Gian lận thương mại "sống khỏe" ở chợ truyền thống
Thị trường - Ngày đăng : 07:11, 01/06/2017
Gian lận thương mại ở các chợ truyền thống chưa được kiểm soát nên không ít người tiêu dùng đã mua phải hàng kém chất lượng.
Giày dép là hàng hóa thường bị nhái nhãn hiệu tại các chợ truyền thống
Nhiều hàng giả, hàng nhái
Hiện nay, người tiêu dùng dễ dàng mua được một chiếc quần bò dán mác thương hiệu Levis chỉ với giá hơn 200.000 đồng tại chợ Thanh Bình (TP Hải Dương), chỉ bằng 1/10 so với giá bán chính hãng. Nhiều loại quần áo ở chợ này nhái nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng khác nhưng rất ít khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Chị Phạm Thị T., chủ cửa hàng chuyên kinh doanh quần áo tại chợ Thanh Bình bật mí: “Ở đây chủ yếu là hàng nhái chứ hàng thật lấy đâu ra giá rẻ như vậy. Chúng tôi lấy hàng tại chợ Ninh Hiệp (Hà Nội). Nhà nào bán buôn phải sang tận Quảng Châu (Trung Quốc) để "đánh" hàng”. Khi được hỏi bán hàng nhái có sợ bị cơ quan chức năng tịch thu không, chị T. cho biết: “Cả năm lực lượng quản lý thị trường (QLTT) kiểm tra 1-2 lần. Họ thường bắt những người buôn bán lớn, còn những hộ kinh doanh nhỏ lẻ ít khi bị kiểm tra”.
Ở các chợ truyền thống nông thôn, hàng hóa kém chất lượng được bày bán công khai, chủ yếu là hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nếu là hàng nhập khẩu thường không kèm nhãn phụ và không được bảo quản theo quy chuẩn. Bà Phạm Thị Liễu ở xã Long Xuyên (Bình Giang) kể: “Tháng trước tôi mua mấy hộp bánh ở chợ Phủ, xã Thái Học. Thấy bao bì toàn tiếng nước ngoài, tôi hỏi thì họ bảo bánh nhập khẩu của Hàn Quốc. Tôi nghĩ bánh nhập khẩu sẽ ngon và bảo đảm chất lượng nên mua luôn. Nào ngờ khi mở ra bánh có mùi khét, rất khó ăn”.
Do không được kiểm soát thường xuyên, người tiêu dùng mua hàng tại chợ lại dễ dãi nên hàng hóa kém chất lượng có cơ hội phát triển. Ban quản lý các chợ chủ yếu quản lý về thuế, phí, an ninh trật tự, còn việc kiểm soát GLTM thường do các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương và lực lượng QLTT thực hiện.
Né trách nhiệm, ỷ lại
Hiện nay, hầu hết các địa phương đều thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) chống buôn lậu, hàng giả và GLTM (BCĐ 389). BCĐ này có trách nhiệm kiểm soát GLTM ở địa phương mình. Theo ông Bùi Trọng Thược, Trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Thanh Miện, BCĐ 389 cấp huyện đa phần là các thành viên kiêm nhiệm. Để tổ chức được một đợt kiểm tra phải huy động các thành viên từ nhiều cơ quan, ban, ngành khác nhau. Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện có trách nhiệm chính trong quản lý thương mại nhưng hiện không có cán bộ chuyên trách về lĩnh vực này. “Vì vậy rất khó để kiểm soát GLTM ở cả thị trường nông thôn chứ chưa nói đến chợ truyền thống”, ông Thược nói.
Do tiểu thương ở chợ dân sinh thường không giữ chứng từ khi lấy hàng nên việc truy tận gốc gian lận
thương mại rất khó khăn
Việc phối hợp kiểm tra, xử lý GLTM ở chợ dân sinh, nhất là các chợ nông thôn giữa lực lượng QLTT và BCĐ 389 địa phương chưa tốt, làm chưa thường xuyên, ỷ lại. Để xử lý GLTM ở chợ truyền thống cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 đơn vị này. Người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức, sẵn sàng tố giác và tẩy chay các cửa hàng có biểu hiện GLTM.
PV