6 hành tinh cùng xếp hàng trên bầu trời đêm nay
Người quan sát ở bắc bán cầu có thể thấy sao Hỏa, sao Mộc, sao Thiên Vương, sao Hải Vương, sao Kim, sao Thổ cùng xuất hiện trên bầu trời.
Năm 2025 khởi đầu với một sự kiện hấp dẫn cho những người yêu thiên văn - giao hội hành tinh. Giao hội hành tinh, hay diễu hành hành tinh, xảy ra khi nhiều hành tinh trong hệ Mặt Trời có thể được nhìn thấy cùng lúc trên bầu trời đêm.
Hôm 21/1 sẽ có 6 hành tinh cùng xuất hiện, gồm sao Hỏa, sao Mộc, sao Thiên Vương, sao Hải Vương, sao Kim, sao Thổ. Người yêu thiên văn ở bắc bán cầu vẫn sẽ thấy được 6 hành tinh này khoảng 4 tuần sau đó. Trong khi sao Hỏa, sao Kim, sao Mộc và sao Thổ có thể quan sát bằng mắt thường, họ sẽ cần một thiết bị mạnh như kính viễn vọng với sao Hải Vương và sao Thiên Vương.
Sự xếp hàng này không hoàn toàn ngay ngắn như trong các biểu đồ và hình minh họa về hệ Mặt Trời. Điều đó không xảy ra ở vũ trụ thực. Tuy nhiên, các hành tinh sẽ trông như xếp hàng theo một đường tưởng tượng.
Điều này xảy ra vì mọi hành tinh trong hệ Mặt Trời đều quay quanh Mặt Trời trên một mặt phẳng gọi là mặt phẳng hoàng đạo. Một số hành tinh có quỹ đạo nghiêng một chút phía trên hoặc dưới mặt phẳng này, nhưng tất cả đều gần như nằm ở cùng một mức, giống như các rãnh trên đĩa than, do cách những ngôi sao như Mặt Trời hình thành.
Ban đầu, ngôi sao "sơ sinh" hình thành trong một đám mây vật chất bắt đầu xoay. Đám mây xoáy thành một đĩa phẳng, cung cấp vật chất cho ngôi sao non trẻ xung quanh xích đạo. Các hành tinh hình thành từ những gì còn lại của đĩa và nếu không chịu ảnh hưởng từ tác động hấp dẫn khác, chúng vẫn quay quanh ngôi sao ở mặt phẳng đó.
Đôi khi, trong lúc di chuyển theo quỹ đạo, các hành tinh sẽ ở cùng một phía của Mặt Trời và con người có thể thấy chúng xuất hiện trên bầu trời cùng lúc. Đây là hiện tượng sẽ xảy ra trên bầu trời vào đêm 21/1.
Sự kiện thiên văn thú vị tiếp theo diễn ra vào đêm 28/2, khi có tới 7 hành tinh cùng xuất hiện trên bầu trời gồm sao Thổ, sao Thủy, sao Hải Vương, sao Kim, sao Thiên Vương, sao Mộc và sao Hỏa.