90 năm - Những chặng đường vẻ vang của Đảng: Bài cuối: Công cuộc đổi mới đạt nhiều thành tựu to lớn

Tin tức - Ngày đăng : 10:16, 05/01/2020

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới ở Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng.

>> Bài 1:Đảng ra đời, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền
>> Bài 2: Đảng lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp
>> Bài 3: Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc
>> Bài 4: Hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện công cuộc đổi mới


Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều tiến bộ. Trong ảnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương mới đưa máy chụp mạch DSA chẩn đoán các bệnh lý tim mạch vào sử dụng. Ảnh: Đức Thành

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới ở Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng, làm biến đổi và phát triển đất nước cả về chính trị, kinh tế, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng cao và khẳng định vị thế của đất nước trong đời sống chính trị, kinh tế của thế giới.

Kinh tế tăng trưởng nhanh

Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh và ổn định, cơ sở vật chất-kỹ thuật được tăng cường, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm đạt gần 7%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 200 USD năm 1990 lên 2.587USD năm 2018. Đặc biệt, năm 2019, tăng trưởng GDP toàn quốc đạt 7,02%.

Năm 2019, nhiều kỷ lục khác của Việt Nam cũng được xác lập, như kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD, xuất siêu 9,1 tỷ USD và là năm thứ 4 liên tiếp xuất siêu. Nền kinh tế hình thành một số ngành kinh tế mũi nhọn là dầu khí, dệt may, da giày, thủy hải sản, lương thực, cây công nghiệp, lắp ráp linh kiện điện tử...

Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN từng bước được hình thành. Kinh tế Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký hiệp định thương mại song phương với hơn 100 nước, trong đó có 20 hiệp định thế hệ mới.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tỉnh Hải Dương đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Sau gần 35 năm đổi mới, quy mô kinh tế năm 2019 đứng thứ 11 toàn quốc. Tăng trưởng kinh tế trong 5 năm trở lại đây luôn cao hơn bình quân chung cả nước, năm cao nhất đạt 9,1%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đứng thứ 20 toàn quốc. Thu ngân sách năm 2019 đã vượt 20.000 tỷ đồng, là 1 trong 16 tỉnh thực hiện tự cân đối thu chi và đóng góp một phần cho ngân sách Trung ương.

Đến đầu năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đã chiếm trên 91% trong cơ cấu kinh tế, tăng 36% so với năm 1996. Thu hút đầu tư nước ngoài năm 2019 đạt 790,3 triệu USD. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được xuất khẩu tới các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Các thành phần kinh tế trong tỉnh phát triển bình đẳng. Kinh tế ngoài nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trở thành động lực cho sự phát triển. Tỉnh phát triển mạnh các đô thị và phong trào xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực.

Văn hóa - xã hội phát triển

Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt, bảo đảm an sinh xã hội. Đất nước chú trọng xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện. Công tác giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo đạt được những kết quả tốt, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm từ 53% năm 1993 xuống còn dưới 4% năm 2019.

Về đối ngoại, Việt Nam đã phá thế bao vây, cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa; giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia. Chúng ta đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (năm 1991), Hoa Kỳ (năm 1995); gia nhập ASEAN (năm 1995), WTO (năm 2006); mở rộng quan hệ hợp tác với hầu hết các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Italy… Việt Nam ký Hiệp ước chiến lược và Hiệp ước toàn diện với nhiều nước trên thế giới; đồng thời tăng cường đàm phán, ký kết các hiệp ước thương mại tự do với ASEAN, EU, Mỹ…

Về quốc phòng-an ninh, thành tựu cơ bản, bao trùm là giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ củng cố an ninh, quốc phòng với chống "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ...

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theotư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang đạt được một số kết quả tích cực. Số lượng đảng viên không ngừng gia tăng. Từ Đại hội lần thứ I (năm 1935) Đảng ta có khoảng 500 đảng viên đến Đại hội lần thứ XII (năm 2016) Đảng ta có hơn 4,5 triệu đảng viên.

Tại Hải Dương, công cuộc đổi mới đã đem đến những bước tiến vượt bậc cho tỉnh trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. Cơ sở vật chất trường học được trang bị, xây dựng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và đồng bộ. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của toàn tỉnh đã đạt 85,39%. Chất lượng giáo dục liên tục giữ vững thành tích trong tốp đầu toàn quốc. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều tiến bộ. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo của Hải Dương năm 2019 còn 1,9%, giảm 5,29% so với năm 2015. An sinh xã hội được bảo đảm. Hải Dương đẩy mạnh hoạt động đối ngoại với nhiều hình thức phong phú. Chỉ riêng giai đoạn 2016- 2020, tỉnh đã mở rộng hợp tác với nhiều tỉnh như Kagoshima (Nhật Bản), Montreuil (Pháp)...

Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng trưởng thành và có thêm kinh nghiệm lãnh đạo xây dựng và bảo vệ đất nước trong hoàn cảnh mới. Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước càng khẳng định vai trò lãnh đạo xuất sắc của Đảng và minh chứng rõ ràng Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

HD(tổng hợp)