Vẫn bức xúc vì ô nhiễm môi trường

24/07/2020 18:00

Chủ đề xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, rác thải công nghiệp, nước thải... qua nhiều kỳ họp HĐND tỉnh vẫn là vấn đề bức xúc. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu nêu trong thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh chiều 24.7.



Đại biểu Nguyễn Minh Hùng, Tỉnh ủy viên, Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu thảo luận tại tổ

Bãi rác quá tải

Đại biểu Nguyễn Khắc Toản, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lộc cho rằng xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn vẫn đang là vấn đề bức xúc. Hiện rào cản lớn nhất cho các huyện trong xây dựng nông thôn mới là vấn đề môi trường. Lượng rác thải ngày một nhiều, song các bãi rác đều trong tình trạng quá tải, không bảo đảm quy cách. "Tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn của tỉnh. Trong trường hợp không xây dựng được nhà máy cấp tỉnh, có thể xây dựng với quy mô nhỏ hơn", ông Toản đề nghị.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Hùng, Tỉnh ủy viên, Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết vấn đề môi trường qua nhiều kỳ họp vẫn là điểm nóng, là thách thức của tỉnh. Nguyên nhân chính là do ý thức chủ quan của người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó, tỉnh chưa có biện pháp căn cơ, đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải. Vấn đề cần quan tâm là, dù có nhiều nhà đầu tư song vẫn chưa triển khai được việc xây dựng nhà máy, cần tìm giải pháp phù hợp hơn.  "Chúng ta không thể mở rộng các bãi chôn rác, vì không đủ quỹ đất, lại tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, lây lan dịch bệnh. Vì vậy, cần có khảo sát, giám sát chuyên đề về vấn đề này để đưa ra giải pháp thích hợp'', ông Hùng nói.

Theo đại biểu Hùng, rác thải công nghiệp, nước thải, khí thải cũng là vấn đề cần quan tâm của các doanh nghiệp. Nếu không bảo đảm nguồn nước, thì nguy cơ thu hút đầu tư giảm, đời sống bị ảnh hưởng và sản phẩm không tiêu thụ được sẽ xảy ra.

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Chí Linh nêu hiện nay rác thải nông thôn mới dừng lại ở việc chôn lấp, chưa được xử lý. Nhiều điểm ô nhiễm môi trường khiến nhân dân bức xúc. Tại các khu, cụm công nghiệp việc hoàn thiện giám sát, kiểm tra về môi trường cần làm tốt hơn, xử lý nghiêm minh hơn. Tới đây khi quy hoạch đề nghị xác định rõ vị trí, quy mô xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao. 

Phán ánh tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu liên hiệp xử lý rác thải xã Việt Hồng (Thanh Hà), đại biểu Ngô Thị Thu (Kim Thành) đề nghị cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm môi trường tại đây, nhất là việc lắp đặt, đưa hệ thống quan trắc môi trường tự động vào hoạt động.

Xử lý kiên quyết hoạt động cho vay nặng lãi

Cùng với vấn đề môi trường, nhiều đại biểu đề nghị cần quan tâm vấn đề bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông.

Theo đại biểu Đoàn Quang Định, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, thời gian qua, Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung đã đấu tranh quyết liệt tội phạm buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Lực lượng chức năng đã phá được nhiều vụ án ma túy lớn. Tuy nhiên việc sử dụng các chất ma túy tại các thôn, khu dân cư còn tiểm ẩn, còn nhiều đối tượng sử dụng chất ma túy, tập trung ở nhà nghỉ, quán karaoke. Thời gian qua, tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê dẫn đến các vụ gây rối trật tự công cộng, thanh toán lẫn nhau vẫn diễn ra. Đại biểu đề nghị cơ quan chức năng cần xử lý kiên quyết hơn nữa hoạt động cho vay nặng lãi, bảo đảm an ninh trật tự.

Đại biểu Ngô Thị Thu (Kim Thành) đề nghị tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên quốc lộ 17B và quốc lộ 5. Lưu lượng xe trên tuyến đường 17B rất lớn trong khi mặt đường chưa được mở rộng, còn có chêch lệch độ cao giữa lòng đường và mặt đường nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Mặc dù đã cấm xe 4 trục lưu thông nhưng vẫn có nhiều xe vẫn đi qua. Cần kiểm tra, rà soát việc cấp phép xe lưu thông vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp ở trên tuyến đường. Cần sớm đầu tư đường gom đường sắt Hà Nội-Hải Phòng và bảo đảm an toàn tại các tuyến đường ngang, lối sang đường quốc lộ 5.

Nhóm PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn bức xúc vì ô nhiễm môi trường