Ứng cử viên cần làm gì để thu hút cử tri?: Bài cuối: Kỹ năng tiếp xúc với báo chí

Tin tức - Ngày đăng : 13:54, 22/04/2021

Có một số ứng cử viên đã quen tiếp xúc với truyền thông, nhưng đa số ứng cử viên chưa hoặc ít tiếp xúc, vì thế cần rèn luyện kỹ năng để vận động bầu cử thông qua hình thức này.

>>>Bài 2: Xây dựng hình ảnh trước công chúng

>>> Bài 1: Hiểu và thực hiện đúng các quy định pháp luật về vận động bầu cử


Ứng cử viên có kỹ năng tốt khi tiếp xúc với báo chí luôn giành lợi thế. Trong ảnh: Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đại biểu Quốc hội khóa XIV trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí

rong vận động bầu cử, báo chí rất quan tâm đến các ứng cử viên (ƯCV) với thiện ý tốt là giới thiệu hình ảnh của ƯCV trước công chúng/cử tri. Đây là hoạt động bình thường mà các cơ quan báo chí tiến hành và các ƯCV cần tận dụng. Vậy làm thế nào để có kỹ năng tốt khi tiếp xúc với báo chí? Sau đây là một số kinh nghiệm tiếp xúc với các phóng viên, cơ quan thông tin đại chúng:

Tiếp xúc với cơ quan, phóng viên báo viết

Hình thức tiếp xúc này tương đối dễ, không đòi hỏi kỹ năng quá cao, nhưng lại đòi hỏi trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tế sâu sắc. Thường có hai dạng: ƯCV có thể viết bài để đăng hoặc trả lời phỏng vấn. Trong trả lời phỏng vấn, có thể phóng viên đặt vấn đề, nội dung và đưa câu hỏi trước, ƯCV chuẩn bị, gửi bài trả lời sau hoặc trả lời phỏng vấn trực tiếp, phóng viên ghi lại. Nhìn chung có các bước chuẩn bị theo trình tự như sau:

Trường hợp viết bài có thời gian chuẩn bị trước: ƯCV xem xét, nghiên cứu, làm rõ các vấn đề, nội dung được yêu cầu viết bài hoặc nội dung yêu cầu trả lời phỏng vấn, sau đó chủ động viết sửa đổi, bổ sung các vấn đề, nội dung do báo, tạp chí đặt ra cho phù hợp; trao đổi, thống nhất lại vấn đề, nội dung yêu cầu. Nếu nội dung vấn đề phóng viên yêu cầu trả lời hoặc đặt viết bài không thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình hoặc kinh nghiệm còn chưa nhiều thì nên khéo từ chối hoặc chủ động đề nghị thay đổi nội dung cho phù hợp khả năng của mình. Thông thường, nội dung mà cơ quan, phóng viên đề nghị đều xoay quanh nội dung chương trình hành động mà ƯCV đã chuẩn bị, nhưng phải chuyển từ nội dung chương trình hành động thành dạng bài báo, hoặc dạng trả lời phỏng vấn của báo theo các câu hỏi do phóng viên đưa ra.

Cũng có thể phóng viên yêu cầu ƯCV viết hoặc trả lời sâu về một vấn đề nào đó trong những vấn đề đã nêu trong chương trình hành động; khi đó cần đầu tư thời gian và tư duy sâu hơn. Khi viết nên có đề cương với bố cục và các nội dung chính; không cầu toàn khi viết lần đầu, cứ viết theo mạch suy nghĩ của mình, sau đó đọc lại, sửa đổi, bổ sung một vài lần cho thanh thoát, đủ ý. Chú ý ngôn ngữ, hành văn cho mạch lạc, dễ hiểu và hiểu đúng; tránh viết trùng lặp, sai lỗi chính tả, sử dụng từ ngữ địa phương.

Trường hợp không được cơ quan, phóng viên đề nghị, ƯCV có thể chủ động lựa chọn vấn đề viết bài gửi cho báo, tạp chí cũng rất tốt, qua đó nêu được nhận thức của mình, kinh nghiệm thực tế trải nghiệm tại địa bàn nơi mình ứng cử.

Trường hợp phỏng vấn mà phóng viên báo, tạp chí đặt trước các câu hỏi: Trả lời theo câu hỏi khác với viết thành bài, sau khi lựa chọn, làm rõ nội dung các câu hỏi, ƯCV viết trả lời thẳng vào nội dung từng câu hỏi, ngắn gọn, rõ, đủ nội dung. Trước khi gửi bài, cần đọc lại bài viết một vài lần để chỉnh sửa cho phù hợp.

Trường hợp phóng viên phỏng vấn trực tiếp: Họ tự ghi rồi biên tập lại. Cần lắng nghe, trao đổi ý kiến làm rõ nội dung câu hỏi, sau đó chậm rãi trả lời theo suy nghĩ của mình. Trình bày dài hay ngắn tùy thuộc khả năng của từng ƯCV nhưng phải làm rõ, đúng nội dung theo từng vấn đề câu hỏi đặt ra. Hình thức này là ý của ƯCV nhưng do phóng viên viết, cho nên cần đề nghị trước khi in bài, phóng viên cho xem lại, nếu chưa đúng suy nghĩ của mình, cần đề nghị phóng viên chỉnh sửa lại.

Tiếp xúc với phóng viên phát thanh, truyền hình   

Đây là công việc khó, phức tạp đối với không ít ƯCV, nhất là đối với các ƯCV lần đầu tiên tiếp xúc với các phương tiện thông tin này. Thậm chí có ƯCV có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn sâu, rộng, có kinh nghiệm thực tiễn từ công tác và cuộc sống, có nhiều bài viết, trả lời phỏng vấn rất hay cho báo, tạp chí, nhưng khi trả lời trực tiếp phát thanh, truyền hình lại mất đi sự tự tin, ảnh hưởng đến chất lượng trả lời phỏng vấn bởi nhiều tác động của ngoại cảnh. Để có kỹ năng tốt, yếu tố quan trọng đầu tiên là phải tự tin, không để ngoại cảnh chi phối, chỉ trình bày, trả lời những vấn đề đã trở thành kiến thức, kinh nghiệm của mình, không vay mượn, không bắt chước. Ứng với mỗi hình thức tiếp xúc cần có những kỹ năng riêng.

Thứ nhất, trình bày chương trình hành động qua đài phát thanh, truyền hình: Đây là hình thức vận động bầu cử rộng rãi nhất và gần như ƯCV nào cũng tham gia. Để làm tốt hoạt động này: từ chương trình hành động của ƯCV đã chuẩn bị, được tổng hợp chuyển thành bài phát biểu, trình bày tại đài phát thanh, truyền hình (không phải đọc nguyên văn). Bài trình bày phải ngắn gọn, súc tích, lựa chọn có trọng tâm vấn đề cần nêu. Đọc lại nhiều lần trước khi trình bày để nhớ những nội dung cốt lõi, cơ bản. Thời gian trình bày không nên quá dài (khoảng 5 - 7 phút). Khi trình bày: phát âm rõ, truyền cảm, âm lượng, tốc độ vừa phải. Trước ống kính truyền hình bình tĩnh trình bày, thỉnh thoảng ngẩng lên nhìn thẳng vào ống kính, có thể nhìn vào đề cương chuẩn bị, nhưng không quá chăm chú, cắm cúi đọc.   

Thứ hai, trả lời phỏng vấn có đặt trước câu hỏi: Đối với các vấn đề, nội dung được phóng viên đặt trước các câu hỏi, ƯCV có thời gian chuẩn bị trước để trả lời. Ban đầu chưa quen, có thể chuẩn bị bài viết, sau đó đọc lại một vài lần (đọc thành tiếng) và bổ sung, chỉnh sửa. Khi công việc đã quen, thành thục thì không cần chuẩn bị kỹ thành bài viết mà chỉ gạch đầu dòng (đề cương) các nội dung chính cần diễn đạt. Cần đi thẳng vào nội dung câu hỏi để trả lời, sử dụng kiến thức nghiệp vụ, chuyên môn, hiểu biết và kinh nghiệm của mình hoặc tham khảo thêm ý kiến của đồng nghiệp, bạn bè... Sau đó xem xét lại nội dung cần trả lời, bổ sung, chỉnh sửa. Khi trả lời đài phát thanh, truyền hình nên sử dụng văn nói ngắn gọn, rõ ràng, súc tích, cung cấp những thông tin quan trọng nhất nêu các quan điểm, nhận thức của mình.

Thứ ba, trả lời phỏng vấn trực tiếp: Câu hỏi chỉ nêu trước ít phút. Đây là hình thức có yêu cầu khá cao, có thể phỏng vấn ngay tại nơi tổ chức tiếp xúc cử tri. ƯCV vẫn có thể thực hiện, nhưng cần thục hiện các bước cơ bản sau: Trước tiên, yêu cầu phóng viên nêu rõ chủ đề, nội dung cần trả lời, để ƯCV tư duy ít phút rồi mới thực hiện trả lời phỏng vấn. Không nên chưa biết rõ chủ đề, nội dung mà đã nhận trả lời ngay. Tiếp đến, khi phóng viên nêu câu hỏi phải chú ý lắng nghe, hiểu chính xác, đầy đủ nội dung, định hình (trong đầu) một đề cương trả lời; bình tĩnh trả lời một cách từ tốn, ngắn gọn, rõ lời, rõ tiếng, tập trung vào nội dung chính, không vòng vo, dài dòng.

Khi trả lời phỏng vấn để lên sóng truyền hình cần chú ý hình thức, diện mạo bên ngoài, tạo sự tự tin, gây ấn tượng tốt cho khán giả/cử tri. Trong phần chuẩn bị bài trả lời cũng cần đặt ra một số tình huống, câu hỏi mà phóng viên, biên tập viên có thể hỏi bổ sung do phát triển các vấn đề, nội dung đang trao đổi trực tiếp.

LƯƠNG ANH TẾ