"Tiếng thở dài" của gốm Cậy
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:58, 11/05/2015
Trong quá khứ, gốm Cậy từng được xếp ngang hàng với những làng gốm nổi tiếng: Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Ðậu...
Nhưng giờ đây, nhắc đến gốm Cậy, nhiều người lại thấy tiếc nuối khôn nguôi.
Đặc trưng của gốm Cậy là hoa văn đắp nổi và nặn, chuốt bằng tay trên bàn xoay
Suốt một buổi sáng lang thang trong làng Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang), rất khó để tôi có thể tìm ra dấu hiệu chứng tỏ đây từng là một làng gốm nổi tiếng. Dọc con đường trục chính của thôn, thỉnh thoảng xuất hiện một vài cửa hàng bán tiểu sành, đồ sứ gia dụng nhập từ nơi khác về.
Làng Cậy giờ đây sầm uất. Xe ô - tô tải chạy rầm rập suốt ngày đêm. Tiếng máy xay, xát gạo không lúc nào dứt. Nhưng sự sầm uất đó lại không đến từ nghề gốm nổi danh một thời. Đó cũng là điều tiếc nuối đối với những người còn tâm huyết với nghề. Khi biết tôi có ý định tìm hiểu về nghề làm gốm theo lối cổ truyền của làng, bác Phạm Minh Đức, Trưởng thôn Cậy dẫn tôi đến nhà bác Vũ Xuân Năm, một trong 2 nghệ nhân của làng được phong tặng nghệ nhân gốm còn duy trì lối đốt lò cổ. Ngồi tiếp chuyện chúng tôi ngay bên cạnh chiếc lò bầu truyền thống, câu chuyện của bác Năm, bác Đức xoay quanh nghề gốm, ước mơ đưa nghề gốm và sản phẩm gốm của làng trở lại thời kỳ rực rỡ như xưa.
Sản xuất gốm theo kiểu công nghiệp ở làng Cậy
Bây giờ vàng vọt
Ước mơ của bác Năm, bác Đức là một ngày nào đó, làng nghề trở lại nhộn nhịp như xưa, sản phẩm của làng được mọi người mua tìm. Tuy nhiên, hiện tại ước mơ đó có lẽ khó trở thành hiện thực, bởi: "Cả làng giờ chỉ còn tôi và con trai làm nghề theo lối cổ. Cùng được phong tặng nghệ nhân, nhưng bác Cửu đã mất cách đây mấy năm rồi. Cũng may là tôi theo hướng đi riêng, nên vẫn còn có nhiều việc để làm", bác Năm tâm sự. Anh Vũ Xuân Hùng (sinh năm 1982) là con trai của bác Năm đang hoàn thiện nốt những hoa văn trên chiếc đôn kê lọ, cũng tham gia câu chuyện: "Không phải ai cũng theo nghề được, bởi làm gốm theo lối cổ truyền rất mất công sức và thời gian. Đất nhập về phải phơi khô, giã nhỏ rồi hòa với nước để lọc bỏ tạp chất. Sau đó, người thợ phải ủ để đất dẻo rồi mới tạo dáng cho sản phẩm. Sản phẩm được người thợ sáng tạo bằng trí tưởng tượng bay bổng và đôi bàn tay tài hoa, nên chúng có những nét riêng không thể trộn lẫn. Đặc trưng của gốm Cậy là chuốt, nặn, vẽ bằng tay trên bàn xoay với nhiều họa tiết, hoa văn được đắp nổi. Mỗi sản phẩm được tạo ra với thời gian và tâm trạng khác nhau, nên nó mang trong mình cả tâm hồn của người thợ chứ không khô cứng như những sản phẩm được tạo bằng khuôn đúc sẵn". Là con trai của nghệ nhân có tiếng, được tiếp xúc với gốm Cậy từ bé, được đào tạo bài bản về chuyên ngành mỹ thuật công nghiệp, nên anh Hùng đã tạo ra nhiều sản phẩm mang hồn cốt gốm cổ. Chẳng thế mà xưởng của gia đình lúc nào cũng đông khách, chủ yếu là các đơn đặt hàng giả cổ và hàng mỹ nghệ.
Cũng duy trì lối đốt lò cổ với những sản phẩm phục chế các đình, chùa, đền tháp trong cả nước, anh Vũ Xuân Tuấn, con trai bác Năm mở một xưởng riêng cách xưởng của gia đình khá xa. Nếu như bác Năm đốt lò bầu, chuyên làm đồ giả cổ và đồ mỹ nghệ thì anh Tuấn lại đốt lò rồng với sản phẩm chính là gạch lát nền và hoa văn tháp cổ. Đến xưởng của anh Tuấn vào một ngày đầu hè khá oi ả, nhưng không khí làm việc vẫn tấp nập. Trong xưởng của gia đình, hai bên là hai lò rồng chứa đầy gạch vừa nung. Khoảng giữa sân là những viên gạch lớn, những mảng hoa văn phục chế tháp cổ vừa được tạo hình đang đợi khô. Anh Tuấn cùng một người thợ đang miệt mài hoàn thiện nốt những nét hoa văn trên bức phù điêu chân tháp. Anh cho biết: "Để sản phẩm mang đặc trưng gốm cổ, lò phải được đốt bằng củi. Đốt bằng củi đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo của người thợ để duy trì nhiệt độ của lò đều đặn. Mặc dù tỷ lệ thành công không cao, nhưng sản phẩm lại có nước men đẹp, giữ được hồn cốt của gốm xưa, đáp ứng nhu cầu phục chế hiện nay".
Cả làng Cậy giờ chỉ còn hai cha con ông Năm làm nghề theo lối cổ
Sự đổ bộ ồ ạt của đồ gốm sứ Trung Quốc đã quét sạch những cố gắng khôi phục nghề của những người thợ gốm làng Cậy. Nếu chỉ dựa vào tâm huyết của những người thợ trong làng, ước mơ khôi phục lại nghề làm gốm cổ truyền sẽ rất khó trở thành hiện thực.
VỊ THỦY