Các cao thủ cờ tướng Trung Quốc mua bán độ thế nào?
Hàng chục cao thủ cờ tướng Trung Quốc mua bán độ ở những giải đấu quan trọng và sử dụng nhiều hình thức che đậy hành vi.
Theo bà Cái Hồng Diễm - Thư ký Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của Trung tâm kỳ bài, thuộc Tổng cục Thể thao Trung Quốc - các vi phạm của những cao thủ cờ tướng bị đình chỉ gần đây đã kéo dài hơn 10 năm, giai đoạn 2012-2023.
Bà Cái cho biết vấn đề mua bán độ trong cờ tướng đỉnh cao Trung Quốc có hai đặc điểm, là đã tồn tại từ lâu và có nhiều người tham gia. Các giải đấu xuất hiện mua bán độ thường là siêu giải, như giải vô địch cá nhân quốc gia, giải đồng đội quốc gia (Giáp Cấp Liên Tái) và một số sự kiện quy mô toàn quốc khác.
Mục đích chính của các kỳ thủ mua bán độ là để thăng cấp, chia tiền thưởng, hoặc cải thiện thứ bậc theo Elo.
Trình độ các kỳ thủ cờ tướng Trung Quốc được chia làm nhiều hạng, như vận động viên cấp 3, cấp 2, cấp 1, Đại sư và cao nhất là Đặc cấp đại sư. Với mỗi hạng, kỳ thủ sẽ nhận được chế độ đãi ngộ khác nhau từ câu lạc bộ chủ quản, từ các giải đấu và cộng đồng cờ tướng. Chẳng hạn có những giải đấu miễn lệ phí, thậm chí trả tiền để có Đại sư hay Đặc cấp đại sư tham dự. Trung Quốc hiện có khoảng 40 Đặc cấp đại sư và vài trăm Đại sư.
Theo bà Cái, nhiều kỳ thủ đã sắp xếp kết quả nhiều ván đấu để đảm bảo họ được thăng cấp. Chẳng hạn, Triệu Hâm Hâm từng bị tố cáo dàn xếp tỷ số để thắng một ván cuối cùng và đủ điều kiện phong Đặc cấp đại sư năm 2005. Sự việc bị phanh phui, khiến anh bị cấm thi đấu một năm.
Thông qua người trung gian, có những kỳ thủ đã thương lượng với nhau để sắp xếp kết quả ở giải quốc gia, để giành suất lên đội tuyển thi đấu quốc tế. Điều này ảnh hưởng tới tính công bằng của cuộc thi. Cũng có những kỳ thủ vừa trực tiếp dàn xếp, vừa là trung gian, thảo luận mua bán độ. Trong đoạn ghi âm bị lộ, Đặc cấp đại sư Vương Dược Phi được coi là một người trung gian.
Có những kỳ thủ làm huấn luyện viên, đã tạo một quỹ bằng cách thu tiền từ những thành viên trong đội, để mua bán độ vì thành tích chung. Đến thời điểm thích hợp, họ sẽ đưa quỹ ra sử dụng để mua độ.
Các giải cờ tướng thường diễn ra theo thể thức đấu vòng tròn tính điểm, chọn ra hai đội điểm cao vào chung kết, hoặc bốn đội vào bán kết. Các đội không còn mục tiêu ở những vòng cuối, có thể sẽ bán độ, bằng cách chấp nhận thua để đổi lấy một khoản tiền từ những đội nhóm đầu. Trường hợp này cũng xuất hiện ở những giải cá nhân, với cách thức tương tự.
Theo luật sư và cũng là kỳ thủ cờ tướng Tài Dật, số tiền mua bán độ của các đội hoặc kỳ thủ không giống nhau, và không có chuẩn chung. Với kỳ thủ nổi tiếng, thuộc đội có nhà tài trợ mạnh, họ sẽ phải trả khoảng 20.000 tệ (70 triệu đồng) cho một ván thắng. Những kỳ thủ không nổi tiếng cũng có thể bán một ván cờ giá 4.000 tệ (14 triệu đồng). Kỳ vương Hâm Hâm khai với cảnh sát rằng anh từng bán một ván đấu giá 200.000 tệ (700 triệu đồng).
Bà Cái nói thêm rằng thủ đoạn của các kỳ thủ tinh vi, che giấu kỹ vi phạm. Các kỳ thủ thảo luận vì cách thức mua bán độ thông qua những cuộc gặp trong phòng riêng, hoặc nói chuyện ra điện thoại. Có những kỳ thủ đem theo lượng tiền mặt lớn tới giải đấu để giao dịch, hoặc nhờ người thân, bạn bè chuyển khoản.
Tổng cộng 43 kỳ thủ đã bị xử phạt, chịu những mức án khác nhau, từ phê bình công khai tới cấm thi đấu trọn đời. Chẳng hạn Đặc cấp đại sư Tào Nham Lỗi bị phê bình công khai, Mạnh Thần bị cấm 6 tháng. Vương Thiên Nhất, Trịnh Duy Đồng hay Hâm Hâm bị cấm trọn đời và tước danh hiệu Đặc cấp đại sư.
Đại diện Ủy ban kiểm tra kỷ luật còn tiết lộ trong quá trình đưa ra án phạt cho từng cá nhân, họ đã tham khảo nhiều chuyên gia. Không có chuyện nương tay với bất cứ kỳ thủ nào, dù họ đóng góp nhiều cho nền cờ tướng Trung Quốc như Thiên Nhất, Duy Đồng và Hâm Hâm. Vì thế, 5 kỳ thủ bị cấm trọn đời đều là Đặc cấp đại sư, đoạt nhiều danh hiệu quốc tế.
Trung tâm kỳ bài đã thành lập một đội công tác đặc biệt để chỉnh đốn ngành cờ tướng, tiến hành tự kiểm tra, tự sửa chữa. Các kỳ thủ vi phạm cũng đã chấp nhận trả lại số tiền đã hối lộ và công khai những vụ mua bán độ. Từ những lời khai này, sẽ có thêm nhiều cao thủ phải chịu phạt.
43 kỳ thủ mua bán độ đã bị xử phạt
1. Vương Thiên Nhất, Triệu Hâm Hâm, Uông Dương, Trịnh Duy Đồng, Vương Dược Phi: Cấm thi đấu vĩnh viễn, tước bỏ các danh hiệu kỹ thuật của CXA. Cấm tham gia tất cả các giải đấu và hoạt động cờ tướng do CXA hoặc các đơn vị trực thuộc tổ chức hay ủy quyền.
2. Vương Khuếch: Cấm thi đấu 7 năm 6 tháng, tước bỏ danh hiệu kỹ thuật của CXA. Trong thời gian bị cấm, không được tham gia các giải đấu và hoạt động liên quan.
3. Tôn Dật Dương: Cấm thi đấu 7 năm, tước bỏ danh hiệu kỹ thuật và bị cấm tham gia các sự kiện tương tự trong thời gian cấm thi đấu.
4. Triệu Kim Thành: Cấm thi đấu 6 năm, tước bỏ danh hiệu kỹ thuật và bị cấm tham gia các hoạt động liên quan trong thời gian này.
5. Trương Thân Hoành: Cấm thi đấu 4 năm 6 tháng, tước bỏ danh hiệu kỹ thuật và cấm tham gia các sự kiện liên quan.
6. Lưu Tuấn Đạt, Vu Dịch Tiêu, Tôn Dũng Chinh, Trình Minh, Hác Kế Siêu: Cấm thi đấu 4 năm 3 tháng, tước bỏ danh hiệu kỹ thuật và không được tham gia bất kỳ hoạt động nào của CXA trong thời gian cấm.
7. Trịnh Nhất Hoằng: Cấm thi đấu 4 năm và cấm tham gia các sự kiện liên quan.
8. Đảng Phỉ, Lý Thiếu Canh, Triệu Điện Vũ, Nhiếp Thiết Văn, Vũ Tuấn Cường: Cấm thi đấu 3 năm và không được tham gia các sự kiện của CXA.
9. Miêu Lợi Minh, Hoàng Trúc Phong, Tôn Hân Hạo, Dương Minh, Từ Mỗ Mỗ (dưới 18 tuổi tại thời điểm vi phạm): Cấm thi đấu 2 năm.
10. Triệu Vĩ, Lục Vĩ Thao, Dương Huy, Lý Tiểu Long, Trịnh Vũ Hàng, Trương Mỗ Mỗ (dưới 18 tuổi tại thời điểm vi phạm), Mã Thiên Việt, Lý Ngãi Đông: Cấm thi đấu 1 năm.
11. Vương Vũ Hàng, Triệu Dương Hạc, Thôi Cách, Mạnh Thần, Tạ Quy, Triệu Tử Vũ: Cấm thi đấu 6 tháng.
12. Tào Nham Lỗi, Hoàng Văn Tuấn, Thái Hữu Quảng, Lương Vận Long: Chịu hình thức phê bình công khai.