Tốt nghiệp thạc sĩ Harvard vẫn khó kiếm việc
Hơn 20% thạc sĩ Quản trị kinh doanh tốt nghiệp ở Harvard năm ngoái phải mất nhiều tháng mới tìm được việc làm.
Trong nhiều thập kỷ, bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) từ các trường Ivy League được coi là tấm vé vàng để có việc làm ở mọi nơi. Theo Fortune, bằng MBA của Harvard xếp hạng nhất trong số 98 trường kinh doanh của Mỹ.
Tuy nhiên, tấm bằng ưu tú của Harvard không còn đảm bảo việc làm nữa. Theo The Wall Street Journal, năm ngoái, 23% sinh viên tốt nghiệp MBA kỳ mùa xuân tại Harvard vẫn trong trạng thái tìm việc sau 90 ngày tốt nghiệp, tăng hơn gấp đôi so với mức 10% của năm 2022.
"Thị trường việc làm đang rất tệ. Hầu hết bạn bè tôi, những người tìm được những vị trí tốt, đều phải hạ thấp kỳ vọng của mình", một sinh viên trường Kinh doanh Harvard nói.
"Chúng tôi không nằm ngoài ảnh hưởng của những khó khăn trên thị trường việc làm. Học ở Harvard không tạo nên sự khác biệt. Bạn phải có kỹ năng", Kristen Fitzpatrick, người giám sát phát triển nghề nghiệp và quan hệ cựu sinh viên của trường Kinh doanh Harvard, giải thích.
Sinh viên tốt nghiệp MBA tại các đại học hàng đầu, bao gồm trường Wharton của Đại học Pennsylvania, trường Kinh doanh sau đại học của Stanford và trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, gặp tình trạng tương tự.
Họ mất nhiều thời gian để được tuyển hơn trước, dù thị trường lao động tại Mỹ đang rất sôi động. Trong số 256.000 việc làm mới vào tháng 12 năm ngoái, 28.000 việc trong lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp và 13.000 trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ.
Theo Forbes, nhiều lý do khiến cựu sinh viên MBA khó tìm việc hơn. Đại dịch đã thúc đẩy các xu hướng tự động hóa, làm việc từ xa. Các công ty đang tinh giản tổ chức và chú trọng hơn vào các kỹ năng cụ thể, như lập trình, thay vì kiến thức kinh doanh tổng quát.
Những tiến bộ về AI và tự động hóa cũng dẫn đến tình trạng sa thải và giảm việc làm đáng kể tại Phố Wall - nơi tuyển dụng truyền thống cho những người có bằng MBA xuất sắc.
Ngoài ra, một nghiên cứu cho thấy có tới 80% việc làm được tuyển dụng thông qua quen biết. Các tập đoàn lớn như Amazon, Google và Microsoft cũng cắt giảm tuyển dụng nhân sự có bằng MBA.
Sự cạnh tranh khốc liệt đã khiến những sinh viên mới tốt nghiệp như Ronil Diyora, từ Đại học Virginia Darden, nản lòng. Diyora đã nộp hơn 1.000 đơn xin việc, tham dự nhiều sự kiện giao lưu, nhưng vẫn không chắc chắn về giá trị của bằng MBA mà mình sở hữu.
Trong khi đó, Yvette Anguiano, người đã trúng tuyển vào vị trí tư vấn viên tại tập đoàn EY-Parthenon, bị hoãn ngày bắt đầu làm việc. Anguiano phải đợi đến tháng 6 năm nay để được đi làm trong khi xoay xở với các món nợ từ thời sinh viên.
"Tôi khá suy sụp", Anguiano nói.
Để giúp cựu sinh viên tìm việc làm, Harvard đang thử nghiệm một công cụ AI có thể so sánh sơ yếu lý lịch của người tìm việc với vị trí công việc họ ưa thích, sau đó đề xuất các lớp học trực tuyến để thu hẹp khoảng cách kỹ năng.
Trường Kinh doanh Harvard cũng mở một lớp học chuyên sâu bốn ngày về cách tìm việc, tập trung vào các kỹ năng mềm như giao tiếp và cách giới thiệu bản thân.
Những năm gần đây, các trường kinh doanh hàng đầu Mỹ đã chứng kiến số lượng đơn đăng ký vào chương trình MBA sụt giảm. Giai đoạn 2021-2023, lượng đơn nộp vào trường Kinh doanh Harvard, Wharton, Stanford và trường Quản lý Sloan (MIT) đều giảm khoảng 16-25%. Những lý do bao gồm việc các chứng chỉ thay thế ngày càng phổ biến, sinh viên thay đổi nguyện vọng nghề nghiệp hoặc cân nhắc về tài chính.
Học phí của trường Kinh doanh Harvard khoảng 74.900 USD mỗi năm (gần 1,9 tỷ đồng). Dù vậy, những sinh viên tốt nghiệp MBA thường tìm được việc làm có mức lương khởi điểm cao - trên 175.000 USD một năm.