Sách số hấp dẫn người đọc
Sách số đang dần trở nên quen thuộc với những người ham đọc sách nói chung, giới trẻ nói riêng ở Hải Dương. Hiện nay, sách số đang ngày càng hấp dẫn người đọc.
Thư viện số trong lòng bàn tay
Mỗi ngày phấn đấu đọc ít nhất 10 trang sách hoặc mẩu truyện ưa thích là mục tiêu của anh Nguyễn Duy ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương), đồng sở hữu chuỗi Chu Kafe trên địa bàn thành phố. Anh Duy kể, 20 năm trước, khi còn là sinh viên, một trong những sở thích của anh là lê la ở phố Đinh Lễ (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nơi được coi là thiên đường sách cho sinh viên với hàng nghìn đầu sách thuộc đủ thể loại.
“Khi mới đi làm, thi thoảng tôi lại đặt mua một cuốn sách để đọc. Song công việc hiện tại tương đối bận rộn, tôi đã chuyển sang đọc sách điện tử hoặc nghe sách nói. Những lúc rảnh rỗi, chiếc điện thoại thông minh của tôi sẽ trở thành cuốn sách với đủ thể loại. Hơn nữa, thay vì đọc sách trước khi ngủ, nay tôi nghe sách để thư giãn sau một ngày dài làm việc”, anh Duy chia sẻ.
Không riêng anh Duy, sách số cũng là lựa chọn của rất nhiều người, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Là một giáo viên về hưu nên bà Đỗ Thị Thủy ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương) vẫn giữ thói quen đọc sách mỗi ngày.
“Chỉ có điểm khác, đó là tôi đọc sách điện tử nhiều hơn sách giấy. Trước đây muốn đọc vài trăm cuốn sách, cả sách chữ hay sách ảnh thì hoặc phải đến thư viện, hoặc thuê từng cuốn về nhà, bởi hiếm ai có được tủ sách riêng nhiều như vậy. Nhưng với sách điện tử, cả tủ sách khổng lồ ấy đã gói gọn trong chiếc màn hình nhỏ bé”, bà Thủy chia sẻ.
Waka.vn, gacsach.online, thuviensach.vn hay một số ứng dụng đọc sách điện tử nổi tiếng trên cả nền tảng iOS cũng như Android như Wattpad, Amazon Kindle… là những website hay ứng dụng đã giúp bà Thủy “mang cả thư viện về lòng bàn tay” mỗi ngày.
Tùy theo từng nền tảng, thể loại, mỗi cuốn sách sẽ có giá từ vài chục nghìn đồng cho đến vài trăm nghìn đồng. Một số cuốn sách chỉ cung cấp cho thành viên đăng ký tài khoản. Gói cước dành cho thành viên thường chia thành kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, chi phí thường dao động từ 90.000-330.000 đồng/gói. Tuy nhiên, hầu hết các website hay ứng dụng đọc, nghe sách đều cung cấp một lượng sách miễn phí nhất định.
Từng ấp ủ dự án mở một “thư viện cà phê”, song hiện tại chị Phạm Thị Vân Quỳnh ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) đang phát triển một ý tưởng mới.
“Chúng tôi gồm một nhóm 4 người có chung đam mê về sách mong muốn mang sách đến gần hơn nữa với tất cả mọi người, nhất là người trẻ. Nhưng nhận thấy với sách điện tử, việc chia sẻ, lan tỏa đến mọi người càng dễ dàng hơn. Do vậy, dự án cà phê sách của chúng tôi cần ý tưởng mới”, chị Quỳnh chia sẻ.
Một cuốn sách sau khi được số hóa sẽ tiếp cận hàng triệu độc giả trên không gian mạng chỉ trong một thời gian ngắn. “Một cuốn sách ra đời cần nghĩ ngay đến các phiên bản của cuốn sách đó trên Facebook, Zalo hay bất kỳ nền tảng trực tuyến nào. Cà phê sách của chúng tôi cũng vậy, sẽ không chỉ là sách in, mà là cả một thư viện số. Đó sẽ là ý tưởng khởi nguồn cho dự án mới”, chị Quỳnh nói thêm.
Khuyến đọc trong kỷ nguyên số
Ở trẻ nhỏ dưới 7 tuổi cơ bản chưa sử dụng thành thạo thiết bị thông minh. Với độ tuổi này, nhu cầu trong tương tác như sờ, chạm với đồ vật, màu sắc, âm thanh rất lớn và cần thiết cho sự phát triển. Do vậy, sách giấy vẫn là phương tiện cung cấp kiến thức hữu hiệu, khó có thể thay thế được.
Tuy nhiên, với những lứa tuổi lớn hơn, việc sử dụng thiết bị thông minh hằng ngày, với nhiều nền tảng khác nhau trên môi trường mạng dần trở thành thói quen. Sách lúc này phải bổ sung thêm những hình thức khác, như e-book (sách điện tử) hoặc audio-book (sách nói).
Thế hệ gen Z, là cách gọi của những người khoảng 13-28 tuổi. Ở Việt Nam, thế hệ này chiếm khoảng 1/3 dân số trong độ tuổi lao động cả nước. Tại Hải Dương cũng như các địa phương khác, thế hệ gen Z đang chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc sống công nghệ. Một khảo sát từng chỉ ra rằng số lượng gen Z đọc sách giấy trong thời gian rảnh tương đối thấp, chủ yếu để lướt internet.
Anh Vũ Quốc Tuấn ở xã Đại Sơn (Tứ Kỳ), giảng viên Trường Đại học Hải Dương cho rằng giới trẻ, thậm chí cả những người trung tuổi đang dần rời xa sách giấy không phải bởi họ quay lưng lại với sách. Họ đã và đang dần hình thành thói quen đọc mới, hiện đại và phù hợp với sự phát triển của thời đại công nghệ.
Bối cảnh mới, thói quen đọc mới có thể sẽ hình thành khái niệm mới, hoặc mở rộng hơn về văn hóa đọc, vốn gắn liền với hình ảnh lật trang sách xưa nay.
“Thời đại công nghệ cần cái nhìn công nghệ, cần đẩy mạnh văn hóa đọc, nhất là trong giới trẻ bằng việc phát triển các loại hình sách hiện đại khác như sách nói, sách số. Chúng ta cũng không lãng quên hay bỏ qua sách giấy. Sách giấy truyền thống và sách điện tử cần tồn tại song hành và phát triển, bổ trợ lẫn nhau để mang đến cho người đọc trải nghiệm tốt hơn”, anh Tuấn nói.
Tại hội thảo được Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức cuối tháng 11/2024 về một số nội dung trong lĩnh vực xuất bản, lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã nhấn mạnh trong bối cảnh chuyển đổi số, hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm chịu tác động mạnh. Theo đó, các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành… trên địa bàn tỉnh cần ứng dụng mạnh mẽ lợi ích của công nghệ số, phát triển những sản phẩm số như sách nói, sách điện tử để mở rộng không gian đọc.
Văn hóa đọc có ý nghĩa rất quan trọng, bởi không chỉ nâng cao nhận thức mà còn hình thành nhân cách mỗi người. Chuyển từ sách giấy sang sách số là một xu thế tất yếu. Sách điện tử, sách nói có thể sẽ là những hình thức phổ biến của sách trong tương lai.
Lật từng trang sách giấy hay đọc sách điện tử, nghe sách nói, cũng là "đọc". Với sách số, vuốt từng trang sách, nghe từng dòng chữ là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.
Sách số không thể có mùi giấy thơm, nhưng sẽ là những dòng chữ đan xen hình ảnh, thậm chí cả video minh họa. Đầy màu sắc, thay vì chỉ hai màu đen trắng phổ biến của sách giấy. Điều đó đòi hỏi những nhà sáng tạo nội dung, người làm sách cần đổi mới về phong cách viết, trình bày với từng thể loại sách.
Điều cần lưu ý, các đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cũng nên rà soát kỹ hơn các nội dung của sách số, để góp phần khuyến đọc trong kỷ nguyên số.
Một số nền tảng đọc sách điện tử, nghe sách nói phổ biến
Phần lớn những nền tảng này đều có thể tương thích với các dòng điện thoại cũng như hệ điều hành khác nhau.
Sách điện tử
Wattpad: Với những người đam mê đọc sách và sáng tác thì nhất định không thể bỏ qua ứng dụng Wattpad. Với hơn 20 triệu đầu sách, đa dạng thể loại, Wattpad mang đến một thế giới sách đa màu sắc.
Amazon Kindle: Ứng dụng đọc sách online phổ biến và rất được ưa chuộng trên thế giới và ở cả Việt Nam với hàng ngàn đầu sách từ nhiều thể loại khác nhau như tạp chí, truyện tranh, tiểu thuyết… Nội dung sách trên Amazon Kindle đều là tiếng Anh.
Waka: Ứng dụng đọc sách miễn phí offline trên điện thoại. Ứng dụng này sở hữu một kho tàng kiến thức từ các đầu sách bán chạy và tạp chí điện tử lớn ở Việt Nam
Apple Books: Ứng dụng đọc sách miễn phí dành riêng cho thiết bị iOS. Bạn sẽ tìm thấy các cuốn sách bán chạy nhất, kinh điển, các tác giả nổi tiếng.
Google Play Books: Ứng dụng đọc sách miễn phí trên điện thoại Android. Ứng dụng mang đến cho bạn một thư viện sách điện tử với hàng triệu tác phẩm trên thế giới và luôn được cập nhật.
Sách nói
Spotify: Là một trong những nền tảng đứng đầu danh sách các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến. Điểm đặc biệt không chỉ là sự phổ biến trong lĩnh vực âm nhạc, mà còn là kho tàng sách nói đồ sộ và đa dạng của ứng dụng mang lại.
Fonos: Ứng dụng nghe sách nói trên iOS và Android có bản quyền hàng đầu tại Việt Nam. Nền tảng này cũng cung cấp nhiều tính năng độc quyền như tóm tắt sách, truyện ngủ...
Voiz Fm: Ứng dụng nghe sách nói nổi bật với vai trò tiên phong trong việc mua bản quyền và bảo đảm tác quyền cho các tác giả, với hàng trăm tựa sách miễn phí.