Bình luận

Tại sao lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ với dầu mỏ Nga lại là một vấn đề lớn?

T.H (theo TTXVN) 11/01/2025 20:05

Từ siết chặt vận chuyển, bảo hiểm đến hạn chế công nghệ, các biện pháp mới của Mỹ nhằm vào Nga được đánh giá là mạnh nhất từ trước đến nay. Liệu Nga có chịu áp lực hay thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn?

dau-mo-nga.jpg
Tàu chở dầu đang ở khu phức hợp trung chuyển Sheskharis tại Novorossiysk, Nga

Theo Bloomberg, Mỹ ngày 10/1 đã công bố gói trừng phạt toàn diện và mạnh mẽ nhất từ trước đến nay nhằm vào hoạt động buôn bán dầu mỏ của Nga. Động thái này được đánh giá có khả năng gây gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga nhiều hơn bất kỳ biện pháp nào mà phương Tây từng áp dụng trước đây.

Như dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, biện pháp trừng phạt mới này có thể làm giảm thặng dư nguồn cung gần 1 triệu thùng mỗi ngày trong năm nay. Phản ứng của thị trường đã thể hiện rõ khi giá dầu Brent tương lai cho năm 2024 đã tăng từ mức dưới 75 USD/thùng lên tới 80,75 USD/thùng vào cuối tuần, theo số liệu từ ICE Futures Europe.

Những điểm chính trong gói trừng phạt mới

Thứ nhất, nhắm vào các công ty vận chuyển lớn: Lần đầu tiên, Mỹ trực tiếp nhắm vào hai công ty vận chuyển dầu mỏ lớn của Nga. Hai công ty này đã vận chuyển khoảng 970.000 thùng dầu mỗi ngày bằng đường biển trong năm 2024, một con số đáng kể hơn cả lượng cung thặng dư toàn cầu dự kiến cho năm 2025. Việc trừng phạt này sẽ tác động đáng kể đến các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ và các công ty Trung Quốc.

Thứ hai, mở rộng danh sách tàu chở dầu bị trừng phạt: Mỹ đã công bố trừng phạt 160 tàu chở dầu, tăng gấp đôi tổng số tàu bị Mỹ, Anh và EU nhắm đến từ trước đến nay. Tác động của các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã được chứng minh rõ ràng: trong số 39 tàu bị trừng phạt kể từ tháng 10/2023, có tới 33 tàu đã không thể vận chuyển hàng kể từ khi bị đưa vào danh sách đen.

Thứ ba, siết chặt hoạt động bảo hiểm hàng hải: Gói trừng phạt cũng nhắm vào hai nhà cung cấp bảo hiểm bảo vệ và bồi thường tàu chở dầu lớn nhất của Nga là Ingosstrakh và Alfastrakhovanie. Điều này có thể buộc nhiều tàu chở dầu, bao gồm cả đội tàu của Nga, phải rời khỏi thị trường bảo hiểm chính thống, làm tăng thêm các rủi ro về an toàn hàng hải.

Thứ tư, hạn chế dịch vụ dầu khí: Các công ty dịch vụ dầu khí của Mỹ sẽ phải ngừng hoạt động tại Nga trước ngày 27/2 tới. Mặc dù tác động ngắn hạn có thể không đáng kể do Nga đã chuyển sang sử dụng các nhà cung cấp trong nước, nhưng điều này có thể ảnh hưởng đến việc phát triển các dự án mới, đặc biệt là các dự án đòi hỏi công nghệ tiên tiến ở Bắc Cực và ngoài khơi.

Thách thức trong việc thực thi

Tuy nhiên, hiệu quả của gói trừng phạt mới phụ thuộc nhiều vào việc thực thi và giám sát. Theo các chuyên gia, để hiệu quả, chính quyền Mỹ cần sẵn sàng có biện pháp mạnh với cả những đơn vị mua dầu của Nga. Tuy nhiên, việc này không đơn giản khi phần lớn hoạt động buôn bán dầu mỏ của Nga đã chuyển hướng sang các đối tác không thuộc phương Tây.

Đáng chú ý, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ và các công ty Trung Quốc đã tỏ ra thận trọng trong việc tiếp nhận hàng hóa từ các tàu bị trừng phạt. Tuy nhiên, trước đây điều này không ảnh hưởng nhiều đến họ do số tàu bị đưa vào danh sách đen chỉ chiếm một phần nhỏ trong đội tàu có sẵn. Vòng trừng phạt mới của Mỹ đã thay đổi căn bản tình hình này khi tác động đến một tỷ lệ lớn hơn nhiều các tàu vận chuyển.

Theo đánh giá của Rystad Energy A/S, công ty nghiên cứu có trụ sở tại Oslo (Na Uy), chỉ khoảng 15% thị trường khoan dầu của Nga phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Con số này cho thấy tác động của các biện pháp trừng phạt có thể sẽ không quá lớn trong ngắn hạn, nhưng sẽ gây khó khăn đáng kể cho các dự án phát triển dài hạn của Nga.

T.H (theo TTXVN)