Nét mới trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh. Bài 1: Khát vọng lớn và tầm nhìn xa hơn

11/09/2020 10:17

Báo Hải Dương trân trọng giới thiệu loạt bài của đồng chí Phạm Xuân Thăng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy về một số điểm mới đáng chú ý của Dự thảo Báo cáo chính trị trình tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

>>>Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025


Tiểu ban Văn kiện họp xây dựng Đề cương Dự thảo Báo cáo chính trị. Ảnh tư liệu

Dự thảo Báo cáo chính trị (BCCT) trình tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII có nhiều điểm mới so với BCCT đã được thông qua tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đây là sự kế thừa và phát triển nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn khách quan với những yêu cầu ngày càng cao hơn trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo.

Chủ đề xuất phát từ yêu cầu thực tiễn

Nước ta nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng đang đứng trước nhiều thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết như đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc tới việc hoạch định chiến lược phát triển, phương hướng mục tiêu, cũng như các giải pháp cụ thể của nhiệm kỳ 2020-2025 với tầm nhìn đến năm 2035.

Chủ đề Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã được thông qua là: "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ; phát huy dân chủ, đoàn kết, sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, xây dựng Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại".

Kế thừa cơ bản các thành tố trong chủ đề Đại hội XVI, Dự thảo BCCT Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh xác định chủ đề là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2030 Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2035 là thành phố trực thuộc Trung ương".

So với chủ đề Đại hội XVI, chủ đề Đại hội XVII có một số điểm mới đáng lưu ý. Đó là thành tố về sự lãnh đạo của Đảng vẫn được đặt ở vị trí quan trọng nhất nhưng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị với hiệu lực và hiệu quả hoạt động ngày càng cao hơn. Điều này xuất phát từ thực tiễn nhiệm kỳ qua, toàn Đảng đã kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng thu được nhiều kết quả quan trọng trong việc phòng chống suy thoái về đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong đó có cả cán bộ cao cấp, đã củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong nhiệm kỳ tới, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị cần tiếp tục được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là yếu tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới.

Một điểm mới quan trọng đó là khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển, bản sắc văn hóa xứ Đông, đặc biệt là tiềm năng con người Hải Dương cùng với phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân để vượt qua khó khăn, thách thức, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phát triển bứt phá vươn lên không chấp nhận thua kém so với các địa phương khác có điều kiện tương đồng.


Hội Cựu chiến binh tỉnh góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, trong tiêu đề Dự thảo BCCT của Đại hội XVII đề cao yếu tố đổi mới sáng tạo, đây là sự phát triển ở tầm cao hơn về đổi mới, "đổi mới một cách sáng tạo" chứ không chỉ dừng lại ở đổi mới, sáng tạo. Qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn làm tiền đề quan trọng cho giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, để tạo ra những động lực mới trong khi các động lực tăng trưởng truyền thống nhờ sử dụng lao động giá rẻ, năng suất lao động thấp và khai thác nguồn tài nguyên có hạn ngày càng cạn kiệt đòi hỏi phải đổi mới một cách mạnh mẽ hơn, đổi mới phải đi vào chiều sâu, đổi mới một cách thực sự sáng tạo để tạo ra hiệu suất cao hơn, giá trị kinh tế gia tăng nhiều hơn nhờ ứng dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Cùng với đó, đối mặt với những khó khăn do đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, sự già hóa dân số, ô nhiễm môi trường… buộc chúng ta phải thay đổi tư duy, tầm nhìn, cách thức phát triển sao cho bền vững hơn, an toàn hơn. Với khát vọng và tầm nhìn xa hơn, trên nền tảng những thành quả đã đạt được, trong chủ đề của Dự thảo BCCT Đại hội XVII đã khẳng định quyết tâm phấn đấu đến năm 2030 Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2035 là thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là quyết tâm chính trị rất cao nhằm hiện thực hóa Nghị quyết của Đại hội XVI xây dựng Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đúc rút kinh nghiệm quý

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh, Dự thảo BCCT rút ra 5 kinh nghiệm, trong đó có những điểm mới đáng lưu ý so với những kinh nghiệm rút ra trong nhiệm kỳ 2010 - 2015.  

Một là, kinh nghiệm về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị. Đảng bộ tỉnh đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi đây là khâu đột phá quan trọng nhất trong công tác xây dựng Đảng. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, có trách nhiệm cao, khát vọng lớn, có tinh thần đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt, đóng góp hiệu quả cao cho sự phát triển của tỉnh và mỗi địa phương, đơn vị.

Hai là, kinh nghiệm về nhận thức và phát huy vai trò của nhân dân. Quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc"; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, dự thảo BCCT nêu rõ: "Tạo không khí dân chủ và môi trường thuận lợi nhằm phát huy sự chủ động, đổi mới, sáng tạo của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận cao của nhân dân trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh". 

Ba là, kinh nghiệm về lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện. Thực tiễn cho thấy, phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, luôn chủ động, sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt và “đeo bám” đến cùng mục tiêu đã đề ra; tập trung nguồn lực và sự chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, công trình trọng điểm để tạo ra động lực lớn cho kinh tế - xã hội phát triển. Đồng thời xác định rõ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển để khắc phục kịp thời; nhanh nhạy ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.

PHẠM XUÂN THĂNG
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng Tiểu ban Văn kiện


-----------------------
Kỳ sau:
Ba trụ cột trong phát triển kinh tế

(0) Bình luận
Nét mới trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh. Bài 1: Khát vọng lớn và tầm nhìn xa hơn