'Mỏ vàng' du lịch làng quê
Quan tâm đầu tư phát triển du lịch nông thôn ở Hải Dương không quá tốn kém, nhưng sẽ góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa, di tích, mang lại thu nhập cho người dân.
Thật bất ngờ khi những vị khách của Bang Alaska (Mỹ) lại háo hức khi tới thăm làng cổ Thượng Cốc, xã Gia Phúc (Gia Lộc).
Những con đường quanh co dẫn lối vào xóm nhỏ đã khiến bước chân khám phá của du khách không muốn dừng. Họ thích thú khi được chụp ảnh bên những nếp nhà, ngôi đình cổ có kiến trúc độc đáo vẫn được vùng quê này lưu giữ.
Vì sao vậy? Có lẽ bắt đầu từ sự khác biệt. Ở nơi du khách Mỹ sinh sống phần nhiều là những tòa nhà cao tầng, khu phố sầm uất mà hiếm có những đoạn đường làng quanh co, bao bọc bởi những hàng râm bụt hay lũy tre xanh mát. Về những vùng quê của Việt Nam họ không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên yên bình mà còn thích thú khi được tìm hiểu những nét văn hóa riêng.
Từ câu chuyện của các vị khách nước ngoài khi tới làng cổ Thượng Cốc tôi tự đặt câu hỏi: Hải Dương có thể tập trung khai thác tiềm năng du lịch làng quê hay rộng hơn là du lịch nông thôn hay không?
Tìm câu trả lời, tôi đọc Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2023 thì thấy Hải Dương đã xác định phát triển du lịch theo hướng bền vững, kết hợp bảo tồn và phát huy các giá trị của từng địa phương. Quy hoạch nêu rõ, Hải Dương chú trọng phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn và du lịch làng nghề.
Hải Dương có không ít những ngôi làng chứa đựng trầm tích lịch sử, có những câu chuyện văn hóa hấp dẫn để làm du lịch hiệu quả. Ngoài Thượng Cốc dù không còn giữ được nhiều nét xưa có thể kể đến những làng cổ như Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) với những nhà gỗ có tuổi đời hàng trăm năm và nghệ thuật tuồng cổ vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay. Làng Hoạch Trạch (tên nôm gọi là làng Vạc) ở xã Thái Học (Bình Giang) còn lưu giữ nhiều dấu tích mang đậm giá trị lịch sử. Trong làng không hiếm những nếp nhà, giếng làng cổ kính...
Kể ra như vậy để thấy rằng, Hải Dương không thiếu những ngôi làng, những vùng nông thôn có thể khai thác du lịch văn hóa, lịch sử. Thống kê của Sở Công thương cho thấy, Hải Dương còn có hơn 60 làng nghề, trong đó nhiều làng nghề truyền thống có giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế lâu đời. Ẩm thực của các làng quê Hải Dương cũng thú vị.
Biến làng cổ thành điểm du lịch hấp dẫn đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện từ lâu. Có thể nhắc đến làng chài cổ Portofino bên bờ biển Địa Trung Hải gần TP Genoa, miền bắc Italy; hay làng trung cổ Hallstatt nằm ở chân núi Alps nước Áo được ví như xứ sở cổ tích với lịch sử lâu đời... Những ngôi làng ấy là điểm tham quan không thể thiếu khi du khách đến với Italya hay Áo.
Khai thác du lịch làng quê, chúng ta cần hệ thống đầy đủ thông tin, xây dựng những câu chuyện của mỗi làng một cách sâu sắc và hấp dẫn. Sản phẩm du lịch của làng cũng cần được chọn lọc, tạo sự khác biệt, liên kết trong các tour tuyến.
Đầu tư phát triển du lịch làng quê không quá tốn kém nhưng lại đòi hỏi sự tinh tế và sự tham gia của người dân. Điều cần thiết hơn cả là biết cách bảo tồn từng giá trị văn hóa, di tích lịch sử để chúng không bị mai một hay biến mất trong quá trình đô thị hóa, từ đó biến thành "mỏ vàng" du lịch.
Một điều quan trọng, quyết định nữa là giới thiệu được các sản phẩm du lịch đến với bạn bè năm châu và kéo họ đến. Không thể không nhắc đến vai trò của truyền thông, vai trò của các công ty lữ hành và cả vai trò của ngoại giao văn hoá.