Buông lỏng xử lý vi phạm nồng độ cồn
Tin tức - Ngày đăng : 05:18, 28/11/2014
Phần lớn các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến bia, rượu. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm này trên địa bàn tỉnh dường như còn bỏ ngỏ...
Nhiều trường hợp nạn nhân tai nạn giao thông nhập viện trong tình trạng say rượu
Vô tư vi phạm
Sáng 23-11, anh N.V.T. ở phố Bá Liễu (TP Hải Dương) đi dự đám cưới một đồng nghiệp ở thị xã Chí Linh. Mặc dù không uống được rượu nhưng anh T. vẫn uống gần chục chén vì khó lòng từ chối trong ngày vui của bạn. Điều khiển xe máy từ Chí Linh về TP Hải Dương trong tình trạng mặt đỏ phừng phừng, anh T. cho biết: “Biết là uống rượu vào rồi lái xe sẽ rất nguy hiểm nhưng không sao tránh được. Mỗi khi uống rượu tôi sẽ cố đi chậm hơn để tránh xảy ra tai nạn giao thông”.
20 giờ ngày 23-11, dù là ngày nghỉ nhưng khảo sát trên một số tuyến đường của TP Hải Dương như: Trường Chinh, Thanh Niên, Bạch Đằng... chúng tôi thấy các quán bia, ăn đêm vẫn khá đông khách. Tại nhiều quán bia trên đường Trường Chinh, hàng trăm xe máy và một số ô-tô xếp chật vỉa hè, tràn cả xuống lòng đường. Bên trong quán, các khách hàng, chủ yếu là đàn ông ngồi uống rượu, bia. Anh Phan Minh Tuân, nhà ở xã Hồng Phong (Ninh Giang) cho biết, hôm nay là ngày nghỉ, lên TP Hải Dương chơi, gặp bạn bè nên rủ nhau đi uống bia cho vui. Sau khi ăn uống xong, anh sẽ đi xe máy về quê luôn vì sáng mai phải đi làm sớm. Khi được hỏi đi như vậy có an toàn không, anh Tuân khẳng định là vẫn đi được, không sao.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm từ 6-8% số vụ. Nghiên cứu TNGT liên quan đến rượu, bia tại Bệnh viện Việt-Đức và Xanh Pôn (Hà Nội) năm 2008-2009 thì nạn nhân TNGT có nồng độ cồn trong máu chiếm 62%. Viện Pháp y quốc gia xét nghiệm 500 nạn nhân tử vong do TNGT đường bộ thì tỷ lệ nạn nhân có nồng độ cồn chiếm 34%. Nhiều chuyên gia ước tính số vụ TNGT đường bộ liên quan đến sử dụng rượu, bia chiếm khoảng 40%.
Xử lý chưa nghiêm
Mặc dù vi phạm nồng độ cồn khá phổ biến nhưng công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trên địa bàn tỉnh vẫn rất hạn chế. Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh), từ đầu năm đến nay, đơn vị mới chỉ xử lý được 14 trường hợp vi phạm. Tại đội cảnh sát giao thông các huyện, thị xã, thành phố, những trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí có những nơi không xử lý trường hợp vi phạm nào. Một số cảnh sát giao thông khẳng định có TNGT gây chết người mà nguyên nhân có thể do họ sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, những nhận định trên không được ghi vào hồ sơ tai nạn do hiện nay việc xác định nồng độ cồn ở nạn nhân TNGT chưa được thực hiện.
Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn tỉnh chưa thường xuyên. Trong ảnh: Cảnh sát giao thông
kiểm tra nồng độ cồn trên quốc lộ 5
Bác sĩ Nguyễn Văn Trung, Trưởng khoa Ngoại II, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, hiện chưa có quy định xác định nồng độ cồn đối với bệnh nhân TNGT khi vào điều trị tại bệnh viện. Bệnh viện cũng không trang bị máy móc để kiểm tra. Thực tế điều trị cho thấy có nhiều trường hợp nạn nhân TNGT nhập viện trong tình trạng say rượu. Việc sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông khiến công tác cấp cứu, điều trị chấn thương gặp nhiều khó khăn hơn. "Rượu, bia làm tăng huyết áp dẫn đến mất máu nhiều, nguy cơ tử vong cao. Những người bị say rượu thường không làm chủ được bản thân, không hợp tác với người cứu nạn, bác sĩ nên việc chẩn đoán, điều trị cũng khó khăn hơn”, bác sĩ Trung giải thích.
Không chỉ gây khó khăn cho công tác cứu nạn mà việc buông lỏng xử lý vi phạm, xác định nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông cũng đang gây không ít rắc rối, thiệt hại đối với các công ty bảo hiểm. Theo Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Hải Dương, trong năm 2013, công ty tiếp nhận hồ sơ, thực hiện bồi thường khoảng 2.000 vụ TNGT và va chạm giao thông với số tiền bồi thường hơn 14 tỷ đồng cho trách nhiệm dân sự đối với người thứ 3, người ngồi trên xe và vật chất xe. Trong năm nay, số vụ TNGT và số tiền bồi thường giảm hơn 10%. Tuy nhiên, trong các hồ sơ TNGT rất hiếm có kết luận sử dụng bia, rượu, chất kích thích quá mức quy định. Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Hải Dương cho biết, nhờ có đường dây nóng nên cán bộ của Bảo Việt có thể tiếp cận hiện trường xảy ra tai nạn trong khoảng 10-15 phút sau khi nhận được tin báo. Dù vậy, khi có mặt, cán bộ bảo hiểm cũng chỉ chứng kiến diễn biến làm việc của lực lượng công an với người điều khiển hay chủ phương tiện giao thông liên quan. Mọi căn cứ để thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong các trường hợp TNGT đều theo kết luận của cơ quan công an. Không xác định được vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông cũng khiến việc xác minh, xử lý bồi thường của doanh nghiệp gặp khó khăn.
Thực tế hiện nay hầu hết người tham gia giao thông đều nhận biết được điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Người say rượu lái xe không chỉ nguy hiểm cho chính bản thân họ mà còn nguy hiểm cho những người khác. Những người lái xe sau khi sử dụng rượu, bia cũng thường vi phạm những lỗi khác như đi quá tốc độ, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm... càng làm tăng nguy cơ xảy ra TNGT. Để ngăn chặn tình trạng vi phạm nồng độ cồn như hiện nay, lực lượng cảnh sát giao thông cần thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm.
HOÀNG THÀNH
Cần có phương tiện kiểm tra hiện đại Thiếu táNGUYỄN LƯƠNG TRỌNG Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát số 2, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) Tuyên truyền đến những chủ xe cá nhân Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã quản lý lao động khá tốt, NGUYỄN THÀNH ĐÔNGGiám đốc Công ty CP Ô-tô vận tải khách Hải Hưng Cần chọn phương tiện đi lại phù hợp NGUYỄN QUANG QUYỀNBí thư Chi bộ khu dân cư số 8, phường Hải Tân (TP Hải Dương) |