Tin tức

Quốc gia EU hỗ trợ lớn nhất cho Ukraine bất ngờ chặn gói viện trợ mới

T.H (theo TTXVN) 10/01/2025 22:00

Theo tạp chí Der Spiegel, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang ngăn chặn việc phê duyệt gói viện trợ quân sự trị giá 3 tỷ euro cho Ukraine.

goi-vien-tro.jpg
Xe tăng Leopard 2 của lực lượng vũ trang Đức

Theo tạp chí này, Thủ tướng Scholz cho rằng khoản hỗ trợ này là không cần thiết, bất chấp áp lực từ Ngoại trưởng Annalena Baerbock và Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius.

Chính phủ Đức hiện đang bị chia rẽ gay gắt về gói viện trợ mới này. Theo Spiegel, gói hỗ trợ dự kiến bao gồm các hệ thống phòng không tiên tiến và pháo binh, được bà Baerbock và ông Pistorius xem là rất cần thiết trong bối cảnh Ukraine đang gặp khó khăn trước những bước tiến của Nga trên chiến trường.

Hai Bộ trưởng cũng lo ngại về khả năng Mỹ sẽ ngừng hỗ trợ Ukraine sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump, một người chỉ trích viện trợ cho Ukraine, chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ vào ngày 20/1 tới.

Hai vị Bộ trưởng đã đề xuất sử dụng cơ chế chi tiêu bất thường từ Ủy ban ngân sách Quốc hội Liên bang Đức để tài trợ cho kế hoạch này, một phương án từng được sử dụng cho các gói hỗ trợ Ukraine trước đây.

Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz phản đối đề xuất trên với nhiều lý do. Theo Spiegel, ông Scholz không muốn đưa ra bất kỳ quyết định nào khiến chính phủ liên bang tương lai phải đối mặt với "một việc đã rồi" trong vấn đề viện trợ cho Ukraine.

Ngoài ra, văn phòng Thủ tướng cho rằng Ukraine vẫn còn đủ nguồn lực từ các cam kết viện trợ trước đây của Đức. Một số nguồn tin từ Đảng SPD của Thủ tướng Scholz tiết lộ rằng ông có thể đang tránh việc phê duyệt các lô vũ khí mới trong thời gian vận động bầu cử, lo ngại điều này có thể làm mất lòng cử tri.

Cuộc tranh cãi về gói viện trợ mới cho Ukraine diễn ra trong bối cảnh liên minh "đèn giao thông" của Đức sụp đổ vào tháng 11/2024 do nhiều bất đồng, bao gồm cả vấn đề viện trợ cho Ukraine. Đức dự kiến sẽ tổ chức bầu cử sớm vào ngày 23/2 tới.

Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Đức đã là một trong những quốc gia hỗ trợ hàng đầu cho Kiev, với tổng cam kết khoảng 28 tỷ euro. Tuy nhiên, viện trợ quân sự của Đức cho Ukraine đã giảm xuống còn 4 tỷ euro vào năm 2025, so với 7,5 tỷ euro của năm trước đó.

Thủ tướng Scholz cũng tỏ ra dè dặt trong việc phê duyệt các lô tên lửa tầm xa Taurus, lo ngại rằng điều này có thể làm leo thang xung đột và khiến Đức bị coi là một bên tham chiến trực tiếp.

Trong khi đó, Nga liên tục lên án việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều này chỉ kéo dài xung đột mà không làm thay đổi kết quả cuối cùng.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 9/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tại cuộc họp mới nhất trong một loạt cuộc họp với đồng minh phương Tây của Kiev diễn ra ở Đức, 34 quốc gia đã các cam kết hỗ trợ quân sự bổ sung 2 tỷ USD cho Kiev.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình My-Ukraina sau cuộc họp, Tổng thống Zelensky nêu rõ khoản viện trợ bổ sung này bao gồm hỗ trợ trang thiết bị phòng không, công nghệ thông tin, rà phá bom mìn cho tới hỗ trợ các lực lượng hải quân, không quân và pháo binh.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington sẽ cung cấp thêm 500 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm tên lửa phòng không, đạn dược không đối đất và thiết bị hỗ trợ cho chiến đấu cơ F-16.

T.H (theo TTXVN)