Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hợp lý
Kinh tế - Ngày đăng : 19:01, 24/07/2020
>> Vẫn bức xúc vì ô nhiễm môi trường
Bí thư Huyện ủy Bình Giang Nguyễn Trọng Tuệ đề nghị điều chỉnh kế hoạch đầu tư công tập trung của tỉnh, huyện, xã sang các năm tiếp theo
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Tham gia thảo luận, ông Nguyễn Trọng Tuệ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bình Giang cho rằng nhu cầu chi cho các nhiệm vụ như tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, kỷ niệm các ngày lễ lớn trong 6 tháng cuối năm rất lớn nên đề nghị tỉnh không nên tiếp tục cắt giảm chi thường xuyên đối với cấp huyện. Nên điều chỉnh kế hoạch đầu tư công tập trung của tỉnh, huyện, xã sang các năm tiếp theo, trừ các dự án cấp bách để giảm bớt khó khăn cho ngân sách…
Trao đổi về đề nghị trên, ông Nguyễn Trọng Hưng, Tỉnh ủy viên, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính đề nghị các đơn vị, địa phương cần chia sẻ với tỉnh trong bối cảnh dự báo sẽ hụt thu ngân sách và tỉnh phải tự cân đối do khó có nguồn hỗ trợ từ Trung ương. Giám đốc Sở Tài chính cũng dự báo trong 6 tháng cuối năm thu ngân sách của tỉnh sẽ hết sức khó khăn, phải rất cố gắng may ra mới hoàn thành dự toán cả năm. Bên cạnh đó, không thể trông chờ vào nguồn hỗ trợ của Trung ương vì cả nước cũng có thể sẽ hụt thu. Giải pháp được đề xuất là phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để bảo đảm phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu cho ngân sách. Ông Hưng đề nghị các huyện còn lại chưa đạt nông thôn mới cần chỉ đạo quyết liệt hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng phải bảo đảm nguyên tắc không để phát sinh nhiều nợ đọng …
Ông Phạm Văn Khảnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ninh Giang đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành phối hợp với huyện công bố quy hoạch các cụm công nghiệp đã được phê duyệt để quản lý và thu hút đầu tư. Đánh giá tốt năng lực các doanh nghiệp, nhà đầu tư để bảo đảm việc triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ. Tỉnh cũng cần sớm thống nhất triển khai công trình cầu An Khê qua sông Luộc kết nối Hải Dương-Thái Bình để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện Ninh Giang và của tỉnh.
Liên quan đến việc quản lý chặt nguồn thu, ông Lê Quang Thụ, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách nêu vấn đề, hiện quy định về đấu giá quyền sử dụng đất đang bộc lộ nhiều kẽ hở để một số đối tượng đầu cơ, trục lợi. Có cuộc nhiều người đấu giá nhiều, trả giá cao nhưng không có nhu cầu sử dụng đất thực sự, chủ yếu mua để kinh doanh. Theo quy định hiện hành sau 90 ngày trúng đấu giá mà không nộp tiền thì bị xử phạt, song thực tế rất khó thu khoản này, có khi đến 1-2 năm sau mới hủy được kết quả đấu giá. "Tỉnh nên có quy định về thời gian nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất ngắn hơn, nếu không nộp đúng hạn thì hủy kết quả đấu giá ngay, tránh tình trạng đầu cơ trục lợi".
Ông Thụ cũng kiến nghị tỉnh bổ sung nguồn hỗ trợ cho công trình đường vào Đình Đầu, xã Hợp Tiến (Nam Sách) vào kế hoạch đầu tư công của tỉnh và sớm triển khai dự án xây dựng cầu Kênh Vàng, đường tỉnh 397, tạo thuận lợi cho huyện Nam Sách kết nối với tỉnh Bắc Ninh, hướng tới mục tiêu trở thành thị xã trước năm 2030.
Ông Hoàng Quốc Thưởng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Chí Linh cho rằng Hải Dương phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2035, muốn vậy các huyện, thị xã, thành phố phải có sự phát triển đồng đều. Trong việc xây dựng cơ chế đặc thù, ông Thưởng đề nghị tỉnh xác định, đánh giá rõ thực tế 12 đơn vị hành chính trong tỉnh. Tập trung đầu tư nguồn lực cho những địa phương cần thiết, phân cấp cụ thể để tăng tính chủ động của mỗi đơn vị, gắn trách nhiệm của từng địa phương. Nhiều đại biểu của huyện Tứ Kỳ, Thanh Miện cũng tán thành với ý kiến này.
Hỗ trợ cấp xã thực hiện cải cách hành chính
Ông Phạm Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ thông tin mặc dù năm 2019, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh tăng 8 bậc, song không vì thế mà các sở, ngành, UBND các cấp chủ quan. Thực tế cho thấy, dù thứ hạng của tỉnh Hải Dương đã tăng song vẫn nằm trong nhóm trung bình của cả nước. 5 năm qua, chỉ số CCHC của tỉnh không bền vững. Những nội dung ảnh hưởng đến kết quả CCHC là: việc rà soát, lập kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế; việc công khai bộ thủ tục hành chính (TTHC) ở một số nơi còn chậm; việc giải quyết một số TTHC chưa tốt; chưa có nhiều sáng kiến CCHC; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Vì vậy, các cấp, các ngành vẫn phải tiếp tục cố gắng.
Ông Lê Quang Thụ, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách nêu vấn đề, tỉnh cần hỗ trợ cho các xã, thị trấn nguồn mua sắm trang thiết bị làm việc như bàn ghế, máy tính phục vụ CCHC. Ông Thụ phân tích, hiện cải cách TTHC vẫn là khâu quan trọng trong CCHC. Ở cấp xã, nhiều nơi đã xây dựng phòng làm việc cho bộ phận "một cửa", song lại không có kinh phí mua phương tiện, trang thiết bị làm việc. Đây là khó khăn cản trở việc cán bộ, công chức cấp xã làm việc tập trung để giải quyết TTHC tại bộ phận "một cửa".
Nhóm PV