Đình công vì không thỏa mãn quyền lợi
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 10:06, 15/10/2019
Công nhân Công ty TNHH Nam Yang Delta (TP Hải Dương) đình công chủ yếu đòi quyền lợi ngoài quy định của pháp luật như tăng tiền thâm niên, tiền chuyên cần...
Đa phần NLĐ tham gia đình công đòi hỏi về lợi ích thỏa thuận giữa 2 bên không thuộc phạm vi quy định của pháp luật.
Hầu hết các tháng đều xảy ra đình công
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, 9 tháng qua, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ đình công với hơn 11.300 NLĐ tham gia.
Số vụ đình công đã đạt mức kỷ lục trong khoảng 10 năm trở lại đây. Hầu hết các vụ đình công diễn ra ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và không có sự lãnh đạo của tổ chức đại diện NLĐ.
Ông Trần Văn Cương, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh nhận định nguyên nhân xảy ra đình công thời điểm này có nhiều yếu tố khác trước. Trước đây, khi đình công, đa phần NLĐ đòi hỏi những quyền lợi được pháp luật quy định như tiền lương, tiền làm thêm giờ, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Gần đây, NLĐ chủ yếu đình công đòi hỏi về lợi ích không có trong quy định của pháp luật, mà do NLĐ và chủ sử dụng tự thỏa thuận (mức phụ cấp tiền chuyên cần, xăng xe, hỗ trợ con nhỏ, ăn ca, trợ cấp thâm niên...).
Những điều này thường chung chung, được áp dụng căn cứ vào điều kiện thực tế, quan điểm của chủ doanh nghiệp và đề xuất của tổ chức đại diện cho NLĐ. Vì vậy, nếu NLĐ thấy không thỏa mãn hoặc so sánh với các doanh nghiệp khác theo kiểu "đứng núi này trông núi nọ" thì rất dễ xảy ra đình công.
Qua tìm hiểu các vụ đình công trong 9 tháng qua cho thấy khoảng 2/3 số vụ có nguyên nhân chính do NLĐ bức xúc về chế độ ăn ca, tiền chuyên cần, thưởng năng suất... Đó là các vụ NLĐ đình công ở các Công ty TNHH: Quảng Phong Việt Nam, GFT Unique Việt Nam (Thanh Miện), Sản xuất đồ chơi Dain Vina (Gia Lộc), Nam Sinh (Cẩm Giàng), Nam Yang Delta (TP Hải Dương)...
Rất ít vụ đình công NLĐ đòi hỏi doanh nghiệp thực hiện các quyền lợi theo quy định của pháp luật.
Trong số các vụ đình công từ đầu năm đến nay, chỉ có công nhân Công ty Xi măng Phúc Sơn (Kinh Môn) yêu cầu doanh nghiệp thanh toán đầy đủ tiền làm thêm giờ, tiền độc hại; công nhân Công ty TNHH một thành viên May xuất khẩu SJ VINA (Kim Thành) yêu cầu thanh toán tiền lương đúng ngày.
Trước đây, đa phần các vụ đình công diễn ra vào khoảng đầu năm hoặc cuối năm. Đầu năm là thời điểm tăng lương, trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng NLĐ sẽ tổ chức đình công.
Cuối năm thường là dịp doanh nghiệp quyết toán các đơn hàng nên NLĐ dễ bị ép tăng ca, tính tiền làm thêm giờ không đúng...
Hiện nay, NLĐ có thể đình công vào bất kỳ thời gian nào trong năm, chỉ cần họ thấy không đồng ý với quy định của doanh nghiệp là sẽ tổ chức đình công. Từ đầu năm tới nay, hầu hết các tháng đều xảy ra đình công, cá biệt trong tháng 6, tháng 7 mỗi tháng có 3vụ đình công.
Phát huy vai trò của công đoàn cơ sở
Đình công chưa hẳn đã xấu vì nó giúp giải quyết xung đột, mâu thuẫn giữa chủ sử dụng và NLĐ. Hầu hết các vụ đình công ở tỉnh ta trong thời gian qua sau khi có sự can thiệp giải quyết của các ngành chức năng, doanh nghiệp đều đáp ứng một phần yêu cầu của NLĐ.
Tuy nhiên, xét trên khía cạnh quan hệ lao động và trật tự xã hội thì đình công chắc chắn sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực. Như vụ đình công của công nhân Công ty Xi măng Phúc Sơn kéo dài 5 ngày giữa thời tiết nắng nóng khiến công nhân khá mệt mỏi.
Hay những công nhân Công ty TNHH Nam Yang Delta tham gia đình công đã bao vây, cản trở, thậm chí đe dọa hành hung những người dám đến công ty làm việc...
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Trần Văn Cương cho rằng để hạn chế các vụ đình công thì vai trò chính thuộc về công đoàn cơ sở. Ở những doanh nghiệp lớn, công đoàn cơ sở phải phân công nhiệm vụ đến từng tổ công đoàn nắm bắt kịp thời tâm tư, kiến nghị của NLĐ để tổ chức đối thoại với chủ doanh nghiệp.
Công đoàn cơ sở phải chú ý xem doanh nghiệp có thực hiện đúng cam kết trong thỏa ước lao động tập thể hoặc những nội dung đưa ra trong hội nghị NLĐ hay không; vận dụng hết khả năng làm hài hòa mối quan hệ về lợi ích giữa doanh nghiệp và NLĐ.
Công đoàn cần nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nếu làm ăn có lãi nên kịp thời đề nghị tăng lợi ích cho NLĐ và ngược lại sẽ giải thích cho NLĐ thông cảm với doanh nghiệp. Đây chính là yếu tố then chốt để hạn chế xảy ra đình công.
Để giúp công đoàn cơ sở thực hiện tốt vai trò của mình, các công đoàn cấp trên cơ sở phải quan tâm hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công đoàn cơ sở, tăng cường hỗ trợ về chuyên môn cho cán bộ công đoàn kiêm nhiệm trong khối doanh nghiệp.
Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp về lĩnh vực lao động, tránh để doanh nghiệp vi phạm.
NGỌC THANH