Đảng bộ tỉnh Hải Dương - 80 năm xây dựng và phát triển: Bài 1: Quá trình thành lập

03/06/2020 07:04

Sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh ngày 10.6.1940 đánh dấu bước trưởng thành, phát triển về chất của phong trào cách mạng ở Hải Dương.


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Nhà bia thành lập Tỉnh ủy ở xã Hợp Tiến

Từ Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập năm 1930, đến ngày 10.6.1940, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã được thành lập, mở ra bước ngoặt mới cho phong trào cách mạng ở Hải Dương.

Chi bộ Đảng đầu tiên

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, biến Việt Nam thành nước thuộc địa, nửa phong kiến. Dưới chế độ cai trị của Pháp, đời sống người dân ngày càng nghèo đói, cực khổ.

Tại Hải Dương, từ những năm 1927-1929, nhiều cán bộ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã về để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và gây cơ sở cách mạng. Đến giữa năm 1929, phần lớn các huyện trong tỉnh như Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, Ninh Giang, Gia Lộc và thị xã Hải Dương đã có cơ sở của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Được giác ngộ cách mạng, nông dân Hải Dương đã nhiệt tình tham gia các cuộc khởi nghĩa. Công nhân Hải Dương nhiều lần vùng dậy biểu tình, đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản. Với sự hoạt động tích cực của các tổ chức thanh niên và quần chúng cơ sở, phong trào cách mạng ở Hải Dương những năm 1928-1929 đã có bước chuyển biến nhanh chóng, nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi, gây được tiếng vang lớn.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào đầu tháng 2.1930 và cao trào cách mạng 1930-1931 đã tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng Hải Dương.

Tháng 2.1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản ở khu mỏ Mạo Khê (Đông Triều, khi ấy thuộc tỉnh Hải Dương) gồm 5 đồng chí do đồng chí Đặng Châu Tuệ làm Bí thư.

Đầu tháng 3.1930, đồng chí Trần Cung thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản ở Đọ Xá, Hoàng Tân (Chí Linh), gồm 3 đảng viên do đồng chí Nguyễn Văn Lừu làm Bí thư. Đây được coi là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Hải Dương.

Sự ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên đánh dấu bước ngoặt quan trọng và sự phát triển mau lẹ của phong trào cách mạng của tỉnh Hải Dương.


Nhà cụ Lê Thị Thạnh ở Tạ Xá, xã Hợp Tiến (Nam Sách), nơi diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh ngày 10.6.1940. Ảnh tư liệu

Thành lập Đảng bộ tỉnh

Cuối năm 1930, Chi bộ ở Đọ Xá cùng với tổ chức Nông hội đỏ ở Hải Dương đã rải truyền đơn, vận động nông dân đấu tranh chống địa chủ chiếm đoạt ruộng đất, chống phụ thu lạm bổ, chống quan lại cường hào... Các phong trào đấu tranh của giai cấp công - nông Hải Dương đã góp phần tạo nên thắng lợi của cao trào cách mạng 1930-1931 và phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh trong cả nước. Từ năm 1932-1935, phong trào cách mạng ở Hải Dương tạm lắng. Các đồng chí cán bộ, đảng viên tiếp tục hoạt động, bí mật móc nối cơ sở, duy trì đường dây liên lạc. Các cuộc đấu tranh trong tù của những người cộng sản vẫn diễn ra mạnh mẽ, tiêu biểu là cuộc đấu tranh do đồng chí Nguyễn Lương Bằng, người con của quê hương Thanh Tùng (Thanh Miện) tổ chức và lãnh đạo. Cuối năm 1932, sau khi vượt ngục Hỏa Lò, đồng chí trở về Hải Dương xây dựng lại phong trào, ra báo Công Nông để tuyên truyền đường lối cách mạng.

Thời kỳ Mặt trận Dân chủ, phong trào cách mạng ở Hải Dương được bổ sung thêm nhiều cán bộ chủ chốt, trong đó có đồng chí Lê Thanh Nghị. Cùng việc thành lập các tổ chức hội quần chúng dân chủ như Thanh niên dân chủ, Phụ nữ dân chủ, Tương tế, Ái hữu..., qua các cuộc đấu tranh hợp pháp và nửa hợp pháp, tổ chức Đảng dần được phục hồi và hình thành ở những nơi có phong trào mạnh. Trong năm 1938, Chi bộ Đảng Nhà máy nước Ninh Giang, Chi bộ thị xã Hải Dương lần lượt được thành lập. Các chi bộ tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, mở rộng phong trào đấu tranh dân chủ dân sinh, giáo dục, giác ngộ cách mạng và huấn luyện cán bộ. Cuộc vận động dân chủ trong những năm 1936-1939 của cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng thực sự là cuộc đấu tranh cách mạng sôi nổi, có tính chất quần chúng rộng rãi nhằm thực hiện mục tiêu trước mắt là chống phản động và tay sai.

Trước đòi hỏi của phong trào cách mạng trong tỉnh, yêu cầu phải có sự lãnh đạo thống nhất, ngày 10.6.1940 đã diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương tại nhà cụ Lê Thị Thạnh ở Tạ Xá (nay là xã Hợp Tiến, Nam Sách). Liên tỉnh B đã chỉ định Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hoan, Chu Thị Kim Sơn và Nguyễn Tấn Phúc. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan được chỉ định làm Bí thư.

Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh cũng bàn và đề ra một số nhiệm vụ trước mắt như tập trung chuyển hướng hoạt động cho phù hợp với tình hình mới; tích cực phát triển cơ sở đảng, cơ sở quần chúng ở nông thôn vào nhà máy, xí nghiệp, đồn điền, lập các hội phản đế; kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện chính trị, quân sự cho cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng; thành lập các đội tự vệ...

Sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh đã đánh dấu bước trưởng thành, phát triển về chất của phong trào cách mạng ở Hải Dương. Sau hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh, phong trào cách mạng ở Hải Dương được đẩy mạnh với khí thế mới sôi nổi. Các tổ chức của Đảng bộ, hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng được xây dựng ở nhiều nơi trong tỉnh.

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương

(0) Bình luận
Đảng bộ tỉnh Hải Dương - 80 năm xây dựng và phát triển: Bài 1: Quá trình thành lập