Báo điện tử Hải Dương trân trọng đăng toàn văn báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học về đồng chí Lê Thanh Nghị của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
>>>Hội thảo khoa học "Đồng chí Lê Thanh Nghị với cách mạng Việt Nam và quê hương Hải Dương"
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đọc báo cáo đề dẫn tại hội thảo
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Thanh Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, tài năng của Đảng và dân tộc, hôm nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hải Dương phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Thanh Nghị với cách mạng Việt Nam và quê hương Hải Dương” để ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi và tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Thanh Nghị đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Thay mặt Ban Tổ chức hội thảo, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đại diện lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy Hải Dương, các quý vị đại biểu, các nhà khoa học và thân nhân gia đình đồng chí Lê Thanh Nghị tham dự hội thảo. Xin gửi đến các đồng chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Đồng chí Lê Thanh Nghị tên khai sinh là Nguyễn Khắc Xứng, sinh ngày 6.3.1911, trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở làng Thượng Cốc, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1929, khi mới 18 tuổi. Tháng 2.1930, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí từng đảm đương nhiều cương vị quan trọng của Đảng và Nhà nước: Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ; Bí thư, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính Khu III; Bí thư Liên khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính và Chính ủy Bộ Tư lệnh Liên Khu III, kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Bộ trưởng Công nghiệp; Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách ngành công nghiệp, Trưởng Ban Thi đua Trung ương; Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước. Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa II đến khóa V, Ủy viên Bộ Chính trị từ năm 1956 đến năm 1982, đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VI. Trên các cương vị công tác, đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc tận tụy, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí là một chiến sĩ cộng sản tiêu biểu, nhà lãnh đạo tài năng, tấm gương đạo đức mẫu mực, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Với nhiều công lao và thành tích to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Thanh Nghị rất phong phú, thể hiện trên nhiều lĩnh vực và đồng chí đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, dựng xây xã hội mới. Trong hội thảo khoa học hôm nay, đề nghị quý vị đại biểu, các nhà khoa học tập trung thảo luận và làm rõ một số vấn đề chủ yếu sau:
1. Đồng chí Lê Thanh Nghị - nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu của Đảng có nhiều đóng góp to lớn đối với phong trào cách mạng Bắc Kỳ
Được giác ngộ cách mạng khi mới 18 tuổi, đồng chí Lê Thanh Nghị đã đến với con đường cách mạng vô sản và nhanh chóng trở thành một cán bộ ưu tú trong phong trào công nhân vùng mỏ Đông Bắc, góp phần tích cực trong cuộc vận động thành lập Đảng. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí là đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng.
Sau thời gian bị bắt giam, bị đày ra Côn Đảo, rồi thoát khỏi nơi “địa ngục trần gian” (1930 - 1936), dù bị đưa về quản thúc tại quê nhà Hải Dương, đồng chí không quản hiểm nguy lên Hà Nội bí mật tìm bắt liên lạc với tổ chức đảng. Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban sáng kiến - cơ quan đóng vai trò như Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ, đồng chí đã tích cực hoạt động, tham gia khôi phục hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Hà Nội. Cuối năm 1938, được Xứ ủy Bắc Kỳ cử tham gia Liên Tỉnh ủy B (gồm Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An và vùng mỏ Quảng Ninh), trực tiếp phụ trách tổ chức đảng ở Hải Dương và vùng mỏ, đồng chí đã chỉ đạo tích cực xây dựng tổ chức đảng, phát triển đội ngũ cán bộ làm nòng cốt cho phong trào cách mạng của toàn khu vực này.
Đồng chí Lê Thanh Nghị tiếp tục hoạt động cách mạng sau khi ra tù lần thứ hai (tháng 12.1939 – đầu năm 1945) và được chỉ định vào Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, được giao trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng An toàn khu II (gồm Bắc Giang, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ và một phần Thái Nguyên). Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, chỉ trong thời gian ngắn, phong trào cách mạng ở các địa phương trong An toàn khu, nhất là Bắc Giang phát triển mạnh mẽ; chính quyền cách mạng được thành lập ở nhiều xã. Tại Hội nghị quân sự Bắc Kỳ (tháng 4.1945), đồng chí được cử làm Ủy viên Thường trực Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ, trực tiếp phụ trách chiến khu Trần Hưng Đạo (còn gọi là chiến khu Đông Triều gồm một số tỉnh miền duyên hải và Đông Bắc) - một trong 7 chiến khu cách mạng trên cả nước khi đó, đồng thời trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Bắc Giang. Trên cương vị người phụ trách vùng duyên hải Bắc Bộ; Bí thư Khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính khu 3; Phó Bí thư, rồi Bí thư Liên khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến – hành chính Liên khu 3 và Chính ủy Quân khu 3, kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Lê Thanh Nghị cùng các đồng chí trong cấp ủy và chính quyền địa phương lãnh đạo nhân dân xây dựng xã hội mới, đồng thời bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và chiến đấu chống thực dân Pháp quay lại xâm lược. Bám sát đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí chỉ đạo xây dựng kế hoạch, đề ra chủ trương, biện pháp phù hợp với thực tiễn địa phương, lãnh đạo quân và dân Liên khu 3 hình thành thế trận chiến tranh nhân dân, thực hiện vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng, vừa chi viện tích cực cho Liên khu Việt Bắc, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
2. Đồng chí Lê Thanh Nghị, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, Nhà nước Việt Nam
Sau ngày miền Bắc được giải phóng, đồng chí Lê Thanh Nghị được cử làm Bộ trưởng Công nghiệp (1955-1960), Phó Thủ tướng Chính phủ (1960-1975) và kiêm nhiệm nhiều công việc: Năm 1960, Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp Phủ Thủ tướng; năm 1961, phụ trách công tác thi đua của Đảng, Nhà nước; năm 1963, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết nhà nước; năm 1965, phụ trách việc vận động các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, trang thiết bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta; năm 1967, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Trưởng ban Công nghiệp Trung ương; năm 1974, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước.
Là nhà lãnh đạo của Chính phủ được giao phụ trách về kinh tế và đặc trách về công nghiệp, trong hoàn cảnh xuất phát điểm của nền công nghiệp nước nhà còn thấp, quy mô nhỏ bé, kỹ thuật lạc hậu, lại bị chiến tranh kéo dài tàn phá, thực hiện chủ trương của Đảng, đồng chí Lê Thanh Nghị đã nghiên cứu, đề ra phương hướng phát triển kinh tế phù hợp với thực tiễn. Đồng chí chỉ đạo sát sao các công việc trọng yếu, đặc biệt là khôi phục và xây mới ở miền Bắc nhiều cơ sở công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng; tiến hành sơ tán các nhà máy, kho tàng khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc; tập trung vào phát triển công nghiệp địa phương; chấn chỉnh lề lối quản lý kinh tế… Chính vì vậy, mặc dù kẻ địch đánh phá ác liệt, công nghiệp miền Bắc vẫn được bảo vệ, phát triển, cung cấp nhiều sản phẩm cho hậu phương lớn miền Bắc, đồng thời góp phần chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Là người phụ trách công tác vận động các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, trang thiết bị cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ, đồng chí Lê Thanh Nghị nhiều lần dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam sang thăm Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, gặp gỡ, trao đổi để Đảng, Chính phủ và nhân dân các nước bạn hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Thông qua những cuộc gặp gỡ đó, chúng ta đã tranh thủ các nước bạn ủng hộ, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần; bảo đảm nguồn lực để tiến hành và góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trường kỳ của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Trên cương vị phụ trách công tác thi đua khen thưởng Trung ương, đồng chí luôn sâu sát, nắm bắt tình hình thực tiễn, từ đó đề xuất với Trung ương những chủ trương đúng đắn về phong trào thi đua yêu nước, với hình thức thi đua mới là thi đua tập thể, thi đua cần được khuyến khích bằng lợi ích vật chất và tinh thần. Chính vì vậy, phong trào thi đua đã đạt được hiệu quả thiết thực và có sức lan tỏa lớn trong xã hội, với những điển hình tiên tiến là phong trào Duyên Hải trong công nghiệp, Đại Phong trong nông nghiệp, Ba Nhất trong quân đội, Bắc Lý trong giáo dục... góp phần quan trọng khơi dậy tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đánh thắng chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc và chi viện đắc lực cho cách mạng miền Nam.
Kháng chiến chống Mỹ thắng lợi (1975), đất nước thống nhất, đồng chí Lê Thanh Nghị tiếp tục được cử phụ trách chung về kinh tế. Đồng chí tham gia thành lập các tiểu ban nghiên cứu về phát triển kinh tế dài hạn, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, từng bước đưa Việt Nam gia nhập Hội đồng tương trợ kinh tế (khối SEV).
Đầu năm 1980, đồng chí được cử làm Thường trực Ban Bí thư. Đây là thời kỳ đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế, Đảng đang tìm tòi đổi mới kinh tế. Trên cương vị công tác mới, đồng chí không ngừng chú trọng nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn xây dựng, phát triển kinh tế. Đồng chí chú ý lắng nghe các bộ, ban, ngành, địa phương báo cáo tình hình, đồng thời dành thời gian xuống cơ sở xem xét tình hình sản xuất. Đồng chí đã ủng hộ quan điểm đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp. Sau này, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí đã ký ban hành Chỉ thị 100-CT/TW (1.1981), về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” (gọi tắt là Chỉ thị 100), đánh dấu bước đổi mới đầu tiên đặt tiền đề cho phát triển kinh tế thị trường trong tổ chức sản xuất và phân phối của hợp tác xã nông nghiệp.
Được cử làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước (1982-1986) trong điều kiện sức khỏe đã giảm sút, đồng chí vẫn dành nhiều thời gian, công sức để giúp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tổ chức chỉ đạo xây dựng một số luật và pháp lệnh về quản lý kinh tế, xã hội. Đồng chí thường xuyên đến thăm và làm việc với các địa phương, nhất là những nơi căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, từ đó kiến nghị với Đảng và Chính phủ ban hành những chính sách quan tâm thiết thực đến đời sống của đồng bào.
Có thể khẳng định, là người được Đảng, Nhà nước giao đảm nhiệm nhiều trọng trách, dù ở cương vị nào, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nào, đồng chí Lê Thanh Nghị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng chí thực sự xứng đáng là một đồng chí lãnh đạo tài năng, tiêu biểu của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
3. Đồng chí Lê Thanh Nghị, tấm gương cao đẹp của người cộng sản, người học trò gương mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Thanh Nghị đã phấn đấu trọn đời vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Hai lần bị thực dân Pháp bắt, dù chúng dùng đủ mọi thủ đoạn từ dụ dỗ đến các cực hình tra tấn rất dã man, tàn bạo, song đồng chí Lê Thanh Nghị vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, luôn luôn kiên trung với Đảng, với cách mạng, bất khuất trước kẻ thù. Cùng với các chiến sĩ cộng sản ưu tú khác, đồng chí đã góp phần biến lao tù của đế quốc tàn bạo thành trường học cách mạng, vừa học tập lý luận chính trị, vừa tôi luyện ý chí cách mạng. Đồng chí đã nêu tấm gương sáng của người cộng sản, kiên trung, bất khuất trước kẻ thù.
Ba mươi năm tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Lê Thanh Nghị được Đảng và Nhà nước giao đảm trách nhiều công việc quan trọng. Dù có những công việc mới, với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đồng chí luôn luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Trong mọi hoàn cảnh, đồng chí luôn luôn đặt lợi ích của dân tộc, của Đảng lên trên hết, đấu tranh quên mình vì lý tưởng cách mạng, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Đồng chí có phong cách làm việc tập thể, dân chủ, cởi mở, lắng nghe ý kiến của đồng chí, đồng nghiệp, luôn bình tĩnh, thận trọng, thẳng thắn, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, rất coi trọng nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết thực tiễn. Chính phong cách làm việc đó đã góp phần xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong các tổ chức đồng chí công tác, lãnh đạo, mang lại nhiều thành quả nổi bật.
Một phẩm chất cao đẹp khác của đồng chí Lê Thanh Nghị là sống giản dị, trung thực, liêm khiết, gắn bó với đồng chí, đồng bào. Bằng cả cuộc đời công hiến cho Tổ quốc, cho Đảng, cho nhân dân, đồng chí Lê Thanh Nghị đã nêu tấm gương sáng về đạo đức cao đẹp của người cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là: trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; yêu thương con người; có tinh thần quốc tế trong sáng. Đồng chí Lê Thanh Nghị là một học trò gương mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
4. Đồng chí Lê Thanh Nghị, người con ưu tú của quê hương Hải Dương
Hải Dương là vùng đất có truyền thống văn hiến, yêu nước và cách mạng. Trải qua nhiều thế hệ chung tay xây dựng và phát triển, thời nào Hải Dương cũng có nhân tài trên các lĩnh vực, làm rạng danh cho quê hương, đất nước.
Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, căm ghét chế độ thực dân phong kiến, đồng chí Lê Thanh Nghị sớm kế thừa truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc, của quê hương và hình thành chí hướng cách mạng, đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Đồng chí tích cực tham gia hoạt động trong phong trào công nhân, sớm trở thành một cán bộ tiêu tiểu thời dựng Đảng.
Đối với quê hương, đồng chí Lê Thanh Nghị là người có công rất lớn trong việc gây dựng lại cơ sở và phong trào cách mạng ở Hải Dương sau khi những cơ sở cách mạng ban đầu bị kẻ thù khủng bố; cũng chính đồng chí là người đã chuẩn bị những tiền đề đầu tiên cho việc thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương. Đồng chí là người lãnh đạo cao nhất trong Liên khu 3, từng bước lãnh đạo Đảng bộ tỉnh Hải Dương giành nhiều thắng lợi, góp phần giải phóng quê hương.
Mặc dù bận rất nhiều công việc của Đảng và Nhà nước, đồng chí Lê Thanh Nghị luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với Đảng bộ và nhân dân Hải Dương thông qua hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và những lần về thăm quê.
Quê hương Hải Dương tự hào sinh ra những con người ưu tú, kiên trung, mẫu mực như đồng chí Lê Thanh Nghị. Tình cảm của Đảng bộ và nhân dân Hải Dương với đồng chí Lê Thanh Nghị cũng hết sức sâu sắc, thắm thiết. Phát huy truyền thống của quê hương, noi gương các nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, phát huy mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đặc biệt, trong làn sóng dịch bệnh Covid-19 vừa qua, là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã kiên cường vượt qua, đưa sản xuất và đời sống sớm trở lại trạng thái bình thường mới, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Thưa các quý vị đại biểu, các đồng chí!
Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Thanh Nghị với cách mạng và quê hương Hải Dương” diễn ra trong không khí vui mừng, phấn khởi chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hướng tới kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2021) và chào mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Thanh Nghị, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, chúng ta càng tri ân sâu sắc công lao, cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cách mạng tiền bối; kế thừa, phát huy những giá trị cao đẹp được trao truyền lại, càng có thêm tinh thần và ý chí để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chúc các quý vị đại biểu, các nhà khoa học sức khỏe và hạnh phúc, chúc hội thảo thành công tốt đẹp!
Trân trọng cảm ơn các đồng chí!
------------
(*) Tiêu đề do Báo điện tử Hải Dương đặt