Lao động - Việc làm

Những phụ nữ Hải Dương vượt khó khởi nghiệp thành công

MINH THANH 14/01/2025 15:00

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều phụ nữ ở Hải Dương đã bước ra khỏi vùng an toàn, vượt khó khởi nghiệp, khẳng định bản thân trên mặt trận kinh tế và đóng góp cho xã hội.

khi-phai-yeu-khang-dinh-suc-manh (3)
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh giúp phụ nữ khởi nghiệp thông qua các chương trình kết nối vay vốn, quảng bá sản phẩm. Trong ảnh: Chị Nguyễn Hạnh My, Hợp tác xã Xuyên Việt Coop (Gia Lộc) tại ngày hội trưng bày sản phẩm của phụ nữ

Vượt khó thành công

Năm 2008, chị Ngô Thị Thanh Nghìn ở thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong (Ninh Giang) mở xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Chị Nghìn chia sẻ thời điểm ấy, chị đang đối mặt với nhiều khó khăn: chồng ốm, mẹ già, các con còn nhỏ. Sau khi có một người quen bắt mối về việc mở xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chị đã phải suy nghĩ 2 tháng để quyết định vì chị Nghìn biết với hoàn cảnh trước mắt con đường sẽ nhiều gian truân.

Sau khi vay tiền mở xưởng, chị tự mình cặm cụi làm hàng ngày, đau buốt hết tay. Những lô hàng đầu tiên có mức lãi rất thấp, nhiều lúc làm chị Nghìn suy sụp, muốn bỏ dở. Nhưng sau đó, chị cứ nỗ lực từng ngày, vượt qua mọi khó khăn để gây dựng cơ đồ như ngày hôm nay khi thành lập Hợp tác xã Gia công các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, may bao bì, túi xách Nam Nghìn.

Hiện hợp tác xã của chị Nghìn đang tạo việc làm cho khoảng 100 lao động địa phương với thu nhập từ 2,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Sự lớn mạnh của hợp tác xã cũng đã giúp gia đình chị Nghìn có "của ăn, của để", là một trong những phụ nữ thành đạt ở địa phương.

Năm 1996, chị Trịnh Thị Hương về làm dâu tại thôn Thuần Mỹ, xã Vĩnh Cường (Thanh Hà). Về nhà chồng với 2 bàn tay trắng trên mảnh đất chiêm trũng, chị Hương bắt đầu hành trình khởi nghiệp đầy khó khăn.

Ban đầu, chị Hương buôn bán tạp hóa, sau đó trải qua nhiều nghề kinh doanh khác nhau để kiếm cớ sinh nhai. Cuối cùng chị mở một cửa hàng may quần áo nhỏ và kiên trì rèn luyện tay nghề trong suốt 4 năm liên tiếp. Khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm và tay nghề vững vàng, chị quyết định mở xưởng may tại nhà lấy tên là Nhà may Anh Đức.

Những năm đầu làm ăn, vợ chồng chị không ít lần phải chờ đợi khách hàng trong vô vọng. Thế nhưng với sự kiên trì bền bỉ, chị Hương vẫn quyết tâm không từ bỏ đam mê. Đến nay, nhà may của chị đã kết nối may đồng phục với gần 90 trường học, tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động trong thôn. Chị Hương mở thêm một xưởng may tại Hải Phòng, thu hút nhiều trường học ký hợp đồng may đồng phục.

Chia sẻ về chặng đường gian nan đã qua, chị Hương bày tỏ: “Làm kinh doanh đã khó, với phụ nữ còn khó hơn gấp bội. Ở vùng đồng chiêm đất trũng, tôi đã tự nhủ tìm hướng đi cho mình và phải thành công bằng chính sức mạnh của mình”.

khi-phai-yeu-khang-dinh-suc-manh (2)
Chị Trịnh Thị Hương luôn tự nhủ tìm hướng đi cho mình và phải thành công bằng chính sức mạnh của mình

Để thành công, chắc chắn yếu tố quan trọng nhất chính là năng lực, ý chí và khát vọng vươn lên của bản thân mỗi phụ nữ. Bên cạnh đó, phụ nữ ở Hải Dương luôn có sự động viên, đồng hành của tổ chức hội. “Hội Liên hiệp phụ nữ ở Hải Dương luôn đồng hành, quan tâm hỗ trợ chị em có tinh thần khởi nghiệp từ việc kết nối vay vốn, đào tạo kỹ năng phát triển kinh doanh, kết nối mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa…”, bà Trịnh Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hải Dương cho biết.

Vì cộng đồng

Trong nhiều lần chia sẻ về mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ địa phương, chị Nguyễn Thị Điệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Tân Dân (Chí Linh) đều cho biết chị luôn trăn trở với việc phân loại rác thải cho bà con, giúp bảo vệ môi trường bền vững. Vì vậy, chị cùng Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ phường đi đầu trong triển khai phong trào “Ngôi nhà xanh”, vận động hội viên thực hiện phân loại rác thải tại nguồn…

Nhận thấy việc cung cấp nguồn men vi sinh ổn định, bảo đảm chất lượng, giá thành hợp lý phục vụ bà con là rất cần thiết, với mong muốn lan tỏa sản phẩm men vi sinh IMO đến mọi người, góp phần giảm thiểu lượng rác ra môi trường, chị Điệp đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh men vi sinh IMO Ngân Nguyễn.

Tổ hợp tác đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho 15 chị em địa phương, mỗi tháng sản xuất từ 1.000 - 2.000 kg men thành phẩm, bảo đảm được nguồn men chất lượng cung cấp cho các đơn vị trong và ngoài thành phố.

khi-phai-yeu-khang-dinh-suc-manh.jpg
Xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của chị Ngô Thị Thanh Nghìn tạo việc làm cho nhiều lao động lớn tuổi, khuyết tật ở Ninh Giang

Hiện nay, trong số khoảng 100 lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất cho Hợp tác xã Gia công các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, may bao bì, túi xách Nam Nghìn có nhiều người cao tuổi, khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn… “Tôi làm ở đây công việc nhẹ nhàng, lại có thu nhập trang trải cuộc sống, đỡ vất vả hơn. Nếu chỉ cấy mấy sào ruộng thì cũng chỉ đủ ăn thôi. Ở đây, có trường hợp nhà 2 chị em khuyết tật cũng được cô Nghìn tạo điều kiện nhận vào làm”, bà Lê Thị Tuân (65 tuổi) ở thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong (Ninh Giang) cho biết.

Để lan tỏa tấm lòng thơm thảo, chị Đỗ Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Gia Lộc nhận đỡ đầu 5 trẻ mồ côi trong thời gian 5 năm với tổng số tiền 150 triệu đồng. Trong 5 năm qua, chị Thủy còn dành hơn 1,5 tỷ đồng cho các hoạt động thiện nguyện như xây nhà tình nghĩa cho phụ nữ nghèo, hỗ trợ phụ nữ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ trong và ngoài tỉnh.

Trên đây chỉ là số ít trong số rất nhiều phụ nữ ở Hải Dương đã tự tin, mạnh dạn và vượt khó thành công trên con đường khởi sự kinh doanh. Và từ đó, họ lan tỏa tinh thần vì xã hội với những việc làm cao đẹp.

Tháng 12/2024, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hải Dương đã biểu dương 35 tập thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu, đại diện cho hàng nghìn phụ nữ điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, phụ nữ khởi nghiệp trong toàn tỉnh năm 2024. Đội ngũ doanh nhân nữ, phụ nữ làm chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trang trại, hợp tác xã, câu lạc bộ phụ nữ làm kinh tế giỏi ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.

MINH THANH