Đảng bộ tỉnh Hải Dương - 80 năm xây dựng và phát triển: Bài 2: Lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền

Tin tức - Ngày đăng : 19:05, 04/06/2020

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Hải Dương thắng lợi chiều 17.8.1945. Hải Dương là 4 tỉnh lỵ giành chính quyền thắng lợi đầu tiên trong cả nước.

>>>  Bài 1: Quá trình thành lập


Đình Đông, xã Thanh Tùng (Thanh Miện), nơi diễn ra Hội nghị tái lập Đảng bộ tỉnh tháng 4.1945

Chỉ với 5 tuổi đời và số lượng đảng viên ít ỏi, hoạt động trong điều kiện rất khó khăn, song Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền sớm trong cả nước.

Xây dựng lực lượng, chuẩn bị khởi nghĩa

Cuối năm 1940, đầu năm 1941, phong trào cách mạng ở Hải Dương gặp nhiều khó khăn do đa số cán bộ, đảng viên bị địch bắt, trong đó có cả đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hoan. Từ năm 1942-1944, phong trào cách mạng tuy đã khôi phục nhưng phát triển chưa mạnh, diễn ra lẻ tẻ và thiếu thống nhất.       

Đầu tháng 4.1945, đồng chí Trần Đức Thịnh, Xứ ủy viên Bắc Kỳ được điều động về phụ trách Hải Dương. Giữa tháng 4.1945, hội nghị cán bộ cốt cán của tỉnh được triệu tập tại thôn Đông, xã Thanh Tùng (Thanh Miện) để bàn việc tranh thủ thời cơ khởi nghĩa và nghe truyền đạt Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" của Thường vụ Trung ương Đảng.

Hội nghị tuyên bố tái lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương, chỉ định Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm 5 đồng chí: Nguyễn Văn Kha, Vũ Duy Hiệu, Nguyễn Công Hòa, Trần Cung và Hải Thanh. Đồng chí Nguyễn Văn Kha được chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy. Các đồng chí Trần Cung và Hải Thanh được giao nghiên cứu việc xây dựng căn cứ quân sự ở Chí Linh, Đông Triều nhằm thực hiện chủ trương xây dựng chiến khu vùng đông bắc của Xứ ủy Bắc Kỳ và Hội nghị quân sự Bắc Kỳ của Trung ương Đảng.

Cuối tháng 4.1945, Hội nghị cán bộ Việt Minh toàn tỉnh được triệu tập tại Hội Xuyên (thị trấn Gia Lộc) đã quyết định thành lập Ban Cán sự Việt Minh, bàn chủ trương hòa hoãn với thổ phỉ để tập trung chống Nhật.

Hội nghị tại thôn Đông và hội nghị tại Hội Xuyên có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào cách mạng Hải Dương, phong trào quy tụ về một mối, tạo thành sức mạnh tổng hợp, đưa cách mạng Hải Dương tiến lên bước mới.

Sau 2 hội nghị này, cùng với xây dựng các căn cứ cách mạng, chọn Chí Linh, Đông Triều là chiến khu chống Nhật, Tỉnh ủy còn xác định công tác hàng đầu là xây dựng tổ chức, phát triển lực lượng, động viên quần chúng đấu tranh cách mạng. Các cơ sở Việt Minh được xây dựng đến đâu thì tự vệ cứu quốc được thành lập tới đó. Các phong trào phá kho thóc của Nhật, cứu đói cho dân và phong trào chống thuế diễn ra rầm rộ khắp tỉnh. Toàn tỉnh đã phá 39 kho, cướp 45 thuyền với số thóc thu được 1.507 tấn chia cho dân nghèo. Phong trào phá kho thóc của Nhật có tác dụng mạnh mẽ đến tinh thần cách mạng, củng cố niềm tin vào cách mạng của nhân dân, là điều kiện không thể thiếu để tập hợp lực lượng tiến hành tổng khởi nghĩa sau đó.

Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 7.1945 đã diễn ra các cuộc khởi nghĩa trong tỉnh như cuộc khởi nghĩa chiếm 4 đồn ở Mạo Khê, Tràng Bạch, Đông Triều, Chí Linh; cuộc tấn công vào phủ đường ở Nam Sách...

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám

Được tin Nhật đầu hàng không điều kiện Hồng quân Liên Xô và quân Đồng minh, ngày 12.8.1945, Ủy ban Lâm thời khu giải phóng ra lệnh khởi nghĩa ở các tỉnh trong khu. Tại Hải Dương, trước tình thế khẩn trương của cách mạng, được sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, Tỉnh ủy Hải Dương triệu tập hội nghị cán bộ ở thôn Đông, xã Thanh Tùng (Thanh Miện) từ ngày 13.8.1945 để bàn về cuộc tổng khởi nghĩa. Hội nghị do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Kha chủ trì với sự tham gia của các đồng chí trong Ban Tỉnh ủy, Ban Cán sự Việt Minh và các đồng chí phụ trách Việt Minh của các huyện.

Hội nghị đánh giá tình hình chính quyền tay sai và hoạt động của Ủy ban Giải phóng dân tộc của Việt Minh; đánh giá tình thế, thời cơ cách mạng đã chín muồi, điều kiện để làm cuộc tổng khởi nghĩa đã tới. Hội nghị cũng quyết định phải tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng Mặt trận, đẩy mạnh mọi hoạt động cách mạng của quần chúng để tạo ra thời cơ thuận lợi cho cuộc tổng khởi nghĩa và đợi lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ Trung ương.

Sau khi nhận tin Nhật đã đầu hàng quân Đồng minh, hội nghị đã quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị kết thúc nhanh chóng vào ngày 15.8.1945 để cán bộ kịp về địa phương chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

Ngày 17.8.1945, huyện Cẩm Giàng khởi nghĩa, mở đầu cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Dương. Cùng ngày, tại Kim Thành, Kinh Môn, quần chúng cách mạng cũng nổi dậy giành chính quyền thắng lợi.

Tại thị xã Hải Dương (nay là TP Hải Dương), chiều 17.8.1945, lợi dụng cuộc mít tinh do chính quyền bù nhìn tổ chức để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, lực lượng của ta bố trí hai bên đường đã hòa vào dòng người trong đoàn biểu tình, số người đã bố trí trước trong đoàn biểu tình hạ cờ "quẻ ly" xuống và giương cờ đỏ sao vàng lên, hô vang khẩu hiệu "đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim", "Ủng hộ cách mạng, ủng hộ Việt Minh". Bọn tay sai của Nhật hoảng sợ không dám chống lại, cúi đầu đi trong đoàn hoặc rút lui trước khí thế cách mạng.

Đoàn biểu tình diễu hành qua các phố và dừng lại để tổ chức mít tinh tại vườn hoa Bảo Đại (nay là Quảng trường Độc Lập). Một đại biểu của Việt Minh lên diễn thuyết, nói rõ 10 chính sách cứu nước của Mặt trận Việt Minh, báo tin Nhật đầu hàng Đồng minh và kêu gọi nhân dân tham gia, ủng hộ Việt Minh giành độc lập cho dân tộc. Nhân dân nhiệt liệt ủng hộ. Làn sóng cách mạng như thác lũ lan tràn khắp thị xã.

Sau cuộc mít tinh, đoàn quân khởi nghĩa được Việt Minh tổ chức lần lượt chia nhau đi chiếm các công sở của tỉnh, đến dinh Tổng đốc, trại lính Nhật và trại Bảo an binh. Hoảng sợ trước bão táp của phong trào cách mạng, tên Tỉnh trưởng đã bỏ trốn từ trước; các viên chức còn lại trong chính quyền bù nhìn và Phó Tỉnh trưởng Trần Văn Tuyên tuyên bố đầu hàng, bàn giao hồ sơ, sổ sách cho cách mạng và xin được tham gia Ủy ban Cách mạng lâm thời.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Hải Dương thắng lợi chiều 17.8.1945, đưa Hải Dương cùng với Bắc Giang, Hà Tĩnh và Quảng Nam là 4 tỉnh lỵ giành chính quyền thắng lợi đầu tiên trong cả nước. Trong các ngày từ 18-22.8.1945, các huyện còn lại trong tỉnh đều khởi nghĩa thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân.


Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương