Chưa bị ngộ độc thực phẩm, chớ chủ quan dịp Tết
Tết Ất Tỵ đang cận kề, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân trong tỉnh tăng cao thì cũng là lúc những lo ngại về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hiện hữu.
Theo số liệu từ Bộ Y tế, năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.796 người, 21 người đã tử vong. Đáng chú ý có 43 vụ liên quan đến độc tố tự nhiên, 6 vụ do hoá chất, 45 vụ do sinh vật, còn lại chưa xác định nguyên nhân.
Tại Hải Dương, trong năm 2024, các cấp, ngành đã thành lập 770 đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm 9.168 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Các đoàn xác định 948 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, chiếm 10,34%. Trong năm, cơ quan chức năng lấy 260 mẫu thực phẩm để xét nghiệm mức độ an toàn. Kết quả, có 254 mẫu bảo đảm yêu cầu, 6 mẫu không bảo đảm đã được xử lý, cảnh báo. Trong tỉnh "không ghi nhận" ngộ độc thực phẩm song không vì thế mà chủ quan, lơ là quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm vì khi xảy ra vụ việc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ.
Tết đến, xuân sang cũng là thời điểm cỗ bàn, hội họp nhiều. Cầu cao sẽ cần cung lớn. Vì thế, lượng thực phẩm sẽ tăng theo, thậm chí có những mặt hàng rơi vào tình trạng khan hiếm. Đây là dịp để không ít người buôn bán, kinh doanh vì lợi ích trước mắt mà gian lận, trà trộn hàng kém chất lượng đánh lừa người tiêu dùng. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ con đường này rất lớn.
Ngộ độc thực phẩm không chỉ xuất phát từ nguyên liệu đầu vào không bảo đảm chất lượng mà còn do ý thức, lương tâm của người sản xuất, chế biến. Đầu tháng 1, dư luận được phen sửng sốt vì cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh nổi tiếng ở Hà Nội bị đình chỉ hoạt động do vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nơi sản xuất ra những chiếc bánh cốm đặc sản của cơ sở này ẩm mốc, rác thải ứ đọng, dụng cụ chế biến không được vệ sinh định kỳ. Khu vực chế biến còn gần nhà vệ sinh. Và, không ai biết có bao nhiêu chiếc bánh cốm từ cơ sở này đã tới tay người tiêu dùng. Nhiều người lo ngại vì không biết còn bao nhiêu cơ sở sản xuất thực phẩm như này chưa bị phanh phui.
Ở Hải Dương, mối lo ngại mất an toàn vệ sinh thực phẩm còn do tác động khí hậu, thời tiết. Dự báo Tết Ất Tỵ sắp tới, thời tiết khu vực trong tỉnh không có rét sâu, duy trì hình thái nắng ban ngày, rét về đêm. Điều này khiến thực phẩm dễ bị hư hỏng, nhiễm khuẩn nếu không được bảo quản đúng cách.
Để ngăn chặn nguy cơ từ thực phẩm bẩn dịp Tết Ất Tỵ và lễ hội mùa xuân sắp tới, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh Hải Dương đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến tỉnh tại 12 huyện, thị xã, thành phố. Tuyến huyện, xã cũng đã thành lập 226 đoàn kiểm tra nhằm tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Các đoàn sẽ thực hiện cao điểm 3 đợt kiểm tra, trước Tết, trong Tết và mùa lễ hội sau Tết. Tập trung kiểm tra, giám sát những mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết như thịt, bia, rượu, bánh, kẹo, rau, củ, quả… Những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện ích sẽ được chú trọng kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra kết hợp tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm để nâng cao nhận thức và ý thức cộng đồng.
Bên cạnh sự kiểm soát chặt chẽ của lực lượng chức năng, người tiêu dùng cần thận trọng hơn khi chọn mua thực phẩm để loại bỏ thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chủ động nắm bắt, tích luỹ kiến thức, thông tin về an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đặt lương tâm và trách nhiệm lên hàng đầu, không vì lợi ích kinh tế mà làm hại sức khoẻ người tiêu dùng. Có như vậy, mất an toàn thực phẩm mới không còn là nỗi lo ngày Tết.