Giao thông - Đô thị

Lái xe liên tục quá 4 giờ bị phạt 3 - 5 triệu: Tắc đường có được bù trừ thời gian?

VN (theo Vietnamnet) 21/01/2025 05:58

Tài xế lái xe liên tục quá 4 giờ hoặc không thực hiện đúng quy định về thời gian nghỉ giữa 2 lần lái xe liên tục sẽ bị phạt tiền 3 - 5 triệu đồng, trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe.

lai-xe-lien-tuc.jpeg
Tài xế không được điều khiển ô tô kinh doanh vận tải quá 4 giờ liên tục (ảnh minh họa)

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định tài xế không được lái xe quá 48 giờ/tuần, không được điều khiển xe quá 10 giờ/ngày và không lái xe liên tục quá 4 giờ.

Theo Nghị định 168/2024 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nếu tài xế điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải quá thời gian quy định trên, hoặc không thực hiện đúng quy định về thời gian nghỉ giữa 2 lần lái xe liên tục sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng. Hình phạt bổ sung là trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe.

Ngoài ra, chủ xe để cho tài xế lái ô tô liên tục quá thời gian quy định cũng sẽ bị xử phạt 4 - 6 triệu đồng (cá nhân) và 8 - 12 triệu đồng (tổ chức). Trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe.

Giám đốc một nhà xe chuyên chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai cho biết, mặc dù doanh nghiệp của ông sở hữu nhiều xe vận tải hành khách, nhưng hiện tại chỉ còn hoạt động hơn 50% do khó khăn trong việc duy trì số lượng tài xế. Trong khi đó, lượng hành khách có xu hướng giảm do các hình thức đi xe ghép, xe cá nhân tăng lên.

“Nhiều tài xế quyết định chuyển nghề vì cảm thấy áp lực, không còn muốn gắn bó với công việc, điều này khiến các nhà xe đang như ngồi trên "đống lửa”, vị giám đốc này nói.

Trong khi đó, tài xế xe tải Nguyễn Văn Bình băn khoăn về tình huống: Khi đang đi trên đường cao tốc, sắp đến ngưỡng 4 giờ chạy liên tục, tài xế không được chạy tiếp nhưng trên đường không có điểm dừng nghỉ, cũng không có làn dừng khẩn cấp thì phải làm sao? Ngoài ra, trong trường hợp đường tắc, tài xế phải ngồi chờ trên ô tô thì có được bù trừ thời gian này hay vẫn tính?

Trước thực tế trên, mới đây Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đề nghị tháo gỡ ngay một số vướng mắc cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô, đặc biệt là quy định thời gian lái xe liên tục.

Đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, hệ thống đường bộ của nước ta chưa đồng bộ, thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Đặc biệt, đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các trục quốc lộ chính có lưu lượng xe cao đi qua đô thị lại càng ùn tắc.

Chưa hết, một số tuyến đường bộ cao tốc hiện chưa có trạm dừng nghỉ, đặc biệt là trục cao tốc Bắc - Nam, xe phải chạy liên tục đến khi ra khỏi đường cao tốc mới có thể tìm được điểm dừng nghỉ.

Với những khó khăn mang tính khách quan như vậy, tài xế không hoàn toàn làm chủ được thời gian lái xe trên đường, dẫn đến vi phạm thời gian lái xe theo quy định. “Đây là những hành vi không cố ý, biết trước nhưng không thể tránh, hậu quả là lái xe và cả doanh nghiệp đều bị xử phạt nặng…”, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, từ trước tới nay các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô có xe chạy đường dài như tuyến Bắc - Nam, Tây Bắc… đều bố trí tối đa 2 tài xế.

Tuy nhiên, với quy định tài xế không được lái xe quá 48 giờ/tuần, không được điều khiển xe quá 10 giờ/ngày và không lái xe liên tục quá 4 giờ, các doanh nghiệp phải bố trí tới 3 tài xế/xe để luân phiên nhau lái. Việc này sẽ làm tăng chi phí vận chuyển, chưa kể rất khó tìm tài xế, nhất là tài xế lái xe hạng nặng như xe container. Trong khi đó, xe đầu kéo hiện nay thiết kế chỉ có hai ghế và quy định chỉ được hai người ngồi, kể cả xe có thiết kế giường nằm phía sau.

“Như vậy, việc áp dụng quy định, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm nêu trên trong điều kiện hiện nay và trong điều kiện đường sá chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông bình thường của phương tiện tham gia giao thông, làm cho người lái xe ô tô rất dễ vi phạm do các nguyên nhân khách quan…”, ông Quyền nói.

Vì vậy, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu điều chỉnh theo hướng nâng thời gian lái xe. Cụ thể, thời gian lái xe trong tuần tối đa từ 55 - 60 giờ, còn thời gian lái xe liên tục và trong ngày cao hơn 10% so với quy định hiện nay.

VN (theo Vietnamnet)