Vì sao chưa thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý?

Tin tức - Ngày đăng : 07:00, 07/10/2020

Tuy có nhiều ưu điểm nhưng đến nay, toàn tỉnh chưa có cơ quan, đơn vị, địa phương nào tổ chức thi tuyển cạnh tranh cán bộ lãnh đạo, quản lý.


Thi tuyển cạnh tranh cán bộ lãnh đạo, quản lý là phương thức mới nhằm nâng cao chất lượng thực thi công vụ, phục vụ nhân dân. Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Cho đến nay toàn tỉnh chưa có cán bộ lãnh đạo, quản lý nào được tuyển chọn qua hình thức thi cạnh tranh. Đề án thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ quản lý ở các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đang được Ban Thường vụ Thành ủy Hải Dương triển khai hy vọng sẽ góp phần gỡ bỏ những rào cản. 

Chưa quyết tâm

Việc chưa có cơ quan, đơn vị, địa phương nào tổ chức thi tuyển cạnh tranh cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng chính là một trong những hạn chế trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020. Trước đó, từ năm 2014, tỉnh dự định sẽ thí điểm thi tuyển chức danh giám đốc, phó giám đốc sở, nhưng vì nhiều lý do, việc thí điểm chưa được tiến hành.

Nguyên nhân do chưa có yêu cầu, quy định bắt buộc về tổ chức các kỳ thi cạnh tranh, Hải Dương cũng chưa nằm trong diện các tỉnh, thành phố thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” của Bộ Nội vụ. Ngoài ra, theo nhiều cán bộ chuyên môn của các ngành tổ chức, nội vụ, đây là việc khó, phức tạp, đòi hỏi quyết tâm đổi mới, thậm chí có thể thay đổi cả về quy trình công tác cán bộ của nhiều cơ quan, đơn vị. Ông Đoàn Quang Định, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho rằng khi Luật Cán bộ, công chức chưa có quy định bắt buộc về nội dung này, trung ương cũng chỉ khuyến khích các địa phương không thuộc diện thí điểm thực hiện thì việc tổ chức thi tuyển cạnh tranh phụ thuộc chính vào quyết tâm, ý chí của người đứng đầu. Vì tính chất phức tạp nên hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đều chọn phương án truyền thống khi bổ nhiệm cán bộ, chưa dám mạnh dạn đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ.

Nguyên hiệu trưởng một trường THPT trong tỉnh cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay và chưa được giải quyết hài hòa khi tổ chức thi tuyển cạnh tranh là mối liên quan đến công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Người thi tuyển ngại nhất là nếu không trúng tuyển thì sẽ bị “mất điểm” ở cơ quan, đơn vị, ảnh hưởng đến vị trí đã được quy hoạch. 

Mặt khác, kèm theo thi tuyển cạnh tranh sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến sắp xếp cán bộ trong các trường hợp người ngoài quy hoạch trúng tuyển, hoặc những cá nhân được quy hoạch cấp ủy hoặc đang là cấp ủy nhưng không trúng tuyển… 


Trường Tiểu học Tô Hiệu là 1 trong 4 trường học đầu tiên của TP Hải Dương thực hiện thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý

Cần quyết tâm cao

So sánh với việc thi tuyển cạnh tranh để tuyển chọn người quản lý ở các đơn vị ngoài khu vực nhà nước và kết quả sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” vừa qua, ông Định khẳng định sự ưu việt của phương thức tuyển chọn cán bộ qua cạnh tranh. Cả nước có 17 trong tổng số 22 địa phương thuộc diện thí điểm thực hiện đề án đã tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng, tuyển được 368 người. Ông Định cho rằng từ thí điểm, trung ương sẽ có những điều chỉnh, hướng dẫn phù hợp để gỡ bỏ những khó khăn trên, tạo điều kiện nhân rộng trong cả nước. 

Là địa phương đầu tiên trong tỉnh triển khai thí điểm việc đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Thành ủy Hải Dương đang chứng minh quyết tâm cao, tiên phong thay đổi phương thức tuyển chọn cán bộ. Theo kế hoạch, kỳ thi tuyển cạnh tranh đầu tiên này của thành phố sẽ được tổ chức vào ngày 17.10 để tuyển 4 chức danh gồm: 2 hiệu trưởng, 2 phó hiệu trưởng. Dù có nhiều khó khăn nhưng thành phố sẽ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện phương thức tuyển chọn cán bộ mới. 

Thi tuyển các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý là một phương thức mới trong bổ nhiệm cán bộ hiện nay nhằm tạo sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch trong quá trình lựa chọn, tìm kiếm người giỏi. Dù khó nhưng không phải là không thể thực hiện nếu cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đủ quyết tâm. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được tỉnh xác định trong phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030. 

PV 

Xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể 

Để tổ chức thi tuyển cạnh tranh cần xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trước mắt có thể giới hạn phạm vi tuyển dụng theo đơn vị hành chính nhưng sau đó cần nghiên cứu mở rộng hơn phạm vi để thu hút được nhiều đối tượng tham gia, qua đó lựa chọn được người tốt nhất trong số người tham gia.

Mặt khác, cần quán triệt và tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đã và đang được quy hoạch giữ chức vụ lãnh đạo để động viên họ tham gia dự tuyển.

Thường xuyên rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch những người không còn đủ điều kiện hoặc không có nguyện vọng, nhu cầu phát triển, bổ sung quy hoạch nhân tố mới, cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, có triển vọng.

NGUYỄN VIỆT DŨNG
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hải Dương


Minh bạch và công khai

Qua theo dõi thí điểm tổ chức thi chọn lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại TP Hải Dương, tôi thấy các thông tin về kế hoạch kỳ thi, việc kéo dài thời gian nhận hồ sơ dự thi… được đăng tải công khai, kịp thời, chi tiết, nhiều lần trên các phương tiện thông tin, mạng xã hội. Đây cũng là cách làm khoa học, minh bạch để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thu hút được người giỏi.

Trong khi thông tin tuyển dụng, thi tuyển của các doanh nghiệp, nhất là khối ngoài khu vực nhà nước thường rất đa dạng, đầy đủ, chi tiết thì các thông tin về đề án vị trí việc làm, thực trạng cán bộ, công chức, viên chức, nhu cầu tuyển dụng… của các cơ quan nhà nước lại rất hiếm. Trong thời đại bùng nổ thông tin, các cơ quan nhà nước cần tham khảo cách làm của các doanh nghiệp để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút người giỏi vào làm việc.

NGUYỄN VĂN QUÂN

 Cán bộ quân đội nghỉ hưu, thị trấn Ninh Giang

Thí điểm làm căn cứ để nhân rộng

Từ việc thí điểm chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành thông qua thi tuyển của Trung ương đã cho thấy đây là chủ trương đúng đắn, cần tiếp tục được thực hiện, nhân rộng. 

Tại tỉnh ta, với sự mạnh dạn đổi mới của TP Hải Dương, tôi tin rằng sẽ có cơ sở để đúc rút kinh nghiệm và chuẩn bị những điều kiện cần thiết thực hiện ở các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị khác. Trong điều kiện chưa thể tổ chức rộng rãi thì nên quy định thống nhất về tỷ lệ tối thiểu số vị trí lãnh đạo, quản lý khi bổ nhiệm phải thực hiện thông qua thi tuyển. Có thể làm dần từ những vị trí dễ như cách của TP Hải Dương đang chọn đến những vị trí khó hơn, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để tuyển chọn được người thực sự có tâm, có tài. 

TRỊNH VĂN TUẤN 

Khu dân cư số 8, phường Hải Tân, TP Hải Dương

Tạo điều kiện cho người trẻ

Tôi nghĩ thi tuyển cạnh tranh để tìm người giỏi trong các cơ quan nhà nước cần trở thành việc làm thường xuyên tương tự như tuyển dụng ở các đơn vị ngoài nhà nước. Nên khảo sát, đánh giá lại định kỳ như cách của nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước đang làm. Căn cứ từ kết quả đánh giá đó để sử dụng cán bộ phù hợp hoặc đưa ra khỏi bộ máy những người không có năng lực, thiếu chí tiến thủ, làm việc không hiệu quả.

Chỉ có thông qua cạnh tranh lành mạnh, thi tuyển công khai, người trẻ mới có cơ hội để được bộc lộ kiến thức, khả năng của bản thân mà không bị cản trở bởi những yếu tố như quá trình công tác, chủ nghĩa kinh nghiệm…

NGUYỄN THU HUỆ

Sinh viên Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương