Mùa xuân đặc biệt ở Côn Sơn - Kiếp Bạc

09/02/2020 06:30

Lễ hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc không diễn ra như mọi năm, lượng khách ít đi nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV. Đây là nét đặc biệt ở nơi vốn tấp nập trong mùa xuân.

Khu di tích Côn Sơn vắng vẻ từ khi Việt Nam công bố dịch bệnh do nCoV

Vắng khách

Chiều 5.2 (12 tháng giêng) về khu di tích Kiếp Bạc du xuân, tôi cùng đồng nghiệp ghé quầy thu phí tham quan hỏi mua vé. Một nhân viên Ban Quản lý trực tại đây nhận ra tôi nhanh nhảu cất lời: "Các phóng viên hôm nay về viết bài, đưa tin đấy à. Nhưng các bác vẫn phải đeo khẩu trang khi vào trong đền đấy nhé, đề phòng lây nhiễm dịch bệnh".

Nhân viên này phát cho chúng tôi mỗi người một chiếc khẩu trang y tế dùng một lần. Anh chia sẻ tất cả người dân, du khách khi vào di tích đều được phát khẩu trang miễn phí. Các nhân viên tuyên truyền để mọi người khi vào di tích phải đeo khẩu trang bảo vệ mình và cộng đồng.

Hàng chục đoàn viên của Chi đoàn Thanh niên Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cũng trực tại khu vực kiểm soát vé để phát khẩu trang miễn phí cho người dân, du khách. Họ hướng dẫn mọi người đeo khẩu trang đúng cách và khuyến cáo không nên tụ tập đông người khi vào tham quan, chiêm bái trong khu di tích.

Khu vực sân đền Kiếp Bạc, Ban Quản lý bố trí nơi rửa tay sát trùng với thùng đựng nước sạch, xà phòng khử khuẩn. Cứ có khách tới, nhân viên trực tại đây lại đề nghị họ rửa tay trước khi vào đền thắp hương. 

Khắp nơi trong khuôn viên di tích Kiếp Bạc được quét dọn sạch sẽ. Bảng, biển tuyên truyền phòng chống dịch nCoV được treo ở một số vị trí thường xuyên có người qua lại như bãi xe, bàn ghi công đức... Hệ thống loa truyền thanh của di tích phát liên tục thông điệp, khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. Các nhân viên được tăng cường để quét dọn, vệ sinh khuôn viên liên tục trong ngày. Thùng rác xuất hiện ở nhiều nơi để du khách bỏ rác. 

Được tuyên truyền liên tục nên ý thức của du khách về du xuân tại đây nâng lên rõ rệt. Ai cũng ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh do nCoV nên tự giác thực hiện nghiêm túc các quy định và khuyến cáo của Ban Quản lý di tích. Về khu di tích Kiếp Bạc làm lễ dâng hương, chị Vũ Thị Phương ở phường An Lạc (TP Chí Linh) cẩn thận đeo khẩu trang, tiến lại khu vực rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn rồi mới vào làm lễ dâng hương. "Chưa bao giờ đi lễ mà phải cẩn thận như năm nay. Nhưng dịch bệnh nguy hiểm như vậy nên mình cứ phải thực hiện đúng khuyến cáo, vừa bảo vệ mình vừa bảo vệ mọi người", chị Phương nói.

Anh Trịnh Đức Lương (quê Tứ Kỳ) vừa đi xuất khẩu lao động từ Nhật Bản về cũng đến khu di tích Kiếp Bạc du xuân dịp này. Anh bảo rằng rất vui mừng khi công tác phòng chống dịch bệnh do nCoV ở đây được chú trọng như vậy. Anh Lương chia sẻ: "Giữa bão dịch nCoV, lúc đầu nghĩ về nơi đông người thế này cũng lo ngại lắm. Nhưng tới đây rồi mới thấy mọi người từ nhân viên Ban Quản lý tới du khách đều có ý thức đeo khẩu trang phòng bệnh nên tôi cũng yên tâm".

Tiến sĩ Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thông tin không chỉ ở khu di tích Kiếp Bạc mà khu di tích Côn Sơn, công tác phòng chống dịch bệnh nCoV cũng được thực hiện rất nghiêm ngặt. Đơn vị yêu cầu trước hết mỗi cán bộ, nhân viên phải thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của Bộ Y tế, tích cực tuyên truyền để nhân dân, du khách về du xuân cùng thực hiện.

Tất cả các bộ phận khi có mặt tại di tích thực hiện nhiệm vụ phải đeo khẩu trang. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, đơn vị đã liên hệ với các đơn vị y tế mua 1-2 vạn khẩu trang phát miễn phí cho người dân, du khách nhằm hạn chế tối đa khả năng lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, Ban Quản lý đã phối hợp với UBND phường Cộng Hòa, xã Hưng Đạo thường xuyên cử người trực, giám sát, yêu cầu nhân viên trông giữ các bãi xe, những người kinh doanh phải đeo khẩu trang, thực hiện vệ sinh 2 lần/ngày. Rác thải tại di tích được thu gom, vận chuyển mỗi ngày 1 lần...

Khách du xuân đều đeo khẩu trang

Để chủ động phòng chống dịch bệnh do nCoV, ngay sau khi có chỉ thị, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã yêu cầu tạm dừng tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2020. Chiều 5.2, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển đã đến kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Đồng chí yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên, người dân, du khách về di tích đều phải đeo khẩu trang phòng dịch. Ngày 8 và 9.2 (tức 15 và 16 tháng giêng), lượng khách có khả năng sẽ về di tích đông hơn nên đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo Sở Y tế chậm nhất trong chiều 7.2 phải cấp ngay thuốc để phun diệt khuẩn tại khu di tích.

Kể từ khi nước ta công bố dịch nCoV (ngày 1.2) đến nay, lượng khách về di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc chỉ khoảng 2.000 người/ngày, giảm 10-15 lần so với trước ngày 31.1, thời điểm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công điện đề nghị các địa phương tạm dừng tổ chức các lễ hội chưa khai mạc. "Lễ hội đã tạm dừng, lượng khách về sụt giảm. Cũng khá buồn nhưng vấn đề quan trọng nhất bây giờ là phải làm sao thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh để mọi người khi về đây được an toàn. Sức khỏe, tính mạng mọi người là trên hết anh ạ", tiến sĩ Mạnh nói.

Nghi lễ gọn gàng

Tiến sĩ Mạnh cho biết trước Tết Canh Tý 2020, 90% phần việc chuẩn bị tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc đã làm xong. Song do yêu cầu cấp thiết trong phòng chống dịch bệnh do nCoV nên lễ hội phải dừng lại. Ngoài các nghi lễ truyền thống, rất nhiều hoạt động có trong lễ hội như hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày, liên hoan pháo đất, vật dân tộc, cờ tướng... cũng không diễn ra. Ban tổ chức lễ hội chỉ giao Ban Quản lýdi tích Côn Sơn - Kiếp Bạc phối hợp với Giáo hội Phật giáo tỉnh thực hiện một số nghi lễ truyền thống theo quy mô nhỏ gọn, không tập trung đông người.

Ngày 10 tháng giêng vừa qua, Lễ cáo yết diễn ra tại đền Kiếp Bạc nhưng chỉ có một số người đại diện Ban Quản lý di tích, Đảng ủy, UBND xã Hưng Đạo tham gia. Nghi lễ diễn ra nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm các yếu tố truyền thống.

Hằng năm, thường vào ngày 16 tháng giêng sẽ diễn ra Lễ khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ngày 23 tháng giêng sẽ tổ chức Lễ giỗ Đệ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả. Các nghi lễ được tổ chức bài bản với sự tham dự của đông đảo cán bộ, nhân dân, du khách thập phương. Nhưng năm nay, các nghi lễ này cũng chỉ tổ chức theo quy mô rất nhỏ gọn, do Ban Quản lý di tích phối hợp với Giáo hội Phật giáo tỉnh chủ trì thực hiện, không mời khách, không liên hoan văn nghệ mà chỉ có phần niêm hương và dâng hương tại nội tự Côn Sơn trong một khoảng thời gian ngắn.

Theo Tiến sĩ Lê Duy Mạnh, các nghi lễ chính tại lễ hội xuân lần này được làm đơn giản, gọn nhẹ như trong truyền thống. Xưa, khi lễ hội chưa được nâng cấp, vào ngày khai hội và ngày giỗ Đệ Tam tổ Trúc Lâm, các bô lão, người dân địa phương lại tổ chức rước vật phẩm như bánh chưng, bánh dày... lên dâng cúng ở chùa.

Các nhà sư, đại diện nhân dân lên làm lễ dâng hương trong không khí trang nghiêm, không ồn ào, náo nhiệt. Một số hoạt động như liên hoan văn nghệ, giao lưu tổ tôm, cờ người... diễn ra nhỏ gọn nhưng đông vui. "Nói chung các nghi lễ năm nay dù tổ chức quy mô nhỏ nhưng vẫn bảo đảm nghi thức tâm linh truyền thống. Ở một góc độ nào đó, việc tổ chức quy mô nhỏ hẹp cũng tiết kiệm được chi phí, không gian di tích được trả lại nét thanh tịnh, không ồn ào, náo nhiệt", tiến sĩ Mạnh nhận xét.

Một số du khách khi được hỏi cũng ủng hộ việc tạm dừng tổ chức các lễ hội. Họ đều cho rằng di tích là chốn tôn nghiêm, thanh tịnh, đi lễ để cầu bình an, mong một năm mới nhiều may mắn chứ không nhất thiết phải có nhiều hoạt động. Hơn nữa trong bối cảnh dịch nCoV diễn biến phức tạp thì việc tạm dừng tất cả các hoạt động lễ hội là rất cấp thiết.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa xuân đặc biệt ở Côn Sơn - Kiếp Bạc