Sử dụng điện thoại khi lái xe máy bị phạt thế nào?
Theo Nghị định 168, sử dụng điện thoại khi lái xe máy có thể bị phạt đến 14 triệu đồng.
Theo quy định tại khoản 6, điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, hành vi dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ là bị nghiêm cấm.
Cụ thể, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đang di chuyển trên đường bộ không được phép dùng tay cầm và sử dụng điện thoại. Trường hợp cá nhân gắn điện thoại lên giá đỡ để xem Google Maps mà không dùng tay cầm và thao tác với điện thoại trong quá trình điều khiển xe, thì không vi phạm quy định nêu trên.
Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại (dù gắn trên giá đỡ) vẫn phải bảo đảm an toàn giao thông.
Mức phạt lỗi cầm và sử dụng điện thoại khi lái xe máy năm 2025
Theo Nghị định 168 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, với lỗi dùng tay cầm và sử dụng điện thoại khi lái xe máy bị phạt như sau:
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe sử dụng ô (dù), thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác. Đồng thời, bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe.
Phạt tiền từ 10 - 14 triệu đồng đối với người điều khiển xe sử dụng ô (dù), thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác mà gây tai nạn giao thông. Ngoài phạt tiền, còn bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe.
Như vậy, người điều khiển xe máy có hành vi cầm và sử dụng điện thoại khi lái xe sẽ bị phạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Trường hợp cầm và sử dụng điện thoại khi lái xe mà gây tai nạn thì mức phạt sẽ từ 10 - 14 triệu đồng. Ngoài ra còn bị trừ điểm giấy phép lái xe.
Mức phạt mới nhất về lỗi xe máy không gương
Theo quy định nêu trên, xe máy khi tham gia giao thông phải có gương chiếu hậu bên trái để bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển phương tiện. Trường hợp xe máy không có gương chiếu hậu bên trái hoặc có nhưng không có tác dụng sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng.
Thế nào là xe máy có gương nhưng không có tác dụng?
Cụ thể, gương chiếu hậu xe máy phải bảo đảm quy chuẩn theo quy định của pháp luật. Gương chiếu hậu phải được lắp đặt chắc chắn. Người lái có thể điều chỉnh được vùng quan sát tại vị trí lái.
Bề mặt phản xạ của gương chiếu hậu phải có dạng hình lồi và có thể nhận rõ hình ảnh ở phía sau với khoảng cách tối thiểu 50 m về phía bên phải và bên trái hoặc tâm bề mặt phản xạ của gương phải cách mặt phẳng trung tuyến dọc của xe một khoảng tối thiểu là 280 mm.
Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94 mm và không được lớn hơn 150 mm.
Trong trường hợp gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm và phải nằm trong một hình chữ nhật có kích thước 120 mm x 200 mm.
Như vậy, nếu xe máy có gương nhưng không đáp ứng các điều kiện nêu trên sẽ được xem là xe máy có gương nhưng không có tác dụng.
Phạt đi sai làn đường với xe máy
Nghị định 168 quy định người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng (trước đây là từ 400.000 - 600.000 đồng) khi vi phạm các lỗi dưới đây:
Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình;
Đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều);
Điều khiển xe đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy.
Ngoài ra, trường hợp người điều khiển xe máy đi sai làn đường mà gây tai nạn giao thông, thì bị phạt tiền từ 10 - 14 triệu đồng (trước đây từ 4 - 5 triệu đồng) và bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe.
Như vậy, có thể thấy mức phạt với lỗi đi sai làn đường với xe máy từ năm 2025 đã được tăng lên, trong đó tăng mạnh với trường hợp đi sai làn đường mà gây tai nạn giao thông.