Đề xuất không tổ chức HĐND quận, phường ở cả nước
Bộ Nội vụ đề xuất tại quận, thành phố thuộc tỉnh; phường thuộc quận; phường, xã thuộc thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không tổ chức HĐND.
Đề xuất được nêu trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, đang được Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ.
Theo Bộ Nội vụ, mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa được thiết kế phù hợp với địa bàn đô thị dẫn tới Quốc hội phải ban hành các nghị quyết riêng biệt để quy định tổ chức chính quyền đô thị của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV tiếp tục xem xét, ban hành nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Hải Phòng).
Đa số các đơn vị hành chính trên cả nước đều tổ chức cấp chính quyền đô thị gồm HĐND và UBND dẫn tới tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương các cấp còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chưa bảo đảm mục tiêu tinh gọn.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nhà nước, kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian, dự thảo luật đề xuất quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo nhiều hướng.
Theo đó, đối với chính quyền đô thị, tại thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thị trấn sẽ tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm HĐND và UBND.
Tại quận, thành phố thuộc tỉnh; phường thuộc quận; phường, xã thuộc thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND.
UBND tại nơi không tổ chức HĐND là cơ quan hành chính trực thuộc UBND cấp trên, hoạt động theo cơ chế thủ trưởng hành chính. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND do Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm.
Đối với chính quyền nông thôn, theo dự thảo, tại tỉnh, huyện, xã, thị trấn (trừ xã thuộc thành phố thuộc tỉnh và xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương) tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm có HĐND và UBND.
Đối với đơn vị hành chính ở hải đảo, các huyện đảo không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trừ trường hợp đối với các huyện đảo có quy mô lớn, có yếu tố đặc thù về quốc phòng, an ninh thì việc tổ chức đơn vị hành chính cấp xã do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Ngoài ra, việc tổ chức chính quyền địa phương đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính đó.
Nhằm bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND, dự thảo quy định nguyên tắc xác định số lượng đại biểu HĐND trên cơ sở quy mô dân số, đặc điểm vùng miền và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định số lượng đại biểu HĐND, khung số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND, khung số lượng các ban của HĐND các cấp.
Căn cứ số lượng theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND quyết định thành lập các ban và quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND bảo đảm phù hợp với thực tiễn địa phương.
Đối với UBND, dự thảo phân biệt cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và hoạt động của UBND tại nơi có tổ chức HĐND và UBND tại nơi không tổ chức HĐND.
UBND tại nơi có tổ chức HĐND sẽ cơ cấu tổ chức có các chức danh Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và một số ủy viên UBND. Chính phủ quy định khung số lượng Phó Chủ tịch, ủy viên UBND; khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và giao thẩm quyền cho HĐND các cấp quyết định số lượng Phó Chủ tịch UBND; số lượng, cơ cấu thành viên UBND; số lượng, tên gọi cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
UBND hoạt động theo chế độ tập thể UBND kết hợp với trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND và từng thành viên UBND.
Các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND được ủy quyền cho Chủ tịch UBND thực hiện; quy định theo hướng mở rộng thẩm quyền của Chủ tịch UBND.
UBND tại nơi không tổ chức HĐND thì cơ cấu tổ chức gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND (không có chức danh ủy viên UBND). UBND làm việc theo chế độ thủ trưởng; Chủ tịch UBND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND theo quy định pháp luật.