Tin tức

Tổng thống Trump ký loạt sắc lệnh rút Mỹ khỏi WHO, Hiệp định Khí hậu Paris

VN (tổng hợp) 21/01/2025 09:23

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký loạt sắc lệnh liên quan đến thương mại, kinh tế, đối ngoại, y tế, khí hậu... tại Phòng Bầu dục ngay sau khi nhậm chức.

trump-1-1737424964-1737425011-5474-17374
Tổng thống Trump giơ một sắc lệnh sau khi ký hôm 20/1. Ảnh: AFP

Ông Trump ký tổng cộng khoảng 200 văn kiện

CBS News thống kê Tổng thống Trump đã ký khoảng 200 văn kiện gồm sắc lệnh hành pháp, bản ghi nhớ và tuyên bố tổng thống ngay trong ngày đầu nắm quyền. Ông cũng hủy bỏ nhiều sắc lệnh được ban hành dưới thời chính quyền Biden.

Đổi tên địa danh

Ông Trump ký sắc lệnh đổi tên một số địa danh ở Mỹ.

Theo đó, núi Denali ở bang Alaska, ngọn núi cao nhất khu vực Bắc Mỹ, được đổi tên thành McKinley, theo tên cố Tổng thống William McKinley bị ám sát năm 1901.

Sắc lệnh cũng đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ, bất chấp sự phản đối từ quốc gia láng giềng. Tất cả bản đồ và tài liệu của Chính phủ Mỹ sẽ phải sử dụng các tên gọi mới này. Nhà Trắng cho rằng đổi tên nhằm "tôn vinh sự vĩ đại của nước Mỹ".

Ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng

Tổng thống Trump ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng nhằm đẩy nhanh cấp phép và mở rộng đáng kể hoạt động khoan dầu, rút lại các biện pháp bảo vệ môi trường. Ông cũng phê duyệt những sắc lệnh nhằm thúc đẩy phát triển dầu khí ở Alaska, đảo ngược nỗ lực của chính quyền Biden nhằm bảo vệ vùng đất Bắc Cực rộng lớn và vùng ven biển của Mỹ khỏi hoạt động khoan dầu, đồng thời đình chỉ hoạt động bán và cho thuê điện gió ngoài khơi.

Ông Trump hy vọng các sắc lệnh sẽ giúp giảm giá năng lượng tiêu dùng và cải thiện an ninh quốc gia, bằng cách mở rộng nguồn cung trong nước và hỗ trợ các đồng minh.

"Mỹ sẽ một lần nữa trở thành quốc gia sản xuất và chúng ta có thứ mà không quốc gia sản xuất nào khác có được, đó là lượng dầu và khí đốt lớn nhất trên Trái Đất. Chúng ta sẽ sử dụng chúng", ông Trump nói trong phát biểu nhậm chức trước đó.

Rút Mỹ khỏi Hiệp định Khí hậu Paris

Tổng thống Trump một lần nữa rút Mỹ, quốc gia phát thải lớn thứ hai thế giới, khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Động thái này đưa Mỹ vào nhóm 4 nước trên thế giới không tham gia hiệp định được ký kết năm 2015, bên cạnh Iran, Libya và Yemen.

"Tôi sẽ lập tức rút khỏi hiệp định bất công này. Mỹ sẽ không hủy hoại các ngành công nghiệp của chúng ta, trong khi Trung Quốc gây ô nhiễm mà không bị trừng phạt", ông nói.

Mỹ phải thông báo cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres về quyết định rút khỏi hiệp định. Động thái rút lui sẽ có hiệu lực một năm sau khi được chấp thuận. Ông Trump từng rút Mỹ khỏi Hiệp định Khí hậu Paris trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhưng động thái này bị chính quyền Biden đảo ngược vào năm 2021.

Mỹ hiện là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Nước này rút khỏi Hiệp định Paris sẽ làm suy yếu nỗ lực toàn cầu nhằm cắt giảm lượng khí thải đó.

Thành lập Ủy ban Hiệu suất Chính phủ

Ông Trump ký sắc lệnh hành pháp để thành lập nhóm cố vấn mang tên Ủy ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) nhằm thực hiện các đợt cắt giảm mạnh đối với chi tiêu chính phủ.

"Để khôi phục năng lực và hiệu quả cho chính phủ liên bang, chính quyền của tôi sẽ thành lập Ủy ban Hiệu suất Chính phủ hoàn toàn mới", Tổng thống Trump nói, thêm rằng ông có kế hoạch tuyển dụng khoảng 20 người để đảm bảo thực hiện các mục tiêu của ủy ban.

Nhóm cố vấn sẽ do tỷ phú Elon Musk điều hành, được cho là sẽ "cung cấp khuyến nghị và hướng dẫn từ bên ngoài chính phủ" về nỗ lực tinh giản hệ thống, cắt giảm quy định, giảm chi tiêu và tái cấu trúc cơ quan liên bang.

Cựu ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy từng được đề xuất cho vị trí đồng lãnh đạo DOGE, song đã rút lui để chuẩn bị tranh cử vị trí thống đốc Ohio.

Hủy 78 sắc lệnh của chính quyền Biden

Ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã hủy bỏ 78 sắc lệnh do người tiền nhiệm Biden ký duyệt, trong đó ít nhất chục sắc lệnh ủng hộ công bằng chủng tộc và chống phân biệt đối xử với người đồng tính, chuyển giới.

Các chính sách của ông Trump đánh dấu sự thay đổi lớn so với chính quyền của Biden. Ông cũng bãi bỏ các sắc lệnh nhằm hỗ trợ người da màu, người gốc Mỹ Latin, người bản địa, người gốc Á và người dân đảo Thái Bình Dương.

"Trong tuần này, tôi cũng sẽ chấm dứt chính sách nhằm cố đưa chủng tộc và giới tính vào mọi khía cạnh của đời sống công cộng và riêng tư. Chúng ta sẽ xây dựng một xã hội căn cứ vào thành tích và không phân biệt màu da. Kể từ hôm nay, chính sách của chính phủ Mỹ sẽ chỉ có hai giới, nam và nữ", ông nói.

ky-sac-lenh.jpg
Ông Trump ký sắc lệnh tại Phòng Bầu dục ngày 20/1. Ảnh: AFP

Yêu cầu công chức trở lại làm việc toàn thời gian

Tổng thống Trump ký sắc lệnh yêu cầu công chức liên bang trở lại làm việc 5 ngày một tuần, buộc số lượng lớn người lao động phải từ bỏ thỏa thuận làm việc từ xa, đảo ngược xu hướng diễn ra trong giai đoạn đầu đại dịch Covid-19.

"Người đứng đầu các bộ và cơ quan phải thực hiện sớm nhất mọi bước cần thiết để chấm dứt thỏa thuận làm việc từ xa, yêu cầu nhân viên trở lại làm việc trực tiếp toàn thời gian tại các địa điểm tương ứng. Người đứng đầu các bộ và cơ quan sẽ đưa ra những điều khoản miễn trừ mà họ cho là cần thiết", sắc lệnh có đoạn.

Dừng viện trợ phát triển cho nước ngoài trong vòng 90 ngày

Ông Trump ký sắc lệnh dừng viện trợ phát triển cho nước ngoài trong vòng 90 ngày, cho đến khi đánh giá được hiệu quả và tính nhất quán với chính sách đối ngoại của Mỹ.

"Toàn bộ người đứng đầu các bộ và cơ quan chịu trách nhiệm về chương trình viện trợ phát triển nước ngoài của Mỹ phải lập tức đình chỉ các sứ mệnh mới, cũng như việc giải ngân các quỹ viện trợ phát triển", sắc lệnh có đoạn.

Ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới phía nam

Ông Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới Mỹ - Mexico, áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt mới về nhập cư và tị nạn tại Mỹ. Ông cũng tuyên bố sẽ điều binh sĩ tới biên giới với Mexico.

"Tôi ủng hộ nhập cư hợp pháp. Chúng tôi cần mọi người, nhưng tất cả phải nhập cư hợp pháp. Mọi hành vi nhập cảnh trái phép sẽ bị ngăn chặn và chúng tôi sẽ bắt đầu quá trình trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp", ông nói.

Ông Trump cũng công bố sắc lệnh gây tranh cãi về đình chỉ cấp quyền công dân cho người nước ngoài sinh ra trên đất Mỹ. Sắc lệnh này trái với quy định trong Hiến pháp Mỹ và có thể bị tòa án ngăn chặn.

Thu hồi sắc lệnh trừng phạt người định cư Israel ở Bờ Tây

Nhà Trắng cho biết ông Trump đã hủy sắc lệnh cho phép trừng phạt những người định cư Israel bạo lực ở khu vực Bờ Tây.

Sắc lệnh được ông Joe Biden thông qua hồi tháng 2/2024, trong đó chỉ định những người định cư và các nhóm bị cáo buộc thực hiện hành động bạo lực nhằm vào người dân Palestine ở Bờ Tây, khu vực Israel chiếm đóng kể từ năm 1967. Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó áp lệnh trừng phạt một số cá nhân và nhóm cực hữu.

Đình chỉ lệnh cấm TikTok

"Tôi đoán mình có cảm tình đặc biệt với TikTok dù ban đầu không phải như vậy. Tôi đã sử dụng TikTok và giành được sự ủng hộ của cử tri trẻ", ông Trump nói khi ký sắc lệnh hoãn thi hành lệnh cấm TikTok tại Mỹ trong vòng 75 ngày.

Theo sắc lệnh này, chính quyền Mỹ có 75 ngày để "theo đuổi giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia mà vẫn giữ được nền tảng có 170 triệu người Mỹ sử dụng".

TikTok hiện có 170 triệu người dùng tại Mỹ, tức chiếm khoảng một nửa dân số, là đối tác lớn của các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu, ứng dụng và tiếp thị.

Ứng dụng này bị cấm hoạt động ở Mỹ từ ngày 19/1, do không cắt quan hệ khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc theo quy định của Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát (PAFACA) được cựu Tổng thống Joe Biden ký ban hành hồi tháng 4/2024.

Muốn sớm đạt thỏa thuận Nga - Ukraine

Ông Trump nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin nên đạt thỏa thuận với Ukraine để chấm dứt chiến sự, cảnh báo rằng Moskva "sẽ gặp rắc rối lớn" nếu không làm điều này.

Tổng thống Mỹ cũng nói rằng ông đang chuẩn bị gặp lãnh đạo Nga, song chưa rõ mốc thời gian. "Tôi và ông ấy rất hòa hợp, tôi hy vọng ông ấy muốn đạt được thỏa thuận. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng chiến sự sẽ kết thúc trong khoảng một tuần, và bây giờ đã là ba năm, đúng không?", ông nói.

Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói rằng muốn đạt thỏa thuận hòa bình.

Rút Mỹ khỏi WHO

Ông Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với lý do cơ quan này đã "ứng phó tệ hại" trong đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng y tế khác trên toàn cầu.

Tái khẳng định kế hoạch mua Greenland

Ông Trump bày tỏ tin tưởng tin Đan Mạch sẽ "đồng ý" với kế hoạch mua đảo Greenland của ông. "Greenland là nơi tuyệt vời, chúng ta cần hòn đảo vì an ninh quốc tế", Tổng thống Mỹ cho hay.

Nhắc lại kế hoạch áp thuế với Canada và Mexico

Tổng thống Trump cho biết ông dự kiến áp dụng mức thuế 25% đối với các đối tác thương mại lớn của Mỹ là Mexico và Canada vào ngày 1/2.

"Chúng tôi đang cân nhắc mức thuế này, vì họ đã cho phép lượng lớn người người di cư và fentanyl vào Mỹ", ông nói.

Đưa Cuba trở lại danh sách "nước tài trợ khủng bố"

Tổng thống Trump ký sắc lệnh đưa Cuba trở lại danh sách "quốc gia tài trợ khủng bố", chỉ vài ngày sau khi chính quyền Joe Biden loại quốc gia láng giềng khỏi danh sách này.

Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel chỉ trích động thái của ông Trump là "ngạo mạn và coi thường sự thật". Ông Diaz-Canel cũng nêu rằng trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã áp đặt các biện pháp bao vây kinh tế đối với Cuba, gây tình trạng thiếu hụt hàng hóa và khiến một số người Cuba di cư sang Mỹ.

Ân xá cho 1.500 người tham gia bạo loạn Đồi Capitol

"Có những con tin, khoảng 1.500 người. Họ được ân xá hoàn toàn. Thành thật mà nói, chúng tôi hy vọng những người đang thụ án sẽ được ra tù ngay đêm nay. Chúng tôi mong đợi điều này", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói khi ký lệnh ân xá tại Nhà Trắng ngày 20/1, ngay sau lễ nhậm chức.

Đây là văn kiện đầu tiên trong "làn sóng" gồm khoảng 200 sắc lệnh, chỉ thị hành pháp sẽ được ông Trump phê duyệt ngay sau khi nhậm chức, thể hiện quyết tâm khởi đầu mạnh mẽ cho nhiệm kỳ tổng thống.

Phát ngôn viên Cục Nhà tù Mỹ xác nhận một số tù nhân liên bang đang thụ án liên quan vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội có thể được thả sớm nhất trong ngày 20/1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng ngày 20/1. Ảnh: AFP
Khoảng 200 sắc lệnh, chỉ thị hành pháp sẽ được ông Trump phê duyệt ngay sau khi nhậm chức. Ảnh: AFP

Ngày 6/1/2021, đám đông ủng hộ ông Trump xông vào Đồi Capitol để ngăn quốc hội chứng nhận kết quả bầu cử cho ông Joe Biden. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, 1.583 người đã bị buộc tội liên quan đến cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021, với các hành vi như tấn công, chống đối hoặc cản trở nhân viên thực thi pháp luật, hay tấn công bằng vũ khí chết người.

Ông Trump từ lâu tuyên bố ân xá cho những người bị kết án liên quan vụ bạo loạn Đồi Capitol sẽ là ưu tiên sau khi nhậm chức. Ông gọi họ là "con tin", "người yêu nước" và "tù nhân chính trị".

Theo Tổng thống Mỹ, nhiều người trong số gần 1.600 người bị buộc tội đã bị hệ thống pháp luật đối xử bất công. Phát biểu trước người ủng hộ tại Đồi Capitol sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông một lần nữa mô tả họ là "con tin".

Hiến pháp Mỹ trao cho tổng thống quyền ân xá rộng rãi và không có cơ chế pháp lý nào thách thức lệnh ân xá do tổng thống ban hành. Quyền ân xá của tổng thống bao gồm xóa bỏ hậu quả pháp lý của bản án thông qua lệnh ân xá hoặc rút ngắn, sửa đổi bản án thông qua lệnh giảm án.

VN (tổng hợp)