Ứng cử viên cần làm gì để thu hút cử tri?: Bài 2: Xây dựng hình ảnh trước công chúng

20/04/2021 15:32

Hình ảnh của người đại biểu tương lai có ảnh hưởng rất lớn đến sự tín nhiệm của cử tri, ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ phiếu bầu mà cử tri dành cho mỗi ứng cử viên. Vì thế, ứng cử viên cần chú ý xây dựng hình ảnh của mình.


Ứng cử viên đến sớm để chủ động đón, chào, gặp gỡ, thăm hỏi cử tri, nhất là cử tri lớn tuổi, cán bộ lão thành... Trong ảnh: Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri. Ảnh tư liệu

Trong quá trình vận động bầu cử, mỗi ứng cử viên (ƯCV) sẽ được xuất hiện trước công chúng/cử tri thông qua tiếp xúc cử tri (TXCT) hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, càng cần có một hình ảnh đẹp hơn để chiếm được tình cảm, lòng tin nơi cử tri. 

Trừ số ít ƯCV là cán bộ lãnh đạo chủ chốt mà cử tri đã biết, còn đa số ƯCV chỉ có cơ hội xuất hiện trước cử tri thông qua một số cuộc tiếp xúc với số lượng cử tri hạn chế, chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số của tri tại khu vực ứng cử; hoặc xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng qua phỏng vấn trên truyền hình hoặc báo viết (nhưng không nhiều ƯCV được xuất hiện); xuất hiện gián tiếp bằng tấm ảnh in trên danh sách ƯCV được niêm yết tại các đơn vị bầu cử, các điểm bỏ phiếu. Vậy trong khoảng thời gian hạn hẹp (chỉ từ khi ƯCV được lập danh sách chính thức đến trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu, tức là chỉ khoảng 25 đến 30 ngày), không gian hạn chế như vậy, làm sao để ƯCV có thể tạo dựng được hình ảnh tốt đẹp trước cử tri?

Tạo ấn tượng bên ngoài

Để TXCT đem lại hiệu ứng tích cực, ƯCV cần thực hiện “nguyên tắc 4 T”: Thời gian- Trí tuệ- Thân thiện- Tươm tất. Cụ thể là:

Thời gian: đến nơi tiếp xúc đúng giờ, tốt nhất là đến sớm chờ cử tri, không nên để cử tri chờ mình; thời gian phát biểu, trình bày ngắn gọn, không nên nói dài, nói nhiều.

Trí tuệ: nắm bắt đầy đủ thông tin về các vấn đề kinh tế, xã hội, pháp luật..; tình hình kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân nơi tiếp xúc. Trình bày chương trình hành động một cách khoa học, súc tích, không nên đọc một bài đã chuẩn bị sẵn mà nên tóm tắt những điểm chính thông qua một dàn ý. Xử lý thông minh các tình huống bức xúc của cử tri, giải thích, trao đổi tường tận những vấn đề cử tri nêu trong quá trình tiếp xúc; không nên hứa điều gì nếu không chắc chắn giải quyết được. Làm như vậy sẽ được cử tri đánh giá cao.

Thân thiện: Dành thời gian đến sớm để chủ động đón, chào, gặp gỡ, thăm hỏi cử tri, nhất là cử tri lớn tuổi, cán bộ lão thành... 

Tươm tất: trang phục phù hợp với đối tượng tiếp xúc; giản dị, gọn gàng nhưng không luộm thuộm, đẹp, lịch sự nhưng phải phù hợp với đối tượng cử tri ở mỗi cuộc tiếp xúc.

Tại các cuộc TXCT trước bầu cử, phần lớn cử tri tham dự là những người đại diện cho các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị theo cơ cấu, thành phần được cơ quan chức năng mời và hầu hết là những cử tri "khó tính", hay xét nét, đánh giá; nhưng đây lại là những cử tri có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi ý kiến của họ về các ƯCV đến các cử tri khác. Vì vậy, cần chú ý về hình thức khi đến dự các cuộc TXCT cũng như khi xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Vậy, thế nào là một hình thức mang dấu ấn tích cực?

Một là, chuẩn bị một gương mặt sáng sủa, tươi vui, mắt luôn nhìn thẳng, chân thành, thân thiện; đầu tóc gọn gàng, không nên quá cầu kỳ. ƯCV nữ có thể trang điểm nhẹ nhàng, phù hợp với khuôn mặt.

Hai là, có một tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, gần gũi, cởi mở, không quá suồng sã, cũng không quá lạnh nhạt. Những cái bắt tay, chào hỏi cũng cần chú ý "tay bắt mặt mừng", không siết tay quá chặt, cũng không quá lỏng lẻo và chú ý dành cái nhìn thân thiện, vui mừng với người bắt tay, hỏi xã giao đôi câu. Ví dụ: "Bác/ anh/ chị khỏe chứ ạ", "Gia đình ta năm nay được mùa chứ ạ"...

Ba là, mang trang phục (quần, áo, giày dép, mũ...) phù hợp, lịch sự, sạch sẽ, gọn gàng, không quá diêm dúa, hợp với hình thể của từng ƯCV và phù hợp với mức sống và phong tục, tập quán địa bàn ứng cử. Khi tiếp xúc với cử tri là cán bộ ở các cơ quan, tổ chức hay khu vực đô thị cần trang phục lịch sự, nhưng khi tiếp xúc với cử tri là người lao động hay ở khu vực nông thôn lại cần trang phục giản dị hơn.

Ghi dấu bằng nội dung "bên trong"

Nội dung thể hiện qua tiếng nói, cách nói, truyền đạt, nêu ý kiến, trình bày nhận thức, quan điểm... của ƯCV, có tác động rất mạnh đến cử tri. Do đó, khi tiếp xúc vận động bầu cử, các ƯCV phải trình bày chương trình hành động của mình và cần chú ý:

Một là, chuẩn bị kỹ, tốt trước khi tiếp xúc. Chuẩn bị những nội dung chính, quan trọng nhất mà mình trình bày thông qua một bản đề cương (để nói tóm tắt), không nên đọc một bài đã chuẩn bị sẵn; đồng thời dự kiến những vấn đề khi cử tri có thể hỏi để có ý kiến trao đổi. Nếu không chuẩn bị tốt, nhất là những người mới hoặc ít tiếp xúc với công chúng dễ "mất điểm" trước cử tri.

Hai là, chỉ nói những vấn đề mà mình biết, hiểu sâu, có kiến thức, kinh nghiệm. Trong TXCT hãy chú ý lắng nghe và trao đổi, giải thích những điều cần thiết và nắm vững, chớ có nói, trao đổi những vấn đề mình còn mơ hồ, thiếu thông tin hoặc không thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình, nhớ đừng "múa rìu qua mắt thợ".

Ba là, có phương pháp trình bày khoa học, thuyết phục. Các vấn đề trình bày cần rõ ràng, ngắn gọn, theo trình tự hợp lý; sử dụng ngôn ngữ phổ thông, dễ hiểu, phù hợp với địa phương nơi ứng cử. Nếu là vùng dân tộc thiểu số mà hiểu, nói thông thạo tiếng địa phương thì nên trình bày bằng tiếng nói của họ. Âm lượng vừa phải, rõ tiếng, diễn đạt truyền cảm, thu hút; khắc phục nói ngọng, nói nhịu... Kết hợp được "ngôn ngữ cơ thể" (ánh mắt, nhún vai, khua tay...) trong quá trình diễn đạt càng thu hút người nghe.

Ngoài những nội dung trao đổi trên đây, mỗi ƯCV có thể sử dụng các hình thức khác để quảng bá hình ảnh của mình trước công chúng như thông qua mạng xã hội để trao đối, thể hiện quan điểm, ý kiến của mình về những vấn để chính trị, xã hội cử tri quan tâm. Cũng có thể thông hoạt động tại cơ quan, tổ chức nơi ƯCV công tác, nơi sinh sống để xây dựng hình ảnh tốt cho mình, từ đó sẽ lan tỏa đến các cử tri khác.

LƯƠNG ANH TẾ

---------------
Kỳ sau: Xây dựng chương trình hành động kỹ lưỡng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng cử viên cần làm gì để thu hút cử tri?: Bài 2: Xây dựng hình ảnh trước công chúng