Hội thảo khoa học "Đồng chí Lê Thanh Nghị với cách mạng Việt Nam và quê hương Hải Dương"

Tin tức - Ngày đăng : 13:13, 24/04/2021

Hội thảo là dịp tri ân những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Thanh Nghị vào sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.


Các đại biểu dự hội thảo khoa học "Đồng chí Lê Thanh Nghị với cách mạng Việt Nam và quê hương Hải Dương"

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Thanh Nghị (6.3.1911-6.3.2021), sáng 24.4, tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức hội thảo khoa học cấp bộ với chủ đề: "Đồng chí Lê Thanh Nghị với cách mạng Việt Nam và quê hương Hải Dương".

Các đồng chí: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đồng chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo có đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị; các đồng chí lão thành cách mạng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Quân khu 3, các Tỉnh ủy, Thành ủy: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương nơi đồng chí Lê Thanh Nghị đã công tác, nhiều nhà khoa học và đại diện gia đình, dòng họ đồng chí Lê Thanh Nghị.

Về phía tỉnh có các đồng chí: Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, một số đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành tới dự.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã nêu bật ý nghĩa, mục đích của hội thảo, là dịp để tiếp tục nghiên cứu sâu thêm về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang và những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Thanh Nghị đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Cố Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị (1911-1989) tên thật là Nguyễn Khắc Xứng, quê ở thôn Thượng Cốc, xã Gia Khánh (Gia Lộc). Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1928 và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930. Sinh thời, đồng chí giữ nhiều trọng trách của Đảng, Nhà nước. Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa II, III, IV, V; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa III, IV; đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa II đến khóa VII… Trên các cương vị công tác, đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc tận tụy, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí là một chiến sĩ cộng sản tiêu biểu, nhà lãnh đạo tài năng, tấm gương đạo đức mẫu mực, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.


​Đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị tham luận tại hội thảo

Trong hội thảo này, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị tập trung thảo luận và làm rõ một số vấn đề chủ yếu về đồng chí Lê Thanh Nghị - nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu của Đảng có nhiều đóng góp to lớn đối với phong trào cách mạng Bắc Kỳ; nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, Nhà nước Việt Nam; tấm gương cao đẹp của người cộng sản, người học trò gương mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và người con ưu tú của quê hương Hải Dương (xem báo cáo đề dẫn hội thảo tại đây).

Phát biểu chào mừng tại hội thảo, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và trân trọng những đóng góp to lớn của những người con ưu tú của quê hương Hải Dương, trong đó có các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Thanh Nghị - những lãnh đạo tiền bối cách mạng tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Tấm gương của các đồng chí đã trở thành niềm tự hào to lớn, là động lực tinh thần cổ vũ các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân Hải Dương trong quá trình xây dựng và phát triển.

Cuộc đời hoạt động cách mạng đầy khó khăn, cam go, gian khổ của đồng chí Lê Thanh Nghị gắn liền với những chặng đường cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Thông qua tự học tập, rèn luyện và trải qua những hoạt động thực tiễn từ phong trào công nhân, đồng chí đã từ một người thanh niên yêu nước, sớm tiếp thu và đi theo con đường cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở thành lớp đảng viên đầu tiên của Đảng ta. Gần 60 năm hoạt động cách mạng, với 11 năm bị tù đày ở các nhà tù Côn Đảo và Sơn La – nơi được coi là địa ngục trần gian, song đồng chí luôn giữ vững khí chất của người cộng sản kiên trung, lạc quan, tin tưởng vào Đảng và tiền đồ của dân tộc. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó nhiều trọng trách quan trọng. Dù ở cương vị nào, trong hoàn cảnh nào, đồng chí luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ xúc động vì hội thảo khoa học hôm nay là một trong những chuỗi hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Lê Thanh Nghị và là dịp để cán bộ, đảng viên, nhân dân toàn tỉnh hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí với cách mạng, với Đảng và dân tộc ta. Đây sẽ là những dữ liệu hết sức quý báu của Đảng, là tài liệu quan trọng để các đơn vị, địa phương, nhất là những nơi đồng chí Lê Thanh Nghị đã từng hoạt động, công tác giáo dục cho các thế hệ; khơi dậy và nêu cao lòng tự hào dân tộc, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, truyền thống yêu nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ hội nhập và phát triển (xem toàn văn bài phát biểu tại đây).

10 ý kiến tham luận tại hội thảo của các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo quản lý và đại diện gia đình, quê hương của đồng chí Lê Thanh Nghị đã tập trung làm rõ hơn về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của đồng chí trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng.


Đồng chí Lê Văn Châu, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham luận

Tham luận về "Đồng chí Lê Thanh Nghị - nhà lãnh đạo tiền bối, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh", đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị ôn lại: "Là lớp cán bộ hậu sinh, song tôi sớm hiểu được cuộc đời hoạt động của đồng chí Lê Thanh Nghị. Tôi cũng như nhiều người dân Hải Dương không ai không tự hào về những lãnh đạo tiền bối của quê hương như đồng chí Lê Thanh Nghị và Quyền Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng". Nêu bật những đóng góp to lớn, quan trọng của đồng chí Lê Thanh Nghị từ những ngày đầu thành lập Đảng, đã từng trực tiếp sống, làm việc trong giai cấp công nhân ở Ninh Giang, Hòn Gai, trải qua nhiều nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Bác Hồ giao, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng chí là nhà lãnh đạo tiền bối, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là người mẫu mực, được nhân dân ca ngợi. "Tôi nguyện suốt đời noi theo tấm gương sáng ngời của đồng chí Lê Thanh Nghị", đồng chí Phạm Thế Duyệt xúc động khẳng định.

Đồng chí Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo TỈnh ủy tham luận về “Đồng chí Lê Thanh Nghị - Người gây dựng lại phong trào cách mạng Hải Dương, thời kỳ 1937-1940”. Ôn lại những năm đồng chí Lê Thanh Nghị - người gây dựng lại phong trào cách mạng và thành lập các tổ chức Đảng tiền thân của Đảng bộ tỉnh Hải Dương trong những năm từ 1937 - 1940, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định: “Đối với Hải Dương, không có gì là quá khi nói chính đồng chí Lê Thanh Nghị là người gây dựng lại phong trào cách mạng Hải Dương sau thời kỳ đen tối. Dưới vị trí là người cán bộ đảng viên làm công tác chuyên môn, tìm hiểu về lịch sử Đảng và lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương, tôi thấy nhận định này là phù hợp, được thể hiện cụ thể trong diễn tiến lịch sử cách mạng của tỉnh Hải Dương”.

Đồng chí Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Công thương tham luận “Đồng chí Lê Thanh Nghị trên cương vị Bộ trưởng Công nghiệp (1955-1960)”. Tham luận đã khẳng định và làm rõ thêm bằng nhiều tài liệu minh chứng thời kỳ trên cương vị Bộ trưởng Công nghiệp, đồng chí Lê Thanh Nghị đã lãnh đạo, chỉ đạo ngành thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp bách và đạt được các thành tựu quan trọng trong khôi phục và phát triển sản xuất ngành công nghiệp, tạo niềm tin vững chắc cho nhân dân cả nước về sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. “Tất cả các thành tựu nổi bật trong giai đoạn đó đều có dấu ấn quan trọng của đồng chí Lê Thanh Nghị”, Thứ trưởng Công thương khẳng định.

Tham luận về “Hoạt động và đóng góp của đồng chí Lê Thanh Nghị trên cương vị Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến khu III (1946-1948)”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Hải, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam một lần nữa khẳng định: “Nhờ vận dụng chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Thanh Nghị, Khu ủy và Ủy ban kháng chiến khu 3 đã kịp thời có những biện pháp đánh Pháp hiệu quả… Trên cương vị Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến khu III, đồng chí đã nghiên cứu, tìm hiểu tình hình địa phương, đi sâu, đi sát lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, tạo điều kiện vật chất, xã hội cho cuộc kháng chiến trường kỳ, cuộc chiến tranh nhân dân.


 Các đại biểu dự hội thảo tham quan triển lãm ảnh về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động của đồng chí Lê Thanh Nghị

Đồng chí Lê Văn Châu, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham luận về “Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị và huyền thoại con đường tiền tệ trong kháng chiến chống Mỹ” trong sự nghiệp vĩ đại xả thân để giải phóng, thống nhất đất nước. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham luận nhấn mạnh cống hiến rất lớn của đồng chí Lê Thanh Nghị trong việc khảo nghiệm thực tiễn, ký ban hành Chỉ thị số 100 –CT/TW của Ban Bí thư ngày 13.1.1981 về cải tiến công tác khoán mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong HTX nông nghiệp…

Đại diện gia đình, con trai trưởng của đồng chí Lê Thanh Nghị, ông Lê Thành Công trân trọng bày tỏ lòng cảm ơn Đảng, Nhà nước đã tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của cha mình, xúc động hồi tưởng lại những ký ức của cha với gia đình, quê hương.

45 tham luận gửi về hội thảo là những nghiên cứu chuyên sâu, có giá trị lớn về lý luận và thực tiễn về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Thanh Nghị đã được tổng hợp trong kỷ yếu của hội thảo.

Phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, hội thảo là dịp tri ân những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Thanh Nghị vào sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Đây cũng là dịp để tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tấm gương những chiến sĩ cộng sản tiền bối, những học trò xuất sắc của Người, là dịp giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang cho các tầng lớp nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ hôm nay.

PV