9% năm 2015 lên 94,5% năm 2020.

Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đã hình thành khá rõ nét trong 3 lĩnh vực: cơ khí chế tạo, điện-điện tử, dệt may-da giày. Các sản phẩm tương đối đa dạng phong phú, đa số đạt tăng trưởng khá cao trong giai đoạn. Một số nhóm hàng chủ lực có giá trị tăng trưởng cao như: giầy dép tăng 20,2%/năm, may mặc tăng 17,2%/năm, mạch điện tử tăng 16,6%/năm, thép tăng 14,7%/năm… Toàn tỉnh hiện có 130 dự án lớn sản xuất công nghiệp hỗ trợ trên các lĩnh vực.

Qua đó cho thấy, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ cơ bản đã phát huy được những thế mạnh và lợi thế của tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển toàn diện, đưa công nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường, từng bước khẳng định Hải Dương là vị trí trung tâm công nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao của cả nước.

Tuy đã có những đóng góp đáng khích lệ trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh cũng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, cụ thể sau đây:

Thứ nhất, tuy đã hình thành và phát triển ở tỉnh nhưng nhìn chung sản phẩm cho các ngành công nghiệp chủ lực còn khá khiêm tốn, đa phần mới dừng lại ở một vài sản phẩm linh kiện (như lĩnh vực cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ ô tô, công nghiệp hỗ trợ điện tử- tin học), mặc dù những lĩnh vực này có rất nhiều tiềm năng cho phát triển đa dạng các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của Hải Dương còn rất hạn chế về năng lực, đặc biệt là trình độ công nghệ thiết bị sản xuất…

Thứ hai, hàm lượng công nghệ chế tạo còn thấp, chủ yếu là gia công và lắp ráp cụm linh kiện, sản xuất sản phẩm đơn giản là chính. Bên cạnh đó, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên, vật liệu (công nghệ vật liệu) như sắt, thép, kim loại màu, da, bông chưa phát triển, chủ yếu phải nhập khẩu, do đó sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ có giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động. Công nghệ sản xuất các sản phẩm còn ở trình độ thấp, chưa thu hút được công nghệ cao, công nghệ nguồn trong sản xuất các linh kiện, phụ tùng đòi hỏi kỹ thuật cao như vi mạch, linh kiện bán dẫn, chíp, chế tạo chi tiết phức tạp như động cơ xe máy, ô tô. 

Thứ ba, trình độ nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ nhìn chung còn thấp, nhiều lĩnh vực mang tính công nghệ cao, hiện đại như công nghiệp điện, điện tử, cơ khí nhưng trình độ nguồn nhân lực còn thấp, làm ảnh hưởng đến năng suất, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường.

Thứ tư, các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng lớn cả về số lượng và quy mô sản xuất. Các doanh nghiệp trong nước chỉ có khả năng sản xuất một số sản phẩm đơn giản. Việc liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài mới hình thành ở mức sơ khai, phạm vi hẹp. Các doanh nghiệp trong nước rất khó khăn trong việc tiếp cận và tham gia vào trong hệ thống sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của các tập đoàn lớn, do thiếu thông tin cũng như năng lực sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu của các nhà lắp ráp.

Nhiệm vụ đặt ra cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 để phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ phát triển ổn định, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế để đến năm 2025 tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại là rất nặng nề. 

Bên cạnh những thuận lợi, cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Kết quả thực hiện giai đoạn 2015 - 2020 là tiền đề rất quan trọng để tạo xu thế phát triển mới, tạo đà tăng trưởng cao hơn trong các năm tiếp theo. Kế thừa những kết quả đã đạt được trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và đẩy mạnh phát triển kinh tế số, ngành Công Thương xác định một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp, với những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các bộ, ngành, Trung ương và Chính phủ về chủ trương, nguồn lực cũng như thủ tục hành chính để nhanh chóng mời gọi được các nhà đầu tư có năng lực, tài chính mạnh, nhiều kinh nghiệm để đầu tư vào tỉnh. Đẩy nhanh việc tái cơ cấu ngành, công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi kinh tế số và ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất.

Thứ hai, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các nhà đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Tiếp tục thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo nhu cầu và xu hướng của thị trường, đáp ứng tốt chuỗi liên kết trong sản xuất, lắp ráp và tăng giá trị nội địa. Đặc biệt, quan tâm thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, là trụ cột thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển bứt phá; Đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt, có công nghệ cao, sản phẩm có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, có cam kết chuyển giao công nghệ, quản trị doanh nghiệp và có khả năng đóng góp lớn vào ngân sách.

Thứ ba, xây dựng và công bố danh mục các ngành công nghiệp được khuyến khích đầu tư, các ngành công nghiệp bị kiểm soát và hạn chế đầu tư, danh mục các sản phẩm, chi tiết được thụ hưởng các hỗ trợ về tài chính. Kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, chủng loại công nghệ được phép nhập khẩu. Khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công nghiệp xanh, công nghiệp vật liệu mới và công nghiệp môi trường. Chú trọng phát triển đổi mới sáng tạo, công nghệ thiết kế mẫu,…

Thứ tư, để tăng trưởng công nghiệp bền vững, các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất theo tỷ lệ nội địa hóa, giúp giảm nhập khẩu, làm gia tăng giá trị sản phẩm, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể là các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, sử dụng ít tài nguyên, có tác động lan tỏa, liên kết với các doanh nghiệp trong nước theo chuỗi giá trị. Tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn như: cơ khí chế tạo (với các sản phẩm ô tô, máy móc, thiết bị phục vụ kinh tế biển), điện tử-tin học (với các sản phẩm thiết bị điện tử, điện lạnh, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao) và các ngành công nghiệp hỗ trợ; xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tham gia đào tạo nâng cao kỹ năng, trình độ cho người lao động; đào tạo phải đạt được mục tiêu, gắn với yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp về cả số lượng và chất lượng.

Thứ năm, đẩy mạnh dịch vụ tư vấn đầu tư công nghiệp; tăng cường tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại kết nối doanh nghiệp cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh, trong nước; xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống công nghiệp Hải Dương (bao gồm cả hệ thống cơ sở dữ liệu về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ) phục vụ cho việc hoạch định, điều chỉnh chính sách và cung cấp thông tin cho các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

PHẠM THANH HẢI
Giám đốc Sở Công thương

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ