Tin tức

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương lĩnh án 6 năm tù

T.H (theo VTC News) 21/01/2025 20:55

Viện kiểm sát xác định, Lê Tiến Phương là người giữ vai trò chính trong vụ án, bị cáo bị tuyên phạt mức án 6 năm tù.

cuu-chu-tich-binh-thuan.png
Bị cáo Lê Tiến Phương tại toà

Chiều 21/1, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án đối với bị cáo Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cùng 16 đồng phạm trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Vụ án trên xảy ra tại Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. 17 bị cáo trong vụ án này cùng bị truy tố và đưa ra xét xử về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, 6 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cùng tội danh trên, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Hồ Lâm, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, 5 năm tù; tổng hợp với hình phạt 5 năm tù tại bản án trước đó của Tòa án nhân dân TP Hà Nội, buộc bị cáo Lâm phải chấp hành hình phạt chung của 2 bản án.

Bị cáo Nguyễn Văn Phong, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, bị tuyên 4 năm tù; bị cáo Lê Nguyễn Thanh Danh, cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình thuận, nhận 2 năm tù.

Bị cáo Xà Dương Thắng, cựu Giám đốc Sở Xây dựng, cựu Bí thư Huyện ủy Bắc Bình, nhận mức án 4 năm tù.

12 bị cáo còn lại từng công tác tại các sở, ban, ngành của tỉnh Bình Thuận bị Hội đồng xét xử tuyên phạt từ 20 tháng tù treo đến 2 năm tù.

Trước đó, quá trình diễn ra phiên xét xử, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi vi phạm như cáo trạng nêu và đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, cho các bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Nhận định của Hội đồng xét xử cho rằng, hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 308 tỷ đồng. Các bị cáo là lãnh đạo, chuyên viên, thành viên hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Bình Thuận, được giao trách nhiệm thẩm định giá tài sản nhà nước phải đảm bảo quản lý sử dụng tài sản Nhà nước hiệu quả.

Tuy nhiên, các bị cáo ở sở, ban, ngành đơn vị liên quan và các bị cáo ở Công ty thẩm định giá SVIC không tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Sau khi nhận được kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các bị cáo đều biết rõ các chỉ đạo như yêu cầu hài hòa lợi ích, tính toán tỉ lệ đất được bán… Các bị cáo ở cơ quan nhà nước có yêu cầu đơn vị tư vấn rà soát lại, nhưng khi đơn vị tư vấn không thực hiện mà vẫn giữ nguyên kết quả định giá đất trước đó thì các bị cáo ở các khâu khác nhau đều đồng thuận phương án giá do đơn vị tư vấn đưa ra.

Từ đó, ông Lê Tiến Phương ký ban hành giá đất trái quy định pháp luật, trái chỉ đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Theo Hội đồng xét xử, cựu Chủ tịch Bình Thuận có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Một số bị cáo có sức khỏe yếu được xem xét giảm nhẹ tội. Khi lượng hình, Hội đồng xét xử cũng cân nhắc đến hoàn cảnh phạm tội của các bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự, Tòa án xác định các bị cáo gây thiệt hại 308 tỷ đồng. Quá trình điều tra Công ty Rạng Đông và các bị cáo đã nộp số tiền trên. UBND tỉnh Bình Thuận có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại và đơn xin nhận số tiền trên. Do đó, Hội đồng xét xử quyết định trả cho UBND tỉnh Bình Thuận số tiền 308 tỷ đồng. UBND tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm quản lý và sử dụng đúng quy định pháp luật. Công ty Rạng Đông được tiếp tục thực hiện dự án.

T.H (theo VTC News)