Vì sao Indonesia gia nhập BRICS?
Indonesia đã trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên gia nhập BRICS với tư cách thành viên chính thức, đánh dấu cột mốc quan trọng đối với sự phát triển của nước này và cấu trúc quan hệ quốc tế.
BRICS là một tổ chức hợp tác kinh tế và chính trị được thành lập để thúc đẩy sự phát triển và hợp tác giữa một số quốc gia mới nổi hàng đầu trên thế giới.
Quyết định chóng vánh
Năm 2024 có lẽ là một năm thành công cho nhiệm kỳ Chủ tịch BRICS của Nga khi khơi dậy mạnh mẽ sự quan tâm của cộng đồng thế giới đối với nhóm. Điều này được cụ thể hóa trong ngay những ngày đầu năm 2025 với sự tham gia của Indonesia, quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trong khối.
Giới phân tích cho rằng, đây là một trong những sự “nâng cấp” vị thế nhanh nhất trong lịch sử các tổ chức quốc tế và các định dạng đa phương khác. Thoạt nhìn, quyết định này có lẽ khiến không ít các nhà quan sát và các nhà lãnh đạo thế giới phải nhíu mày, làm dấy lên suy đoán về sự nhất quán của BRICS trong việc kết nạp các nước thành viên cũng như mở rộng các đối tác, và liệu điều này sẽ mở ra hiệu ứng dây chuyền để các quốc gia khác trong danh sách rút gọn có thể trở thành thành viên chính thức của BRICS?
Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn về sự mở rộng của BRICS, việc Indonesia trở thành thành viên chính thức là một lộ trình được chuẩn bị kỹ lưỡng. Quy chế ứng viên của Indonesia đã được 5 nước thành viên đầu tiên của khối chấp thuận vào năm 2023 tại hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg.
Theo Brazil, thời điểm chính thức gia nhập của Jakarta vào đầu năm 2025 có liên quan đến việc tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống tại Indonesia vào năm 2024 và mong muốn gia nhập của nước này sau khi nội các chính phủ mới được hình thành.
Bên cạnh đó nhiều ý kiến cho rằng, nếu xem xét danh sách 13 quốc gia sẽ nhận được hoặc đã nhận được quy chế quốc gia đối tác sau Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan/Nga, thì việc lựa chọn Indonesia là thành viên chính thức tiếp theo của khối có vẻ hợp lý hơn cả.
Indonesia nằm trong số 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới tính theo GDP danh nghĩa, xếp trên các nước đối tác BRICS khác và một số thành viên trong nhóm. Indonesia là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, với dân số lớn hơn dân số của Brazil và Nam Phi cộng lại.
Trong số các nước đang phát triển, Indonesia là một trong những nước tham gia tích cực nhất vào nhiều tổ chức lớn, diễn đàn đối thoại và các định dạng đa phương, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và nhiều tổ chức khác.
Cuối cùng, Indonesia được xem là “đầu tàu” của khu vực Đông Nam Á, một trong những tiểu vùng phát triển nhanh nhất về mặt kinh tế và chiến lược trên thế giới, từ lâu trở thành địa bàn cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Riêng thực tế này, theo quan điểm của nhiều chuyên gia, đã khiến việc Đông Nam Á không có đại diện tại BRICS trở thành một thiếu sót mang tính chiến lược.
Do đó, việc Indonesia gia nhập BRICS không phải là một “thiên nga đen” (sự kiện cực kỳ hiếm gặp và khó lường), mà là một “tê giác xám” (sự việc có thể xảy ra nhưng thường bị bỏ qua hoặc trì hoãn). Quy chế thành viên chính thức của Indonesia không chỉ được mong đợi, mà ở một mức độ nhất định, đã được khởi động vào năm 2023, song vì một lý do nào đó, có thể là chủ quan hay khách quan, mà đến nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên BRICS của Nga mới được cụ thể hóa.
Động lực thúc đẩy
Để giải thích cho quyết định gia nhập BRICS của Indonesia, có thể kể đến một số động lực thúc đẩy sau.
Đầu tiên, việc Indonesia gia nhập BRICS một lần nữa khẳng định cam kết của nhà lãnh đạo mới Prabowo Subianto trong việc tăng cường chính sách đối ngoại chủ động và đa phương của nước này. Đồng thời, cách tiếp cận đa phương và chủ động của Tổng thống Prabowo Subianto có liên hệ trực tiếp với các tổ chức, thể chế đa phương và nhiều định dạng khác nhau. Thực tế, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Prabowo Subianto, Indonesia cũng đã chính thức đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong bối cảnh đó, việc gia nhập BRICS là bước đi tiếp theo và hợp lý xét theo quan điểm định vị chính sách đối ngoại của đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà, gần như song song với quyết định gia nhập BRICS, Indonesia đã tiến hành đàm phán ở cấp Bộ trưởng Quốc phòng với một quốc gia đồng minh của Mỹ là Nhật Bản. Điều đặc trưng là các tuyên bố của Bộ Ngoại giao Indonesia nhân dịp gia nhập BRICS và cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia - Nhật Bản vào ngày 7/1/2025 đều đề cập đến tình hữu nghị, sự thịnh vượng và công lý. Điều này một lần nữa nhấn mạnh chủ trương đối ngoại đa phương của giới lãnh đạo Indonesia và mong muốn mở rộng quan hệ kinh tế, ngoại giao và quân sự với bất kỳ quốc gia nào có thể mang lại lợi ích thiết thực cho Jakarta.
Thứ hai, không thể phủ nhận dưới thời chính quyền tiền nhiệm Joko Widodo, Indonesia có vẻ ít quan tâm tới BRICS. Cho đến năm 2024, Indonesia dường như vẫn chưa hiểu rõ BRICS, tôn chỉ mục đích của nhóm và lo ngại hoạt động của nhóm đi ngược lại với truyền thống và triết lý chính sách đối ngoại của Indonesia. Chiến thắng của Tổng thống đương nhiệm Prabowo Subianto đã mang lại động lực to lớn thúc đẩy mong muốn trở thành thành viên chính thức BRICS của Indonesia.
Thứ ba, việc Indonesia gia nhập BRICS mang nhiều ý nghĩa chính trị sâu sắc. Điều này thể hiện sự tăng cường hợp tác của các quốc gia ở Nam bán cầu. Giờ đây, BRICS như là một điểm tập hợp, nền tảng đa phương uy tín để xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, tạo các điều kiện về thể chế và ngoại giao để bảo đảm vai trò, vị thế của các quốc gia nằm ngoài phương Tây.
Với quy chế thành viên chính thức BRICS, Indonesia có những điều kiện lý tưởng để nâng cao vị thế quốc tế của mình. Một mặt, BRICS đã kết nạp thêm nhiều thành viên từ Nam bán cầu, những đối tượng mục tiêu của Indonesia. UAE và Iran, những quốc gia mà Indonesia có thể hợp tác để thúc đẩy sự đoàn kết trong thế giới Hồi giáo. Cùng với Ai Cập và Ethiopia, Indonesia có thể thúc đẩy các khái niệm mới về an ninh lượng thực. Hiện Indonesia là quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới.
Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, BRICS hiện vẫn như “một tờ giấy trắng”, không bị ràng buộc bởi bất cứ luật chơi hay hệ thống phân cấp nào. Đối với Indonesia, đây là cơ hội không chỉ để được lắng nghe trên trường quốc tế, mà còn để thúc đẩy cụ thể hơn các ý tưởng chủ đạo của nước này.
Cuối cùng, không thể bỏ qua tham vọng của cá nhân Tổng thống Prabowo Subianto với mong muốn tạo ra dấu ấn trong sự nghiệp chính trị của mình. Theo nhiều cách, di sản chính sách đối ngoại của ông sẽ được đánh giá dựa trên mức độ mà ông có thể đưa ra một chương trình nghị sự thống nhất cho Nam bán cầu và những cơ hội phát triển mà Indonesia có được với tư cách thành viên của BRICS.